Nhà thơ Thạch Quỳ sinh ngày 8.8.1941, tên thật là Vương Đình Huấn, trú tại TP Vinh (Nghệ An).
Ông quê gốc làng Đông Bích, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vinh (ngành Toán Lý), từ năm 1962 đến 1973, ông là giáo viên dạy toán tại các trường phổ thông cấp 3, trường Sư phạm tỉnh Nghệ An.
Sau khi học Trường viết văn Nguyễn Du, ông là cán bộ biên tập tạp chí Sông Lam, đã nghỉ hưu. Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An.
Đến nay, nhà thơ Thạch Quỳ đã cho ra mắt 9 tập thơ: "Sao và đất" (in chung năm 1967); "Tảng đá nhành cây" (năm 1973); "Nguồn gốc cơn mưa" (thơ thiếu nhi, năm 1978); "Con chim Tà Vặt" (năm 1985); "Cuối cùng vẫn một mình em" (năm 1996); "Đêm Giáng sinh" (năm 2004); "Tuyển thơ Thạch Quỳ" (năm 2009); "Bức tượng" (năm 2010) và "Tuyển tập thơ Thạch Quỳ" (năm 2018).
Nhà thơ Thạch Quỳ là tác giả bài thơ “Với con” nổi tiếng, đăng trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, số đầu tháng 6.1979. Cuối năm 1980, báo Nhân Dân đã in lại bài thơ “Với con” kèm theo ảnh và tiểu sử tác giả. Bài thơ được đông đảo bạn đọc yêu thơ trân trọng.
Năm 1988, Thạch Quỳ được Hội Nhà văn Việt Nam bầu chọn là 1 trong 10 nhà văn tiêu biểu được cử sang Liên Xô học tập theo lời mời của Hội nhà văn Liên Xô.
Bài thơ “Với con” của Thạch Quỳ:
“Con ơi con thức dậy giữa ngày thường
Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá
Qua đường đất đến con đường sỏi đá
Cha e con đến lớp muộn giờ.
Con ơi con nàng Bạch Tuyết trong mơ
Không thể nào yêu con thay mẹ được
Và vì thế, nếu khuy áo con bị đứt
Thì nói lên để mẹ khâu cho.
Và con ơi trên ấy ngân hà
Có thể rồi con sẽ lên đến được
Nhưng đêm nay thì con cần phải học
Bốn phép tính cộng trừ hay đọc một trang thơ.
Con ơi con, nếu thầy giáo dạy con
Có ánh sáng bảy màu trong ánh sáng
Thì con hỡi hãy khêu cho rạng
Ngọn bấc đèn con hãy vặn lên to.
Con ơi con, trái đất thì tròn
Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật
Tất cả đấy đều là sự thật
Nhưng cái bánh đa tròn, điều đó thật hơn!
Mẹ hát lời cây lúa để ru con
Cha cày đất để làm nên hạt gạo
Chú bộ đội ngồi trên mâm pháo
Bác công nhân quai búa, quạt lò.
Vì thế nên, lời cha dặn dò
Cũng chưa hẳn đã là điều đúng nhất
Cha mong con lớn lên chân thật
Yêu mọi người như cha đã yêu con”.
(1979).
Theo Quang Đại - laodong.vn