Từ khi thủy điện Bản Ang đi vào hoạt động, lần lượt những ngôi nhà sống ven lòng hồ có hiện tượng nứt nẻ. Mặc dù cơ quan chức năng đã lên phương án di dời nhưng phía thủy điện vẫn thờ ơ, không đoái hoài.
 
Thấp thỏm bên tử thần
 
Hơn 1 năm nay, mỗi lần mưa gió, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hồng (38 tuổi, bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương) lại không dám nấu ăn; cả gia đình nằm co rúm trong một góc nhà vì sợ. “May là cái nhà chính làm bằng gỗ kiên cố nên chưa thấy dấu hiệu gì”, anh Hồng nói. Nhưng căn nhà bếp và phần móng hiện nay đã chi chít các vết nứt. Nhiều vết chạy dài hơn 10m, rộng hơn 5cm. Vết nứt đang ngày càng nhiều và cứ to ra cùng với nỗi lo của gia đình. Nhưng anh Hồng cũng không biết bao giờ mới có thể chuyển đến nơi ở mới nhằm ổn định cuộc sống.


 
Vết nứt dọc căn nhà anh Hồng.


 
Vết nứt phía dưới nền nhà.
 
“Tôi mua đất dựng nhà ở đây đã gần 20 năm, còn thủy điện họ mới hoạt động được vài năm. Trước đây chẳng có vấn đề gì cả, nhưng sau khi thủy điện hoạt động thì nhà nào cũng nứt toác, nguy cơ bị kéo xuống lòng hồ lúc nào không hay. Nhưng phía thủy điện vẫn không một lời hỏi han. Họ quá thờ ơ, quá vô trách nhiệm với tính mạng người dân”, anh Hồng bức xúc.
 
Anh Hồng là 1 trong 6 hộ dân ở bản Khe Kiền bị ảnh hưởng bởi thủy điện Bản Ang. Gần 2 năm nay, họ liên tục có đơn kiến nghị đề nghị hỗ trợ để di dời nhà cửa nhưng đến nay, phía thủy điện vẫn không thèm đoái hoài.


 
Vết nứt đang ngày càng to, nguy cơ căn nhà bị lôi tuột xuống lòng hồ thủy điện.
 
Một trong những hộ bị ảnh hưởng nặng nề nhất là nhà anh Lữ Duy Hải. Theo ghi nhận của phóng viên, ngay phía trước thềm căn nhà kiên cố là một vết nứt chạy dài hàng chục mét, rộng hơn 10cm. Vết nứt chia cắt phần nhà thửa đất còn lại, khiến ngôi nhà dường như chực chờ rơi tõm xuống dòng Nậm Mộ. Bên trong nhà, các vết chân chim chằng chịt.
 
Do nứt nẻ, hệ thống dây điện chạy ngầm trong tường thậm chí đã bị đứt. Trong thời điểm UBND huyện Tương Dương kiểm tra phát hiện nền nhà bị rạn nứt, sụt lún, tường xây bị nứt theo từng vết, móng kè đá hộc có biểu hiện dịch chuyển do sụt lún phía ta luy âm bên trong lòng hồ thủy điện; Cọc rào bằng bê tông cốt thép giăng lưới B40 khoảng 55m đã sập xuống bên mép nước lòng hồ và một số công trình phụ khác đã bị trôi, nguy cơ bị ảnh hưởng tới nhà cửa, tài sản và người là rất cao.


 
Vết nứt chạy dài bên móng nhà anh Hải.
 
Cạnh đó, bà Lô Thị Oanh thậm chí không dám ở trong nhà nữa vì có nhiều chỗ nứt nẻ như móng nhà và kè chắn sạt lở bằng đá hộc có một phần đã sập xuống bên mép hồ, tường xây phòng hát karaoke giáp bờ sông nứt nẻ nhiều chỗ. Nhà vệ sinh có hiện tượng nghiêng do sụt lún và nhiều chỗ không an toàn trong phạm vi gia đình. “Nhà cửa của người dân chúng tôi bị nứt nẻ, sụt lún do nhà máy thủy điện kể từ năm 2018 đến nay. Cơ quan chức năng xác định là không thể tiếp tục sống ở đây nữa và nói sẽ được Nhà máy Thủy điện Bản Ang đền bù để di dời đến nơi ở mới. Thế nhưng, đã gần 2 năm trôi qua chúng tôi vẫn chưa được giải quyết nguyện vọng. Hiện nay, mùa mưa bão năm 2020 đang tới gần nên những người dân như tôi đang rất lo lắng cho tài sản, tính mạng của mình và người thân sẽ bị đe dọa”, anh Lữ Duy Hải nói.
 
Coi thường tính mạng người dân
 
Nhận được phản ánh của người dân, tháng 8/2019, UBND huyện Tương Dương đã thành lập đoàn kiểm tra đánh giá mức độ ảnh hưởng của các hộ dân trong phạm vi lòng hồ thủy điện Bản Ang. Đoàn kiểm tra đã phối hợp với Công ty CP Thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn (chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Bản Ang), UBND xã Lưu Kiền, Ban quản lý bản Khe Kiền và các hộ dân bị ảnh hưởng tiến hành kiểm tra, đo đếm chi tiết tất cả các hạng mục như nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu, đất đai, nền, móng nhà có nguy cơ sạt lở, sụt lún đối với 6 hộ gia đình nêu trên.


 
Vết nứt ở nhà anh Hải.
 
