Vietnamnet đưa tin, cách đây hơn một tuần, cháu V.Q.H. (9 tuổi, trú huyện Tân Kỳ) được đưa đến bệnh viện với chẩn đoán bị bệnh dại. Bé H. không được tiêm vắc xin dại sau khi tiếp xúc với động vật bị bệnh. Khi nhập viện, bệnh nhi tử vong.
Trước đó, vào cuối tháng 2, bé L.B.T (3 tuổi, trú huyện Quế Phong) xuất hiện nôn nhiều kèm co giật. Gia đình lo lắng đưa trẻ tới Trung tâm y tế tuyến huyện để cấp cứu.
Sau đó, trẻ được chuyển Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An điều trị trong tình trạng suy hô hấp, co giật kéo dài, nhiều đờm dãi, sợ gió, sợ nước.
Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An nhận định đây là trường hợp nghi ngờ bệnh dại. Qua khai thác tiền sử, trẻ thường xuyên tiếp xúc với chó mèo. Sau khi vào bệnh viện, dù được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng bé T. đã không qua khỏi.
Theo tiến sĩ, bác sĩ nội trú Trần Văn Cương, Trưởng khoa Cấp cứu, do thời gian ủ bệnh dại khá dài (2-8 tuần, có thể kéo dài đến một năm), nhiều cha mẹ không để ý đến những tổn thương trên cơ thể trẻ. Thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng, nhẹ của vết thương, vị trí và lượng virus dại được truyền sang người.
Dại khi đã lên cơn thì tỷ lệ tử vong là gần 100%. Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi bị chó, mèo cắn, cào, người dân cần sơ cứu vết thương đúng cách. Tiêm vaccine phòng dại vẫn là biện pháp duy nhất và hiệu quả để phòng ngừa bệnh cho người bị chó, mèo cắn, dẫn nguồn Tri Thức Trực Tuyến.
Việc gia đình nuôi động vật trong nhà (đặc biệt khi chưa được tiêm phòng) và để trẻ thường xuyên tiếp xúc tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm đối với trẻ. Người lớn nên chú ý con cái đặc biệt là vào thời điểm thời tiết chuyển nắng nóng (thời điểm bệnh dại hoành hành) nhằm tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.
Đưa động vật nuôi trong nhà đến cơ sở thú ý tiêm phòng cũng là một trong biện pháp phòng dại hiệu quả.
Theo Thùy Dung - doisongphapluat.com