Sáng 13/12, tại TP Vinh, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức toạ đàm khoa học "Định hướng phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý thông tin, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, tỉnh đã đạt được những thành tựu khá toàn diện trên các mặt. Cụ thể, quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 12 cả nước, đóng góp 12,43% quy mô kinh tế vùng. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, thu ngân sách năm 2022 ước tính trên 20.000 tỷ đồng.

5-1670941362.jpg
Ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An phát biểu tại buổi toạ đàm - Ảnh: Quốc Huy

“Các ý kiến tại tọa đàm sẽ giúp Ban chỉ đạo và Tỉnh ủy Nghệ An nhìn nhận rõ hơn những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm trong 10 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị.

Đồng thời, sẽ làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra đối với phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Quý nói.

Nghệ An cần có nghị quyết thoát nghèo

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp chia sẻ, Nghệ An vẫn là tỉnh nghèo, tự bươn chải đi lên mà chưa có các công trình trọng điểm đúng tầm. Nếu như ở Quảng Ngãi có Dung Quất, Hà Tĩnh có Formosa, Thanh Hoá có xi măng ở Nghi Sơn thì Nghệ An vẫn đang tự mình vươn lên.

Theo ông Hợp, Nghệ An có giao thông thủy lợi không thua bất cứ tỉnh nào nhưng “Nghệ An vẫn là tỉnh thừa thầy, thiếu thợ. Cải cách hành chính chưa tốt, vẫn chưa có khu công nghiệp, công nghệ phần mềm và phần cứng ở vùng đất hiếu học. Vẫn là tỉnh nghèo vì thu chưa đủ chi”.

6-1670941400.jpg
Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: Quốc Huy

Ông Hợp mong muốn, tỉnh cần có nghị quyết với chủ đề “Giải phóng tư tưởng lãnh đạo, quyết tâm đưa tỉnh ra khỏi tỉnh nghèo. Hãy coi nghèo là nhục, mà nhục là phải làm giàu. Để thực hiện mục tiêu từ nay đến 2030 ít nhất có mức thu đủ chi".

“Muốn bứt phá cần có đội ngũ cán bộ có đức, có tài, có bản lĩnh. Tôi mong muốn Nghệ An xin Trung ương trước hết thực hiện tranh cử 4 chức danh: Chủ tịch xã, chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh và giám đốc sở”, ông Hợp đề xuất.

Tại buổi tọa đàm, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, nguyên Bộ trưởng Thương mại chia sẻ, tỉnh có báo cáo 5 năm, 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, tuy nhiên, không có báo cáo cụ thể từng năm thực hiện.

7-1670941436.jpg
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại - Ảnh: Quốc Huy

“Nghệ An thường gọi là đất địa linh nhân kiệt, hãy biến đất địa linh nhân kiệt của từng cá nhân thành thành đất địa linh nhân kiệt của cả hệ thống mới có hiệu quả. Phải nâng cao hiệu quả đầu tư công, tạo điều kiện hội tụ và lan tỏa đầu tư cho tư nhân”, ông Tuyển nói.

Chưa hoàn thành nhiều mục tiêu trọng điểm

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính Trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26, kinh tế của tỉnh Nghệ An phát triển khá toàn diện, theo hướng ổn định, bền vững, cơ bản tạo ra những nền tảng thuận lợi cho giai đoạn tới.

Tuy nhiên, phát triển KT-XH đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Mục tiêu “Xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020” theo định hướng chưa đạt được.

8-1670941469.jpg
Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu - Ảnh: Quốc Huy

“Nhiệm vụ đầu tư xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ chưa hoàn thành. Liên kết, phát triển vùng còn gặp nhiều khó khăn”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chỉ rõ, công tác giảm nghèo còn khó khăn, quy mô hộ nghèo đa chiều lớn, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn cao nhất trên địa bàn cả nước. Hạ tầng một số bệnh viện đa khoa tuyến huyện đã xuống cấp; chất lượng nguồn nhân lực y tế còn hạn chế…

Ông Trần Tuấn Anh cho rằng, cần phân tích tính đồng bộ trong xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực bên ngoài và khai thông các nguồn lực tại chỗ để phục vụ phát triển KT-XH. Đánh giá về phát triển từng lĩnh vực, địa bàn trong tỉnh, tìm ra các điểm đặc thù, các lợi thế cần được khai thác; gợi mở các mô hình tốt, cách làm hay xuất phát từ thực tiễn. Trên cơ sở đó, đề xuất các chương trình, kế hoạch, dự án, công trình cho từng địa bàn, lĩnh vực để thu hút, dẫn dắt các nguồn lực và tạo ra động lực tại chỗ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Nhiều người hiến kế cho Nghệ An phát triển

Ông Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phân tích sâu về sự phong phú và đặc sắc của tài nguyên văn hóa, lịch sử, đặc biệt là con người Nghệ An. Từ đó, ông đề nghị cần tăng cường tính kết nối, liên thông trong quy hoạch phát triển giữa kinh tế và văn hóa địa phương.

Trong quy hoạch phát triển đô thị, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phân tích, nhấn mạnh vai trò của đô thị hóa như một động lực cho sự phát triển của tỉnh, trong đó đặc biệt là vai trò của đô thị Vinh mở rộng, TX Hoàng Mai, TX Thái Hòa, Đô Lương...

Đồng thời nhấn mạnh vai trò và sự cần thiết phải hình thành, nâng cấp của các cơ sở hạ tầng chiến lược về mặt kinh tế như: Đường cao tốc, cảng biển nước sâu, Cảng hàng không quốc tế; cũng như các cơ sở hạ tầng xã hội...

Ông Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh sứ mệnh quốc gia của Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị đối với tỉnh Nghệ An, cần làm rõ, sâu hơn vai trò của các bên liên quan đối với việc thực hiện mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết, nhất là những chỉ tiêu chưa đạt được. Chú trọng hơn tính khả thi, tính thực tiễn của các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra; nghiên cứu kỹ hơn về khía cạnh thể chế, thời gian, nguồn lực, hoàn cảnh cụ thể, bối cảnh mới khi ban hành nghị quyết mới.

Ông Trần Đình Thiên cũng cho rằng, cần phải có cơ chế, thể chế ưu tiên đối với các vùng trọng điểm, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh Nghệ An. Ưu tiên các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược; phát triển thành phố Vinh về kinh tế - văn hoá xứng tầm của vùng Bắc Trung Bộ.

9-1670941500.jpg
Ông Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu - Ảnh: QH

Khép lại buổi tọa đàm, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý khẳng định, Tỉnh ủy Nghệ An sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập Trung ương tiếp thu tối đa ý kiến tham luận trực tiếp của các đại biểu tại tọa đàm, các bản tham luận. Đặc biệt là ý kiến của Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án để chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện hồ sơ tổng kết của tỉnh./.

Edit từ Quốc Huy - vietnamnet.vn