Ông từng làm quản lý các cấp: tổ, khoa, chuyên ngành rồi viện (Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa và Ngôn ngữ - ĐHV). Là người có công đầu mở đào tạo cao học ngành ngôn ngữ từ sau những năm 90, góp phần đưa ngành Ngôn ngữ học của khoa Ngữ văn, ĐHV lên tầm một trong những trung tâm đào tạo uy tín của cả nước.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nhã Bản sinh ra và lớn lên ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, một vùng địa linh nhân kiệt. Ông học tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lômônôxôp (MGU). Đời làm nghề giáo, ông gắn với trường Đại học Vinh (ĐHV), gắn với mảnh đất xứ Nghệ. Ông từng làm quản lý các cấp: tổ, khoa, chuyên ngành rồi viện (Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa và Ngôn ngữ - ĐHV). Là người có công đầu mở đào tạo cao học ngành ngôn ngữ từ sau những năm 90, góp phần đưa ngành Ngôn ngữ học của khoa Ngữ văn, ĐHV lên tầm một trong những trung tâm đào tạo uy tín của cả nước.

Giáo sư giảng dạy nhiều chuyên đề, tham gia bồi dưỡng cán bộ trẻ và hướng dẫn các thế hệ học viên cao học và nghiên cứu sinh. Lĩnh vực nào ông cũng có những dấu ấn riêng với những đóng góp rất đáng được ghi nhận. Nhưng nổi trội nhất trong gần 40 năm công tác của ông chính là mảng nghiên cứu; có thể xem ông là nhà Nghệ ngữ học tiêu biểu hiện nay.

Ngôn ngữ là một thành tố văn hoá, là hiện thân của văn hoá thời cũng là biểu trưng của văn hoá “Không có một chiếc chìa khoá vạn năng nào để mở cửa vào cuộc sống nội tâm của một dân tộc ngoại trừ ngôn ngữ của dân tộc đó” (Hevvett). Theo nghĩa ấy, tiếng Nghệ là một thành tố văn hóa biểu hiện rõ nhất nét đặc thù của tiểu vùng văn hóa Nghệ Tĩnh. Ông sớm nhận thấy điều này trong tiếng Nghệ; và ông đã “túm” lấy chìa khoá đó để từ các hiện tượng lời ăn tiếng nói của người dân mà lý giải văn hoá nói chung, tiểu vùng văn hoá xứ Nghệ nói riêng, một cách thấu đáo, sâu sắc, đầy sức thuyết phục.

Quả vậy, trong lĩnh vực chuyên môn, dù tham gia giảng dạy nhiều học phần thuộc ngôn ngữ đại cương, ngôn ngữ thơ, ngữ âm học, phương ngữ học nhưng ý tưởng về nghề, trong đó việc “làm gì trên/ cho mảnh đất xứ Nghệ” được ông tỏ bày rồi định hình dần từ những năm 90. Văn hoá Nghệ Tĩnh nói chung, tiếng nói của xứ Nghệ nói riêng, dù đã có nhiều tác giả nghiên cứu nhưng ông đã ra tìm cách đi của mình. Và càng về sau, gần như ông dành toàn công sức châu tuần vào một hướng đi là phương ngữ Nghệ Tĩnh. Mình sống trên “mỏ vàng” thì phải biết đánh thức, khai thác. Ông bắt đầu chú tâm hơn việc hệ thống lại và tìm hiểu kỹ hơn tiếng Nghệ. Bài giảng, bài báo, đề tài hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh, đề tài nghiên cứu các cấp... của ngành ngôn ngữ, do ông khởi xướng và cùng một số anh em trong ngành ngôn ngữ trường ĐHV tham gia, đã chú ý nhiều hơn vào ngôn ngữ - văn hóa xứ Nghệ.

