Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa ban hành các quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 36 di sản. Trong số này, Nghệ An có 2 di sản, gồm: Lễ hội đền Yên Lương (thị xã Cửa Lò) và Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan (huyện Đô Lương).

gg-1700206887.PNG
Lễ hội đền Yên Lương năm 2023. Ảnh: Mạnh Hà

Lễ hội đền Yên Lương, hay còn gọi là Lễ hội “Phúc Lục Ngoạt” phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò là một trong những lễ hội cổ truyền có quy mô lớn và đặc trưng nhất vùng ven biển xứ Nghệ, tồn tại hàng trăm năm gắn với quá trình hình thành Làng Yên Lương vào khoảng đầu thế kỷ XVII và vị thần “Đại Càn quốc gia Nam hải Tứ Vị Thánh Nương”.

ggg-1700206917.PNG
Lễ rước trên biển, một trong những nét đặc sắc của lễ hội đền Yên Lương.

Lễ hội diễn ra vào dịp trung tuần tháng 6 âm lịch hàng năm và được tổ chức quy mô 3 năm 1 lần vào những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Đặc trưng của lễ hội đền Yên Lương là các hoạt động phần lễ và phần hội đan xen nhau, lễ lồng vào hội, hội lồng vào lễ với nhiều hoạt động lễ và hội như: Lễ cáo trung thiên; lễ yết cáo; Lễ rước bộ, rước thủy; lễ Võng nghinh, cầu ngư; Đại tế và lễ tạ, ngoài ra còn có phần hội với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn.

mm-1700206954.PNG
Trò chơi lắc thuyển mủng tại lễ hội đền Yên Lương

Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan hay còn gọi là “Thập niên sự lệ” ở xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương được xem là một trong những lễ hội dòng họ có quy mô lớn, độc đáo, giàu bản sắc nhằm tưởng nhớ ghi ơn công lao to lớn của Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan và các vị nhân thần của dòng họ Nguyễn Cảnh.

9-1700206989.PNG
Lễ hội đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan.

Thái Phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan sinh năm Tân Tỵ 1521, là một dũng tướng của nhà Lê và lập nhiều công lao khi chinh chiến với quân nhà Mạc. Ông mất ngày 16 tháng 9 năm Bính Tý 1576, thọ 57 tuổi.

Sau khi ông mất, để tưởng nhớ công lao của Ông, triều đình đã cho lập đền thờ và đưa vào điển lễ “ quốc tế, quốc tạo”. Năm Giáp Thìn 1664, triều đình quyết định hàng năm cứ đến ngày Rằm tháng 3 âm lịch tổ chức lễ hội tại đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan, và cứ đến 10 năm thì tổ chức đại lễ gọi là “Thập niên sự lễ”, đến năm Giáp Thìn - 2024, lễ hội “Thập niên sự lệ” đã có bề dày lịch sử 360 năm.

Danh mục 36 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được đưa vào danh mục năm 2023:

1. Hát Trống quân Liêm Thuận, xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

2. Nghề làm nem Lai Vung, xã Tân Thành, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

3. Lễ Vu lan thắng hội, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.

4. Múa hát Lải Lèn, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

5. Vovinam - Việt Võ Đạo, Thành phố Hồ Chí Minh.

6. Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông, huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyệnVăn Chấn, tỉnh Yên Bái.

7. Hát Quan làng của người Tày, tỉnh Tuyên Quang.

8. Lễ hội Mường Khô, xã Điền Trung, xã Điền Lư, xã Điền Quang, xã Điền Hạ, xã Điền Thượng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.

9. Lễ hội Sết Boóc Mạy, xã Cán Khê, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá.

10. Lễ hội Nàng Han, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

11. Nghề dệt đũi, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

12. Lễ hội Bổng Điền, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

13. Lễ hội Ariêu piing của người Tà Ôi (Pa cô), huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

14. Hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ, tỉnh Quảng Ninh.

15. Hát Soọng Cô của người Sán Dìu, tỉnh Quảng Ninh.

16. Lễ hội đình Đầm Hà, thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh.

17. Lễ hội đình Vạn Ninh, xã Vạn Ninh, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

18. Lễ hội Xuống đồng, phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

19. Hát Kiều, huyện Quảng Trạch, huyện Tuyên Hóa, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.

20. Hát ru Cảnh Dương, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

21. Lễ hội đền Du Yến, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.

22. Lễ hội rước Chúa Gái, thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

23. Lễ mở cửa rừng của người Mường, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.

24. Lễ hội đền Yên Lương, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.

25. Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan, xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

26. Nghệ thuật làm trang phục của người Mông Đen, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

27. Nghề dệt của nhóm A Ráp (Gia Rai), huyện Sa Thầy, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

28. Lễ hội đền An Xá/Lễ hội Đậu An, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.

29. Keng Loóng của người Thái, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

30. Nghề làm nón Hai mê của người Tày, xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang.

31. Lễ cúng rừng của người Cờ Lao, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

32. Hát Quan làng của người Tày, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang.

33. Lễ hội Chùa Ông, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

34. Nghề làm tôm khô, tỉnh Cà Mau.

35. Lễ hội Vía Bà Thủy Long, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

36. Lễ hội Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.