Dưới sự điều hành của Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý, HĐND tỉnh tiến hành chất vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ về các nội dung liên quan đến công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả do thiên tai, đặc biệt ảnh hưởng của lũ lụt; công tác quản lý, vận hành các hồ chứa thuỷ lợi, thủy điện trong mùa mưa lũ.
Nhiều công trình hồ chứa xuống cấp, chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp
Theo báo cáo giải trình của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ tại phiên chất vấn: Từ đầu năm 2022 đến nay trên địa bàn Nghệ An chịu ảnh hưởng của 01 đợt rét hại diện rộng; 09 đợt nắng nóng; 23 đợt lốc, sét, mưa đá, mưa lớn cục bộ; 05 đợt mưa lớn diện rộng, trong đó đợt mưa từ ngày 28/9 đến ngày 03/10 do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 với lượng mưa rất lớn đã gây ra nhiều thiệt hại cho Nhân dân và Nhà nước. Thiên tai đã làm chết 11 người; bị thương 01 người; 98 nhà bị sập; 973 nhà bị hư hỏng, tốc mái; gây thiệt hại lớn về sản xuất nông, lâm nghiệp và các công trình hạ tầng thiết yếu...
Do nguồn ngân sách của tỉnh còn khó khăn, phải tập trung một số nhiệm vụ cấp bách (phòng, chống dịch COVID-19 và các nhiệm vụ khác), nên việc hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả thiên tai còn hạn chế; đến thời điểm hiện tại, mới bố trí được 107,84 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay có 1.061 hồ chứa nước, trong đó có 55 hồ chứa lớn, 220 hồ chứa vừa và 786 hồ chứa nhỏ; các Công ty TNHH Thủy lợi quản lý 101 hồ; các địa phương quản lý 960 hồ (chủ yếu là các hồ chứa nhỏ). Số hồ đã được sửa chữa, nâng cấp từ năm 2000 là 374 hồ; số hồ chưa được sửa chữa, nâng cấp là 687 hồ (có 70 hồ hư hỏng nặng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn). Có 02 hồ có cửa van và có quy trình vận hành (hồ Vực Mấu và hồ Sông Sào); 1.059 hồ còn lại điều tiết bằng tràn xả lũ tự do.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định trong đợt lũ do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 4 vừa qua, nguyên nhân gây ra lũ lụt không phải do các hồ thủy điện xả lũ mà do lượng mưa cục bộ và ách tắc dòng chảy trên hệ thống sông, kênh, mương. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn thừa nhận hiện nay, hệ thống các công trình hồ chứa, nhất là các hồ do địa phương quản lý được xây dựng từ lâu nên đã bị xuống cấp, nhưng chưa được nâng cấp, cải tạo. Một số nội dung về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định của pháp luật chưa được triển khai do thiếu kinh phí như: Cắm mốc phạm vi bảo vệ; lập quy trình vận hành; kiểm định an toàn đập; xây dựng bản đồ ngập lụt…
Bên cạnh đó, thẳng thắn nhìn nhận thì cán bộ chuyên ngành thủy lợi ở cấp huyện, xã còn hạn chế nên đối với các hồ chứa do địa phương quản lý chưa thật sự chủ động trong công tác phòng chống thiên tai. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ, phòng Nông nghiệp các địa phương cần có 01 cán bộ là kỹ sư thủy lợi, nhất là đối với các địa phương có nhiều hồ đập để thực hiện việc điều tiết hồ chứa trong công tác quản lý, phòng chống thiên tai.
Một vấn đề bất cập được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đề cập đến đó là việc vận hành liên hồ chứa chưa được nhuần nhuyễn. Hiện nay dữ liệu của các hồ chứa thủy điện không được cập nhật về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh mà được cập nhật tại Bộ Công thương, đề nghị Sở Công thương tăng cường việc giám sát để kịp thời phát hiện những bất thường để báo cáo Ban Chỉ huy xử lý linh hoạt hơn.
“Việc xây dựng quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện được giao cho ngành Công thương, phải giao cho ngành Nông nghiệp và PTNT thực hiện mới đúng chuyên ngành (thủy lợi). Do đó, trong quá trình vận hành hồ chứa chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành dẫn đến những bất cập, chưa thống nhất trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hóa, Chủ tịch UBND huyện Đô Lương Hoàng Văn Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cũng đã báo cáo những nội dung liên quan đến vấn đề vận hành liên hồ chứa thủy điện; quy trình vận hành hồ chứa; việc tiếp nhận, quản lý hồ thủy lợi trên địa bàn huyện; việc xử lý sạt lở đường lên chùa Đại Tuệ.
Kết thúc nội dung chất vấn này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát công tác quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong mùa mưa lũ cũng như công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả do thiên tai, đặc biệt ảnh hưởng từ mưa lũ để tránh gây thiệt hại cho đời sống của người dân.
