Tình trạng thiếu đơn hàng đối với các doanh nghiệp may mặc, giày da tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa đã bắt đầu từ nhiều tháng qua. Cùng với việc cắt giảm lao động, hiện nay một số doanh nghiệp không tổ chức tăng ca, làm thêm giờ.
CẮT GIẢM LAO ĐỘNG NGAY TRƯỚC TẾT
Theo rà soát, thống kê của các đơn vị chức năng tỉnh Thanh Hóa, từ tháng 10/2022 đến nay toàn tỉnh Thanh Hóa có 25 doanh nghiệp phải cắt giảm từ 100 lao động trở lên. Tổng số lao động cắt giảm là hơn 5.500 người, trong đó 100% là lao động phổ thông. Các doanh nghiệp thực hiện cắt giảm lao động chủ yếu thuộc ngành dệt may, giầy da với 65,32%, ngành sản xuất sản phẩm gỗ, tre, hóa chất, nhựa chiếm 34,68%. Nhiều doanh nghiệp mới ký kết đơn hàng đủ sản xuất từ 50 - 60% công suất trong tháng 11, tháng 12.
Dự báo do thiếu đơn hàng, trong những tháng cuối năm sẽ có thêm 8 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cắt giảm từ 100 lao động trở lên, với khoảng 4.500 lao động.
Ông Vũ Văn Thành, Giám đốc Nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà, Công ty cổ phần tập đoàn Tiên Sơn, Thanh Hóa, chia sẻ thời điểm này năm 2021, lương công nhân năm ngoái được khoảng 9 triệu, năm nay lương bình quân thấp xuống còn 6 triệu vì không có đơn hàng. Tới đây, khoảng tháng 1 - 2/2023, khách hàng đã thông báo sẽ cắt giảm 50 % đơn hàng nên công nhân sẽ phải giảm ngày làm, giảm giờ làm, thậm chí phải nghỉ việc.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng của các doanh nghiệp may mặc thời điểm này, ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 262 doanh nghiệp dệt may, tạo công ăn việc làm cho hơn 100.000 lao động với mức thu nhập ổn định.
Năm 2022 do bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid - 19 của 2 năm 2020 - 2021, ngành may nói chung và Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa nói riêng gặp rất nhiều khó khăn như phải sản xuất giãn cách thay ca, thậm chí phải chấm dứt hợp đồng lao động.
Đầu năm 2022, sau khi các thị trường mở cửa, ngành may đã khởi sắc lại, tuy nhiên từ tháng 9/2022 đến nay do lạm phát toàn cầu nên các đơn hàng may mặc đã bị cắt giảm, có những đơn hàng bị cắt giảm tới 70% - 80%, thậm chí huỷ 100% đơn hàng.
Hiện tại, các công ty may trong Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa rơi vào tình trạng thiếu việc làm, có những doanh nghiệp phải giảm bớt lao động hoặc đi làm luân phiên ngày làm ngày nghỉ. Bên cạnh đó, các công ty cũng gặp khó khăn về tài chính do các ngân hàng siết chặt, có nhiều doanh nghiệp trả nợ vào nhưng không vay ra được.
Tại tỉnh Nghệ An, theo báo cáo mới nhất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện tỉnh này có hơn 14.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 233 doanh nghiệp có vốn Nhà nước, 100 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 13.717 doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tỉnh này có khoảng hơn 230.000 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp ngoài quốc doanh có 166.452 lao động, con số này tại khối doanh nghiệp có vốn nhà nước khoảng 23.000 người và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 42.000 người.
Về cơ bản hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An ổn định, ngoại trừ một số doanh nghiệp ngành may mặc, điện tử, sản xuất gỗ có biến động nhẹ.
Cụ thể, Công ty TNHH Matrix Vinh giảm 435 lao động (trên tổng số 466 lao động toàn công ty), Công ty cổ phần tập đoàn quốc tế ABC- chi nhánh Nghệ An giảm 371 lao động, Công ty TNHH Merry & Luxshare giảm 250 lao động, Công ty TNHH Tân Việt Trung giảm 101 lao động và Công ty CP Thế giới gỗ giảm 100 lao động.
Phân hóa theo ngành nghề, dệt may - da giày chiếm hơn 64%, tiếp đến là ngành điện - điện tử chiếm gần 20%, còn lại là lao động thuộc ngành sản xuất sản phẩm gỗ, tre, hóa chất, nhựa. Hiện, số lao động bị giảm này đã chuyển sang làm việc ở các doanh nghiệp khác trên địa bàn.
Trong khi đó, theo số lượng khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 27/11, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 25 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, cắt giảm đơn hàng, chủ yếu là những đơn vị thuộc ngành may mặc, giày da xuất khẩu thị trường Mỹ và châu Âu. Có gần 20.000 lao động bị giảm giờ làm, gần 1.800 lao động chấm dứt hợp đồng và 452 người tạm hoãn hợp đồng lao động.
CẦN "THỔI NGẠT" KỊP THỜI
Để vượt qua thời điểm khó khăn này, doanh nghiệp đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, tìm đối tác mới ngay chính trong thị trường truyền thống, với những mặt hàng đặc trưng, có giá trị xuất khẩu cao. Đồng thời, bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi để thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng. Cùng với đó, doanh nghiệp tăng cường giải pháp xây dựng, đào tạo nguồn lực thích ứng với tình hình khó khăn của thị trường, chủ động kết nối và chia sẻ rủi ro cũng như lợi ích với các doanh nghiệp khác.
Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa cho biết, Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa liên tục tổ chức tọa đàm kiến nghị với các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp giữ vững và tồn tại để phát triển sau này. Phải nới rộng tài chính, ưu tiên giải ngân cho các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu để có điều kiện bù đắp tiền lương, chế độ, giữ chân người lao động để những năm tiếp theo khi thị trường thế giới ổn định và phát triển, ngành dệt may tiếp tục đóng góp vào ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương.
Liên quan đến vấn đề trên, Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội Nghệ An giao Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An nắm bắt tình hình, khẩn trương cử cán bộ đến các doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm, cho thôi việc nhiều người lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức dạy nghề cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Phía Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An cũng đã khẩn trương vào cuộc, chỉ đạo các cấp công đoàn nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, đơn hàng và tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, tham gia đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án duy trì nhiều việc làm nhất có thể cho người lao động, hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng lao động, tạm hoãn hợp đồng lao động.
Với những doanh nghiệp buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động, tổ chức công đoàn cơ sở với sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên sẽ tham gia ý kiến vào phương án sử dụng lao động của doanh nghiệp, đảm bảo chi trả các chế độ mất việc làm hoặc thôi việc theo đúng quy định của pháp luật và của doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể đã ký kết./.
Theo Nguyễn Thuấn - Thiên Anh - vneconomy.vn