ggg-1679029799.jpg
Một góc làng quê Hưng Hòa hôm nay.

Theo tuyến đường đê Tả Lam từ Bến Thuỷ xuôi về Cửa Hội, chúng ta đi qua quê hương Đại tướng Chu Huy Mân. Nằm bên dòng sông Lam thơ mộng, vẫn còn đó những rừng bần, đầm tôm, ruộng lúa nhưng giờ đây Hưng Hòa đã trở thành làng ven đô trù phú với những nhà cao tầng, mái đỏ tân kỳ đã mọc lên san sát; những tuyến đường rộng và thẳng vừa hoàn thành, nhiều công trình đang hối hả thi công… không còn ai nhận ra vùng đất “chưa mưa đã ngập”, nghèo khó trước đây.

Đến với xã Hưng Hòa nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân đâu đâu cũng rợp cờ hoa, băng cờ, biểu ngữ. Người dân trong làng, cuối xóm ai cũng tự hào khi nhắc về Đại tướng.

Nằm ở cuối hạ nguồn, là vùng chiêm trũng nên Hưng Hòa luôn bị ngập úng mỗi khi mùa mưa đến. Đồng chua, nước mặn làm cho cuộc sống mưu sinh của người dân nơi đây cũng khó khăn, vất vả muôn phần. Tuy nhiên bằng sự cần cù, chịu khó, người dân đã biến những khó khăn thành lợi thế để vươn mình phát triển.

Ở những vùng ít ngập úng và không bị nhiễm mặn được quy hoạch thành ruộng lúa tốt tươi. Còn những vùng thường xuyên ngập úng, nhiễm mặn không thể cấy lúa trở thành đồng cói làm nguyên liệu cho nghề dệt chiếu; hình thành những đầm nuôi tôm, nuôi vịt… Tranh thủ thời gian nông nhàn, lao động Hưng Hoà tham gia thị trường lao động ở thành phố Vinh, Cửa Lò với các nghề dịch vụ, buôn bán, thợ xây…

Vui mừng vì những kết quả đạt được trong thời gian qua, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hưng Hòa, Dương Xuân Thám chia sẻ: Để xứng đáng với vùng quê giàu truyền thống cách mạng, quê hương của Đại tướng Chu Huy Mân trong những năm gần đây xã đã tập trung xây dựng cở sở hạ tầng, kêu gọi thu hút đầu tư, chuyển dịch về cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng các ngành, nghề khác. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất của Hưng Hòa đạt 305,1 tỷ đồng, đạt 102,1% kế hoạch năm. Điều đáng nói là cơ cấu kinh tế đã có sự thay đổi rõ rệt khi tỷ trọng công nghiệp-xây dựng chiếm 45,3%; dịch vụ-thương mại chiếm 36,2% và tỷ trọng nông-lâm-ngư nghiệp chỉ chiếm 18,5%. Hưng Hoà còn phát triển được nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao như nuôi tôm, mô hình bò sinh sản, ấp trứng vịt lộn,...

Với những nỗ lực phấn đấu của cán bộ và nhân dân, năm 2015, Hưng Hoà đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới và hiện đang nỗ lực xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết.

Ngoài phát huy nội lực, những năm gần đây, Hưng Hòa đã “bừng tỉnh” một phần nhờ sự quan tâm đầu tư của tỉnh. Khi nhiều dự án giao thông trọng điểm như đường Nguyễn Sỹ Sách kéo dài, đường 35m, đường trung tâm xã được đầu tư xây dựng. Đây là tiền đề để xã Hưng Hòa thuận lợi trong việc kết nối với vùng nội thành Vinh, Cửa Lò, thúc đẩy quá trình phát triển và đô thị hóa.

Khẳng định Hưng Hòa là một trong những địa phương được thành phố Vinh kêu gọi thu hút đầu tư lớn nhất hiện nay, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Vinh Trần Thị Cẩm Tú cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã Hưng Hòa đang triển khai hàng loạt dự án phát triển kinh tế, xã hội nổi bật nhất là dự án Khu đô thị và nhà ở xã hội xã Hưng Hòa, Khu đô thị Eco Central Park... Những dự án này hứa hẹn sẽ tiếp tục làm thay đổi bộ mặt Hưng Hòa trong tương lai gần, góp phần phát triển thương mại-dịch vụ, nâng cao thu nhập và đời sống cho bà con nhân dân.

Bên cạnh đó, Hưng Hòa tiếp tục phát huy các giá trị truyền thống, lịch sử, phát triển các làng nghề, nuôi trồng thủy sản, xây dựng các sản phẩm Ocop... Theo Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Vinh, xã Hưng Hòa nằm trên trục đường du lịch ven đê sông Lam kết nối trung tâm thành phố Vinh, Nam Đàn, Cửa Lò do đó trong tương lai đây sẽ là địa phương có vị thế, địa thế đẹp nhất của thành phố Vinh. Thời gian tới, Hưng Hòa được định hướng là địa phương phát triển đô thị, du lịch, sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị cao...

Những ngày tháng 3 giữa tiết trời ấm áp, sự chuyển mình mạnh mẽ của xã Hưng Hòa cùng sự quan tâm đầu tư của tỉnh và các nhà đầu tư, hứa hẹn thời gian tới địa phương sẽ phát triển vượt trội, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao hơn nữa như những gì Đại tướng Chu Huy Mân từng trăn trở.

p-1679029826.jpg
Nhà tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân.

Đại tướng Chu Huy Mân tên thật là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913 tại làng Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên, nay xã Hưng Hòa, thành phố Vinh (Nghệ An). Sinh ra ở vùng quê được xem là địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng, được gia đình tạo điều kiện học tập, đồng chí Chu Huy Mân đã sớm tiếp thu truyền thống quê hương và giác ngộ cách mạng. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí liên tục giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng, Nhà nước và Quân đội; từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước

Theo THÀNH CHÂU - ĐÌNH PHƯỢNG - nhandan.vn