Theo người nhà kể lại, vào tháng 11/2024, bà N.T.H. xuống nhà con ở phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa và có sang nhà hàng xóm chơi thì bị chó cắn rách quần và xây xước da. Sau khi cắn xong, con chó chạy mất. Sau khi bị chó cắn, bà H. không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Đến ngày 3/1/2025, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi. Ngày 6/1, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau đầu, khó thở, sợ nước, sợ gió nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Bắc Nghệ An khám.
Đến khoảng 15 giờ, ngày 7/1/2025, bệnh nhân được chuyển tuyến xuống Trung tâm bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) để tiếp tục theo dõi và điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chuẩn đoán nghi ngờ mắc bệnh dại (không lấy được mẫu xét nghiệm do bệnh nhân không hợp tác). Đến 16h30 cùng ngày, bệnh nhân được người nhà xin đưa về và đến 21h thì tử vong.
Chuyên gia khuyến cáo: Người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y. Không thả rông chó, mèo ra đường và phải rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Khi bị chó, mèo cắn, cào cần: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
Đến ngay cơ sở Y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.