“Khủng” từ nhà máy đến vùng nguyên liệu
Có thể nói, ở khu vực miền Tây xứ Nghệ chưa có dự án nào lớn như Nhà máy sản xuất bột giấy Tân Hồng có địa chỉ tại xã Chi Khê, huyện Con Cuông. Vào năm 2007 nhà máy được đầu tư xây dựng với số vốn lên tới 1.255 tỷ đồng; công suất dự kiến 45.000 tấn/năm.
Để phục vụ cho công suất của nhà máy, ngày 7/7/2009, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3226 phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng trồng rừng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy sản xuất và chế biến bột giấy Tân Hồng tại 26 xã (127 tiểu khu) thuộc 2 huyện Tương Dương và Con Cuông với tổng diện tích quy hoạch trên 21.737ha, hiện trạng chủ yếu là đất trống. Gần 3 tháng sau, ngày 29/10/2009, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục ban hành Công văn số 5581 phê duyệt quy hoạch, mở rộng thêm 25.381ha vùng nguyên liệu, tại 3 huyện Anh Sơn, Thanh Chương và Tân Kỳ.
Sau khi 2 quyết định trên ra đời, tổng diện tích liên doanh, liên kết vùng nguyên liệu của dự án đạt đến con số 47.118ha, trải dài 5 huyện gồm huyện Tương Dương (13.838,4ha), Con Cuông (7.899,0ha), Anh Sơn (4.559,5ha), Thanh Chương (11.757,2ha), Tân Kỳ (9.064,7ha) với tổng vốn đầu tư là 596 tỷ đồng. Riêng tại huyện Con Cuông, nơi đóng nhà máy giấy Tân Hồng có gần 8.000ha vùng nguyên liệu, bao gồm 1.988ha đất đã có rừng trồng, hơn 5.900ha khác là trạng thái rừng IA, IB, IC ở 45 tiểu khu, thuộc địa bàn 12 xã. Liệt kê để thấy, tầm vĩ mô của nhà máy giấy Tân Hồng và sự quan tâm của tỉnh Nghệ An với mong muốn phát triển vùng đất còn nghèo ở miền Tây của địa phương.
Thế nhưng, do bỏ hoang, đến nay nhiều máy móc, thiết bị bên trong dự án nhà máy bột giấy nghìn tỷ này đã xuống cấp theo thời gian, xung quanh nhà máy, nước chảy lênh láng khiến cỏ dại mọc um tùm, các hạng mục đã hoen gỉ.
Theo ông Lộc Văn Hợi - Chủ tịch UBND xã Chi Khê, năm 2011, Nhà máy sản xuất bột giấy Tân Hồng bắt đầu vận hành thử nghiệm. Song chỉ được vài tháng thì dừng hoạt động, bỏ hoang từ năm 2012 đến nay.
“Theo tính toán, nếu nhà máy này đi vào hoạt động thì sẽ tạo công ăn việc làm ổn định cho 300 người, nhưng họ mới chỉ hoạt động thử được mấy tháng rồi dừng hẳn. Hiện bên trong nhà máy chỉ có một xưởng nhỏ được cho thuê lại để băm gỗ dăm” - ông Hợi cho biết thêm.
Kỳ vọng đến bao giờ?
Ngày 18/7/2022, UBND tỉnh Nghệ An chính thức có văn bản số 2084 quyết định: “Hủy bỏ quy hoạch chi tiết vùng trồng rừng nguyên liệu phục vụ Nhà máy sản xuất và chế biến bột giấy Tân Hồng”. Điều này có nghĩa, hơn 47 nghìn ha rừng đã quy hoạch hơn 12 năm qua được cởi trói. Dù chậm, nhưng tỉnh Nghệ An cũng đã quyết tâm “tháo còng” cho hàng chục nghìn ha rừng bị 2 từ “quy hoạch” chôn chân bấy lâu nay.
Ít năm trước, Nhà máy sản xuất bột giấy Tân Hồng được chuyển cho Công ty CP Huy Tuấn sau khi doanh nghiệp này chính thức trúng đấu giá tài sản gắn liền trên đất của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tân Hồng do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam xử lý tài sản thế chấp thu hồi nợ với số tiền hơn 40 tỷ đồng. Sau khi chuyển nhượng, doanh nghiệp này cũng đổi tên dự án thành Nhà máy giấy Trà Lân.
Tưởng chừng, với chủ mới, Nhà máy sản xuất bột giấy sẽ có những thay đổi. Vậy nhưng, nhà máy này tiếp tục không hoạt động theo kế hoạch đã gây ra nhiều hệ lụy, khó khăn cho người dân ở vùng quy hoạch nguyên liệu cho nhà máy. Không có đầu ra, nhiều hộ dân đã trồng keo để bán rẻ cho tư thương.
Ông Hoàng Sỹ Kiện - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: Hiện dự án đã có chủ mới, huyện cũng rất ủng hộ. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp vẫn đang làm việc với UBND tỉnh để hoàn thiện các thủ tục chứ chưa triển khai gì. Được biết, ngày 20/3/2017 tại văn bản số 574 Sở kế hoạch đầu tư gửi UBND tỉnh Nghệ An tham mưu chấm dứt hoạt động dự án Nhà máy sản xuất bột giấy Tân Hồng.
Theo Điền Bắc - daidoanket.vn