Và mấy năm về sau đã có kết quả trông thấy. Có khoảng gần 50 bài báo khoa học, 6 đề tài cấp Bộ và cấp tỉnh do ông chủ trì, hơn 50 đề tài luận văn cao học và luận án tiến sĩ do ông hướng dẫn, tất cả đều tập trung vào lĩnh vực phương ngữ. Các công trình do Giáo sư chủ biên lần lượt ra đời: Từ điển tiếng địa phương Nghệ Tĩnh (1999), Bản sắc văn hóa của người Nghệ Tĩnh (trên dẫn liệu ngôn ngữ) (2001), Từ điển thành ngữ, tục ngữ Nghệ Tĩnh (2005), Cuộc sống của thành ngữ, tục ngữ trong kho tàng ca dao người Việt (2007), Tiếng Việt trong lòng đất và trên mặt đất (2009), v.v.. Cả một “sery” về Nghệ học.

Các công trình của Nguyễn Nhã Bản đề cập đến phương diện lý luận (về văn hoá, phương ngữ, địa danh), tổng kết khá đầy đủ về lịch sử vấn đề. Mặc dù ông xem xét ngôn từ ở diện đồng đại nhưng qua đó lại vén lên được bức màn ẩn sâu những vỉa tầng của lịch đại. Đáng ghi nhận nhất là mảng tư liệu về phương ngôn thổ ngữ (thể hiện trong các từ điển); các phân tích về ngữ âm, từ vựng, hoạt động của thành ngữ, tục ngữ, hệ thống địa danh vùng Nghệ Tĩnh (thể hiện trong các chuyên luận). Tổng hợp các công trình ông đã công bố, có thể thấy tác giả có công dựng lại, miêu tả một cách hệ thống, làm bật nổi nhiều đặc điểm của phương ngữ Nghệ Tĩnh.

Về ngữ âm, ông cho rằng phương ngữ vùng này có nhiều nét “lạ” như: chỉ có ba thanh điệu, trầm, âm vực thấp, đằm và phần đoạn tính có nhiều biến đổi, đối ứng cực kỳ phức tạp... Tất cả làm nên tiếng Nghệ, giọng Nghệ (tr.330)(1).

Về từ vựng tiếng Nghệ, ông cho rằng, đó là những từ cư trú ở một địa phương cụ thể có sự khác biệt với ngôn ngữ văn hóa hoặc với địa phương khác về ngữ âm và ngữ nghĩa (tr.337)(2). Ông cùng các cộng sự góp nhặt nguồn ngữ liệu từ đời sống và trong thơ ca dân gian xứ Nghệ, biên soạn thành hai cuốn từ điển (Từ điển từ và Từ điển thành ngữ tục ngữ) dày dặn, công phu. Ông nói đến những nhát cắt trong tâm thức người Nghệ, thể hiện qua việc biểu thị các loại 66 âm và nghĩa (từ ngữ âm và từ ngữ nghĩa). Chẳng hạn, khái niệm “bé, nhỏ” trong tiếng Nghệ là cả một loạt từ: đích, mén, thẹo, thỉ, tỉ, tỉu, chút... (tr. 342)(3); từ mần vừa có nghĩa là làm (mần cao, mần du, mần nhục) vừa dùng với nghĩa khác với ngôn ngữ chung, như: ăn, chạy, gánh, đánh....; lại có những kết hợp tạo thành từ (mần mạn, mần lẩy, mần sạch) hay tục ngữ, thành ngữ (Mần ả ngả mặt lên, mần như tru, mần như kít...). Trong các công trình của Nguyễn Nhã Bản, ta bắt gặp ngồn ngộn những phân tích như thế. Hoá ra lời ăn tiếng nói dân quê mình có cả thanh và tục, có cái văn hóa và cái đời thường; nó sinh động, tươi mới, gần gũi, diễn tả “đích đáng” điều cần nói (Chết thì chúc thực điểm trà, Sống thì xin đọi nác cà nỏ cho; Bút Cấm Chỉ sĩ Thiên Lộc; Hội Thống lắm tiền, Xuân Viên lắm ló, Tiên Điền lắm quan; Ả em du như tru một bịn, chưa đặt khu đã tu mồm, lằng nhằng như chó lẹo chắc; béo như trấn mấn, mặt như khu mấn, rách như mấn đập chắc, lúng búng như địt trong mấn, ngúc ngắc như c.sợ (thợ) cưa,v.v...).