Ngày 27/12/2019, UBND huyện Tương Dương có văn bản đề nghị giải quyết các kiến nghị của 6 hộ dân nêu trên gửi UBND tỉnh Nghệ An và Công ty CP Thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn. Văn bản nói trên cũng nêu rõ hiện trạng của 6 hộ gia đình bị ảnh hưởng, đồng thời chỉ ra phương án hỗ trợ là căn cứ vào hiện trạng về nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối hoa màu thực tế của các hộ gia đình đang sử dụng và nằm trong khu vực đất ở, đất vườn liền kề đất ở nhưng đã bị sạt lở và một số hộ có nguy cơ sạt lở cao để được tổ chức kê khai, kiểm đếm và áp giá hỗ trợ.
 
Theo đó, tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ cho 6 hộ dân là hơn 4,162 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường và hỗ trợ trực tiếp là hơn 3,9 tỷ đồng, gồm giá trị bồi thường về nhà cửa, công trình phụ là 2,087 tỷ đồng; giá trị bồi thường vật kiến trúc là hơn 1,746 tỷ đồng; giá trị bồi thường về cây trồng là 16 triệu đồng; hỗ trợ di chuyển nhà ở trong xã là 18 triệu đồng; hỗ trợ thuê nhà 36 triệu đồng và giá hỗ trợ san nền là 180 triệu đồng.


 
Thủy điện Bản Ang được xây dựng "ngay trên đầu" khu dân cư.
 
Tiếp đó, ngày 10/1/2020, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản gửi UBND huyện Tương Dương và Công ty CP Thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn. Tại văn bản này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa yêu cầu Công ty CP Thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn phối hợp làm việc với UBND huyện Tương Dương và các tổ chức, cá nhân có liên quan thống nhất phương án, kinh phí để di dời 6 hộ dân bản Khe Kiền ra khỏi vùng bị sạt lở và vùng có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân. Kết quả thực hiện phải báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/2/2020.
 
Sau khi nhận được văn bản chỉ đạo trên, ngày 18/2/2020, UBND huyện Tương Dương lại tiếp tục có báo cáo về việc bố trí kinh phí để di dời 6 hộ dân tại bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền như đã nêu ở trên gửi UBND tỉnh Nghệ An cũng như Công ty CP Thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn. Mặt khác, UBND huyện Tương Dương cũng đề nghị Công ty CP Thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn phải bố trí kinh phí chi trả cho 6 hộ dân để di dời ra khỏi vùng bị sạt lở và vùng có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân để sớm ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, cho đến nay, phía chủ đầu tư thủy điện Bản Ang là Công ty CP Thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn vẫn chưa chịu có động thái thực hiện.
 
“Tất cả các thủ tục kiểm tra thực tế, họp bàn, kiến nghị và có các báo cáo cũng như lập phương án di dời, tái định cư đầy đủ gửi cấp trên, cũng như chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Nậm Mô – Nậm Nơn. Thế nhưng, đến nay không hiểu vì sao phía chủ đầu tư vẫn đang thờ ơ, chưa chịu thực hiện nghĩa vụ của mình”, một lãnh đạo xã Lưu Kiền bức xúc. “Hiện nay, mùa mưa bão năm 2020 đang đến rất gần. Nếu các hộ dân nêu trên không sớm được di dời, tái định cư thì e rằng sẽ nguy hiểm đến tài sản và tính mạng của hàng chục người dân sẽ bị đe dọa nghiêm trọng”, vị này nói thêm.
 
Cũng theo vị lãnh đạo xã này, trong lần đi kiểm tra tình trạng hư hại nhà dân, phía thủy điện thậm chí còn không muốn nhận hết trách nhiệm mà đổ lỗi cho việc nứt nẻ này một phần do phương tiện đi lại trên Quốc lộ 7 gây ra. 
 
Trong khi đó, cách thủy điện Bản Ang không xa, nhiều năm nay người dân các xã Xá Lượng, Lượng Minh cũng khốn khổ vì thủy điện Nậm Nơn. Thủy điện này cũng thuộc Công ty CP Thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn. Kể từ khi thủy điện này đi vào hoạt động, mực nước dâng, lần lượt hàng loạt nhà dân ở thượng nguồn thuộc xã Lượng Minh bị cuốn trôi tuột xuống lòng sông. Nhiều hộ phải dựng tạm những căn lán ven đường để sống qua ngày. 
 
Còn ở hạ nguồn của đập thủy điện, nhiều hộ dân thuộc xã Xá Lượng cũng ăn ngủ không yên. Không hiểu bằng cách nào và vì sao, khi thủy điện này xây dựng, chỉ có một hộ dân được di dời. Còn nhiều nhà khác, có nhà thậm chí cách bờ rào đập thủy điện chừng 20m nhưng vẫn không được di dời. Để rồi, khi nhà máy đi vào hoạt động, hàng loạt ngôi nhà bị dòng nước cuốn trôi. Mặc dù biển cảnh báo an toàn cấm của thủy điện không cho người vào khu vực thủy điện trong tầm 100m nhưng hiện nay người dân lại phải sinh sống cách đập chưa đến 20m, bờ tường nhà dân thậm chí sát với trạm biến áp.
 
Không chỉ ảnh hưởng đến tài sản, có lần phía thủy điện còn xả nước khiến người dân đang đánh cá dưới chân đập bị cuốn trôi, tử vong. Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến vụ việc này, Công an Nghệ An cũng đã điều tra quy trình xây dựng nhà máy thủy điện, trong đó có liên quan các hạng mục công trình và thẩm định dự án để xác định “trách nhiệm thuộc về ai”. “Riêng Thủy điện Nậm Nơn cách nhà dân chưa đầy 20 mét, chỉ tiếng ồn thôi người dân cũng đã không chịu đựng được rồi. Cho nên, chúng tôi phải làm vấn đề này để gõ cái gậy vào tất cả cơ quan ban, ngành nào có trách nhiệm trong việc thẩm định, chỉ đạo xây dựng nhà máy thủy điện”, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an Nghệ An nói trong phiên họp HĐND tỉnh tháng 7/2019.