Ngày 13/12, Nghệ An đã tổ chức toạ đàm "Định hướng phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Phát biểu tại đây, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, thời gian qua, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với Tỉnh ủy Nghệ An và 20 ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương để tiến hành tổng kết theo Kế hoạch số 85-KH/BKTTW, ngày 23/5/2022 của Ban Chỉ đạo; trong đó có tổ chức một số hội thảo, tọa đàm nhằm củng cố các luận cứ khoa học và thực tiễn, giúp Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng tỉnh Nghệ An đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

7-1670998110.jpg
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc toạ đàm "Định hướng phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Theo ông Trần Tuấn Anh, để phát triển tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 về "phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020" với mục tiêu "phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ; quốc phòng, an ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo" và kèm theo nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Sau gần 10 năm thực hiện, phát triển tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; lợi thế một số ngành, lĩnh vực, địa bàn được phát huy; đời sống văn hóa, vật chất của nhân dân từng bước được cải thiện, một số điểm nghẽn trong phát triển dần được khơi thông.

Kinh tế tỉnh Nghệ An phát triển khá toàn diện, theo hướng ổn định, bền vững, cơ bản tạo ra những nền tảng thuận lợi cho giai đoạn tới. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) giai đoạn 2014-2020 cao hơn mức tăng bình quân chung của toàn vùng và cả nước (đạt 6,91%/năm). Quy mô kinh tế được mở rộng ; GRDP bình quân đầu người năm 2020 gấp 1,8 lần so với năm 2013. Thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp năm 2020 gấp 2,1 lần năm 2013. Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, năm 2020 gấp 2,6 lần năm 2013 với tỷ trọng khu vực ngoài Nhà nước và khu vực FDI tăng dần…

8-1670998142.jpg
Một góc TP. Vinh (Nghệ An). Ảnh: Văn Dũng

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhận định, ngoài những kết quả đạt được, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế; mục tiêu "xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020" theo định hướng chưa đạt được, nhiều chỉ tiêu kinh tế đạt mức thấp so với Nghị quyết 26-NQ/TW đề ra.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế vẫn còn chậm và dễ bị tác động bởi các cú sốc, các tác động tiêu cực từ bên ngoài; một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng chưa đạt mục tiêu đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm so với chuyển dịch chung của vùng và cả nước, trong đó khu vực dịch vụ có xu hướng giảm. Đổi mới mô hình tăng trưởng thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Cùng với đó, tăng trưởng công nghiệp chưa vững chắc, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp còn chậm, chưa thu hút được các dự án quy mô lớn; sản xuất nông nghiệp chưa thật sự bền vững, liên kết theo chuỗi giá trị còn hạn chế, phát triển vùng nguyên liệu còn chậm. Tiềm năng sức mua trong tỉnh chưa được khai thác tương xứng; du lịch phát triển chưa đột phá. Chất lượng tăng trưởng chủ yếu dựa vào thâm dụng vốn (vốn chiếm 49,15% trong GRDP).

Ngoài ra, công tác quy hoạch ở Nghệ An còn bất cập, chồng chéo, thiếu tính hệ thống. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng giao thông trọng yếu (cảng biển, sân bay) và hạ tầng khu vực miền Tây. Tốc độ đô thị hóa chậm, nâng cấp một số đô thị chậm hoàn thành; tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn nhiều so với bình quân vùng và cả nước (đạt 21,95% năm 2020).

Đặc biệt, nhiệm vụ đầu tư xây dựng TP. Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ chưa hoàn thành. Liên kết, phát triển vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An và Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh còn gặp nhiều khó khăn…/.

Theo Văn Dũng - nhadautu.vn