Đằng sau các phân tích về ngôn ngữ học, khi thì hiển ngôn khi thì thấp thoáng, ta bắt gặp ở đâu đó những chỉ dẫn người đọc đến cái đích rằng: tôi nói đến ngôn ngữ thời cũng là để về đến tư duy, đến văn hoá và con người xứ Nghệ. Cái “giọng Nghệ” (với các đặc trưng về ngữ âm: đằm, nặng, trầm hùng, ba thanh điệu, âm vực thấp) đã làm nên bản sắc văn hoá riêng có của vùng đất này: lưu giữ nhiều yếu tố cổ thể hiện một vùng văn hoá cổ xưa, lâu đời của dân tộc. Kho tàng vốn từ, lời quê, cách nói năng ví von của người dân (lặp từ, dùng thành ngữ tục ngữ, chơi chữ...) cho thấy người xứ Nghệ thông minh, sắc sảo nhưng cũng rõ ràng, dứt khoát, đầy ý chí nghị lực...

Cũng như nhiều người tìm hiểu về xứ Nghệ, tác giả bằng tư liệu và góc nhìn của mình, cố gắng lý giải các đặc điểm: địa linh nhân kiệt, truyền thống cách mạng, các anh hùng, danh nhân văn hoá, thông minh học giỏi, cá tính (thẳng thắn, gàn)... Rồi tìm nguyên nhân của các đặc trưng này từ các yếu tố địa - văn hoá: vùng biên viễn, nơi dồn toa, dung nạp nhiều hạng người, do phong thuỷ địa lý, do điều kiện tự nhiện vừa sơn thuỷ hữu tình vừa khắc nghiệt dữ dội... Ông bộc bạch: “Những gì chúng tôi trình bày từ góc độ ngôn ngữ - văn hoá cũng chỉ là nỗi lòng, tâm khảm của đứa con quê hương với đất mẹ. Tất cả cũng chỉ là sự gợi ý cho một định hướng, một cách tiếp cận”(4).

Thế mới biết, tiếng Nghệ, trên diện biểu kiến, thoạt nghe tưởng hẹp nhưng đi vào lại thấy mở ra nhiều hướng; tưởng khô mà càng khám phá càng thấy bao điều thú vị, tế vi; tưởng cạn mà hóa ra còn nhiều trầm tích, vỉa quặng khám phá không biết lúc nào cho hết; tưởng chỉ đơn thuần tìm hiểu nó là vì chính nó hoá ra đằng sau đó lại là nếp cảm nếp nghĩ, rộng hơn là cốt cách của con người, biểu trưng văn hoá của một cộng đồng qua các thời kỳ lịch sử...

Mới hay ở đời việc đóng góp không phải chỉ làm cái gì mà cái chính là làm ra sao, làm được gì. Đề tài là tài chọn đề. Quả là tác giả đã chọn hướng đi phù hợp với cái tạng, cái sở trường và hợp cái môi trường của mình. Không làm nên núi thì nên đá. Và thế là ông thành công, thành danh sớm. Nguyễn Nhã Bản góp công làm cho người ta hiểu hơn tiếng Nghệ - rộng hơn là hiểu thêm con người và văn hóa xứ Nghệ; ngược lại, tiếng Nghệ - văn hóa xứ Nghệ cũng đưa lại cho tác giả nhiều thứ, làm nên danh vị, danh phận một con người (Ông là một trong số rất ít giảng viên của ĐHV được phong học hàm Giáo sư cũng từ những công trình nghiên cứu như thế).