Nhiều khó khăn trong bố trí vốn đối ứng thực hiện các Chương trình MTQG
Tiếp đó, HĐND tỉnh đã tiến hành chất vấn Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải về các nội dung liên quan đến tình hình bố trí nguồn vốn đối ứng của tỉnh thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo cơ cấu và quy định.
Thông tin về tình hình bố trí vốn đối ứng đầu tư phát triển, ông Trịnh Thanh Hải – Giám đốc Sở Tài chính cho hay: Kế hoạch vốn ngân sách nhà nước bố trí để thực hiện 03 Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 là 10.722,3 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách địa phương phải đối ứng theo tỷ lệ quy định của Trung ương là 3.127,3 tỷ đồng (từ nguồn vốn đầu tư phát triển 2.424,7 tỷ đồng; từ nguồn vốn sự nghiệp 702,6 tỷ đồng). Các chương trình mục tiêu quốc gia trên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An được thực hiện trên địa bàn 11 huyện miền núi với 131 xã khu vực I và khu vực III; 588 thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Cũng như kết quả thực hiện 02 Chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 (Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững), nguồn lực địa phương bố trí đối ứng theo quy định của Trung ương được huy động từ nhiều nguồn lực như: Ngân sách địa phương bố trí lồng ghép trong nguồn kinh phí thực hiện các chương trình, đề án, cơ chế chính sách, vốn đầu tư công ngân sách địa phương trên địa bàn DTTS và miền núi; huy động các nguồn hợp pháp khác.
Theo ông Hải, kế hoạch vốn phân bổ các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2021-2025 được Trung ương giao cho địa phương giữa năm 2022 nên việc tham mưu bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương còn bị động. Tổng nguồn kinh phí địa phương phải đối ứng để thực hiện 3 chương trình là 3.127,3 tỷ đồng. Trong khi đó, tỉnh Nghệ An là địa phương chưa tự cân đối và đang phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương. Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo chính sách tiền lương và an sinh xã hội, ngân sách tỉnh phải bố trí kinh phí để thực hiện các chế độ, chính sách do địa phương ban hành với tổng kinh phí tính đến thời điểm hiện nay là 2.227 tỷ đồng. Dự kiến dự toán năm 2023 phải cân đối bố trí 2.424 tỷ đồng, tăng so với năm 2022 là 196 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh phải đảm bảo kinh phí phòng chống thiên tai, dịch bệnh; khắc phục hậu quả thiên tai bão lụt. Đồng thời phải ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các dự án, công trình trọng điểm theo cam kết của tỉnh nhằm giúp tỉnh Nghệ An trở thành cực tăng trưởng của khu vực Bắc Trung Bộ, là trung tâm của giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế,... Vì vậy việc đối ứng ngân sách địa phương cho các Chương trình mục tiêu quốc gia phần lớn phải lồng ghép, huy động vốn đầu tư và vốn sự nghiệp để thực hiện Chương trình theo quy định.
Tại phiên chất vấn này, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Xuân Đức, Giám đốc Sở GTVT Hoàng Phú Hiền đã trả lời các vấn đề liên quan đến việc phân cấp, phân quyền trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG; việc bố trí nguồn vốn đầu tư tuyến đường tỉnh lộ 532 đi qua các địa bàn các xã Châu Lộc, Liên Hợp, Châu Hồng, Châu Tiến (huyện Quỳ Hợp); vốn đối ứng để thực hiện 44 dự án, công trình trên vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu kết thúc phần chất vấn Giám đốc Sở Tài chính, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý đã điểm lại những vấn đề tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG thực hiện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, trong đó lưu ý Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là chương trình mới có 10 dự án, 14 tiểu dự án và 36 nội dung hỗ trợ đầu tư; có nhiều đầu mối quản lý (08 sở, ngành; 12 huyện, thị xã). Vì vậy cần tuân thủ và đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, của Luật về các chương trình, dự án đầu tư. Cùng với việc đảm bảo đúng quy định, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý phải làm nhanh, phải phối hợp nhuần nhuyễn để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, dự án.
Đồng thời phải tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện các chủ trương, chính sách Trung ương ban hành dành cho vùng DTTS và miền núi. Muốn thế, hàng năm UBND tỉnh cần rà soát để bố trí tỷ lệ nguồn vốn tương đối, tương ứng cho khu vực này.
Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng CNTT, xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu về quản lý quy hoạch, thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng DTTS và miền núi gắn liền với các chương trình, dự án nằm trong các Chương trình MTQG.
Tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, các địa phương, đơn vị liên quan; tích cực, chủ động, nâng cao trách nhiệm thực hiện có hiệu quả việc bố trí lồng ghép thực hiện vốn đối ứng của tỉnh trong thực hiện các Chương trình MTQG.
Với 35 lượt ý kiến, phiên chất vấn tại kỳ họp 11, HĐND tỉnh khóa XVIII đã giải đáp những vấn đề cử tri, đại biểu quan tâm.
Theo Phan Quỳnh - nghean.gov.vn