yt-1702355542.jpg
Canh lá lằng xứ Nghệ.

Di cư vào Nam chưa lâu, các món ngon trên đất phương Nam còn phong phú hơn cả xứ Nghệ, nhưng món Nghệ mới làm cho người Nghệ bâng khuâng nỗi nhớ quê. Nào thì lươn Vinh, nào thì bánh mướt, râu tôm ruột bầu, canh khế nấu tép, nhút Thanh Chương... nhưng món lá lằng làm tôi lòng tôi ngọt hơn tất cả.

Nấu bát canh cà kiu đưa từ quê vào, tôi lại bồi hồi bởi thiếu lá lằng mà lần về quê tôi quên mất. Lá lằng, cà kiu, con cá trích, cá nục hay con tép đồng sao mà nó hợp nhau đến thế. Qua miền Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, bát canh lằng nhân nhẩn đắng, ngọt bùi của tôm cá, thanh thanh của cà kiu sao mà hợp nhau đến vậy. Nó hợp như các nàng mùa covid năm xưa nhớ biển hay nhớ vị bún lá quệt ruốc chua chua cay cay, nhớ vị bánh rán chợ Hôm Cửa Lò ăn một lần thì không thể nào quên...

Nó như là món rươi cáy của dân tả Lam mùa tháng 10, món rau nhót của người Diễn Châu, món rau dún của người miền núi, món quả mui trám của người Thanh Chương, món nộm quoao của Đô Lương, Anh Sơn...

Nhắc tới bát canh lằng, cái nắng rát miền gió Lào bị giảm nhiệt đi nhiều. Chiếc lá lằng bánh tẻ gói con cá trích nướng hay miếng cá thu nướng thơm bùi, chấm vào bát nước mắm cốt đã làm người ăn quên đi hết mệt nhọc của một ngày lam lũ cày cuốc hay lưới biển. Cái ngon, cái lạ của nó là vị đắng đã chuyển thành ngọt nơi đầu lưỡi, và họ tin rằng rôm sảy sẽ lặn đi khi dùng món lá lằng trong thực đơn mùa nắng.

Hôm nay, Sài Gòn nắng gắt, lại nhớ bát canh quê đắng ngọt đến nao lòng. Chỉ muốn được xoã biển quê, ăn món quê dân dã và sống với những tấm lòng quê nơi xa xứ sao cho chân thành và mộc mạc nhất thôi.