Điều đáng nói là, trong nghiên cứu, ông không “đánh lẻ” mà biết tập hợp nhiều đồng nghiệp trong tổ, trong ngành, nhiều công trình còn có cả học viên cao học, nghiên cứu sinh cùng tham gia. Không khí học thuật, chất lượng đào tạo, hướng nghiên cứu mang tính ứng dụng, mối liên hệ và đóng góp của khoa, trường với địa phương vì vậy có hiệu quả thiết thực, được ghi nhận, phù hợp phương châm giáo dục, được các chuyên gia trong và ngoài ngành đánh giá cao... Các công trình của Nguyễn Nhã Bản đã khơi gợi, làm cho người ta thấy rõ hơn ý nghĩa mà cha ông đã đúc kết, sử dụng, qua đó mà càng quý trọng tiếng nói - văn hóa dân tộc... Đây là nguồn ngữ liệu quí góp công bảo tồn vốn cổ, cần thiết cho những ai xây dựng những công trình dài hơi sau này.

Cố Giáo sư Phạm Đức Dương cũng là người xứ Nghệ, chuyên gia hàng đầu về văn hóa ngôn ngữ phương Đông; sinh thời Giáo sư rất quan tâm đến các công trình ngôn ngữ văn hóa Nghệ Tĩnh, đánh giá cao các nghiên cứu của Nguyễn Nhã Bản. Những năm Giáo sư Phạm Đức Dương còn khỏe, vào dạy cho học viên, lúc trà dư tửu hậu, thường tâm sự: Mình là người Nghệ nên “Chịu chơi mà không chơi chịu”. Ông đánh giá: Những tìm tòi của Nhã Bản làm tôi bị cuốn hút ngỡ ngàng đến sững sờ với những lý giải rất hay, đầy cảm xúc. Ông nói vui: Nhưng nó cũng có chút “gàn Nghệ”... Chưa đi chưa biết Nghệ An. Đi rồi mới biết nó gàn làm sao. Mỗi năm một bận ra vào. Ở lâu xứ Nghệ đến tao cũng gàn”...

Những năm sau này, sức khỏe giảm sút, nhưng Nguyễn Nhã Bản vẫn ấp ủ dự định làm kỹ hơn về văn hoá xứ Nghệ, về địa danh và danh nhân Nghệ Tĩnh, những vấn đề mà ông tâm huyết nhưng đang còn dang dở. Đời là vu vơ vút vít, mần được cái gì thì cố mà mần. Lúc trà dư tửu hậu, ông thường nói vui như thế và quả thật ông đã làm như thế. Dường như linh cảm thấy quỹ thời gian trần thế dành cho mình đã cạn, ông gắng gỏi chạy đua, may vẫn kịp hoàn tất đề tài cấp Bộ về địa danh Nghệ Tĩnh trước lúc rời xa cõi tạm.

Một chiều mưa ngâu tháng bảy năm 2015, ông về lại mảnh đất Bình Sơn nơi gần 70 năm trước người đã cất tiếc khóc chào đời. Ngày đi tuổi trẻ tóc xanh. Nay về đất mẹ yên lành thiên thu. Dưới bốn mảnh gỗ rừng trên đồi cây xanh, gió núi mây ngàn thanh tĩnh rất hợp với tâm hồn vốn rất lãng mạn của ông. Ông để lại tiếng Nghệ “trên mặt đất” và mang nó “vào trong lòng đất” như tên gọi cuốn sách ông viết sau cùng. Nhưng những gì mà GS.TS Nguyễn Nhã Bản - người thầy mang dáng dấp “đồ Nghệ” và là một nhà khoa học chân chính - đã thầm lặng chèo đò và trọn đời tâm huyết cần mẫn cày ải trên cánh đồng văn chương chữ nghĩa, để lại cho đời sẽ còn mãi. Mọi người mãi nhớ đến ông.