Nhà thơ Trần Quang Quý đã qua đời tại nhà riêng vào 11h 10/9, hưởng thọ 67 tuổi sau một thời gian chống chọi với bạo bệnh. "Trần Quang Quý là một nhà thơ dấn thân trọn đời cho sự sáng tạo thơ ca. Càng bệnh nặng ông càng viết. Thơ ca đã giữ ông ở lại thế gian này lâu hơn chúng ta nghĩ. Và những bài thơ của ông sẽ sống lâu hơn cuộc đời ông", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết.
Nhà thơ Nhà thơ Trần Quang Quý sinh 2/1/1955 tại xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ, nguyên Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, Phó giám đốc Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội. Ông được biết đến là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ Việt hai thập niên đầu thế kỷ 21. Ngoài những tập thơ đã xuất bản trong nước, thơ Trần Quang Quý đã được dịch và in ở nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc, Ba Lan, Cộng hòa Séc…
Từ năm 1971 đến năm 1977, ông tham gia lực lượng Công an Nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) tại các tỉnh Nghệ An, An Giang, Kiên Giang. Từ năm 1977 đến năm 1982, ông là cán bộ văn hóa thông tin Phú Thọ. Từ năm 1983 đến năm 1985, sau khi ra quân, Trần Quang Quý theo học khóa II Trường Viết văn Nguyễn Du. Đây là khoảng thời gian đánh dấu bước đầu sự nghiệp sáng tác thơ của ông khi giành giải Giải nhì thơ của Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1983-1984.
Trần Quang Quý viết nhiều và có những tác phẩm ghi dấu ấn trong làng thơ Việt Nam như: Viết tặng em trong ngôi nhà chật, Mắt thẳm, Giấc mơ hình chiếc thớt, Siêu thị mặt, Cánh đồng người (thơ song ngữ)....
Bên cạnh sáng tác thơ, Trần Quang Quý cũng viết kịch bản phim truyện và truyện ngắn. Những tác phẩm nổi bật ở hai thể loại này có thể kể đến: Lời sám hối muộn mằn (phim truyện), Chị Châu (phim truyện), Bờ sông trăng sáng (truyện ngắn), Bay lên những giấc mơ (bút ký, 2017)....
Trần Quang Quý ba lần nhận Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam: năm 2004 với tác phẩm Giấc mơ hình chiếc thớt, năm 2012 với Màu tự do của đất và năm 2019 với tập thơ Nguồn./.