Điểm sáng thu hút đầu tư
Theo số liệu thống kê, Nghệ An trở thành top 10 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong năm 2022. Đáng quan tâm, các nhà đầu tư FDI vào Nghệ An đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây và có quy mô ngày mở rộng. Đây là tín hiệu đáng mừng để Nghệ An tạo đà cho việc sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trong thời gian tới.
Theo đó, tỉnh Nghệ An có 5 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động đầu tư khá hiệu quả (KCN VSIP I, II; KCN WHA và KCN Hoàng Mai I, II). Trong các KCN đã và đang hoạt động thành công tại Nghệ An, không thể không kể đến các nhà đầu tư ngoại với dự án KCN VSIP Nghệ An, KCN WHA Industrial Zone 1-Nghệ An,…
Trong năm 2022, mặc dù có những bất ổn của tình hình kinh tế, chính trị thế giới và tác động tiêu cực của dịch Covid-19, song tình hình thu hút đầu tư vào các KCN này vẫn tiếp tục đạt được kết quả khởi sắc.
Tính đến tháng 1/2023, KCN VSIP Nghệ An đã thu hút 38 nhà đầu tư (39 dự án) với tổng vốn đầu tư là 17.118 tỷ đồng (tương đương 743,6 triệu USD), trong đó có 19 nhà đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký là 681,06 triệu USD; diện tích đất cho thuê trong KCN là 232.03ha (trên tổng diện tích đất xây dựng nhà máy 263,23ha), đạt tỷ lệ lấp đầy 88%, dự kiến sẽ thu hút khoảng hơn 40.000 lao động địa phương.
Trong đó có 23 dự án đã đi vào hoạt động, tạo việc làm bước đầu cho hơn 13.000 lao động địa phương; 5 nhà đầu tư khác đang xây dựng nhà máy và 8 nhà đầu tư còn lại đã hoàn thành thủ tục đầu tư, thủ tục quy hoạch để triển khai xây dựng nhà máy.
Đến năm 2025, tỉnh Nghệ An bảo đảm có đủ quỹ đất khu công nghiệp, mặt bằng sạch và hạ tầng đồng bộ, hiện đại với tổng diện tích khoảng 2.000 ha trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp để đón nhận nhà đầu tư.
Tháo gỡ điểm nghẽn
Trước những thành quả bước đầu, trong thời gian tới tỉnh Nghệ An xác định việc hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp gắn với đầu tư xây dựng hạ tầng, tạo quỹ đất “sạch” trong các khu công nghiệp (KCN) là việc làm quan trọng để thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh.
Theo đó, Nghệ An đã tập trung tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ, phối hợp với các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng KCN; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng nhiều KCN trọng điểm (VSIP 1, WHA giai đoạn 2, Hoàng Mai 1); đẩy nhanh tiến độ trình chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án hạ tầng KCN Thọ Lộc - Giai đoạn 1 (VSIP 2), Hoàng Mai 2.
Trong đó, công tác bồi thường, GPMB được đánh giá là khâu tiền đề, đảm bảo các công trình, dự án, đặc biệt là những dự án trọng điểm triển khai đúng tiến độ, thúc đẩy phát triển KT-XH. Tuy nhiên, đây cũng là khâu khó, phức tạp, ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân.
Đơn cử như KCN VSIP, đây là KCN lớn với diện tích lên tới 750ha, có nhiều khu vực dân cư, nhà xưởng và một số khu vực nghĩa trang phân bố rải rác. Trong đó, địa bàn huyện Hưng Nguyên chiếm phần lớn với 578ha. Vì vậy, khối lượng công việc liên quan đến GPMB ở huyện Hưng Nguyên khá lớn và gặp nhiều khó khăn.
Để thực hiện tốt công tác GPMB, theo ông Nguyễn Hữu Hà - Phó Chủ tịch huyện Hưng Nguyên cho biết, huyện thành lập Ban chỉ đạo và Hội đồng GPMB theo từng dự án trọng điểm, nếu có vướng mắc đích thân lãnh đạo huyện xuống gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, xây dựng niềm tin và sự thống nhất chung.
Với cách làm trên, đến thời điểm hiện tại huyện đã cơ bản GPMB Khu công nghiệp VSIP và chỉ còn khoảng 17ha đang còn vướng mắc. Trong đó, chủ yếu tập trung ở khâu mức giá tiền đền bù và bàn giao mặt bằng.
Đến thời điểm hiện tại huyện đã cơ bản GPMB KCN VSIP. Trong 4.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, chỉ còn khoảng 30 hộ chưa đồng ý với mức bồi thường GPMB. Trong đó, có 23 hộ của xóm Phúc Long, xã Hưng Tây yêu cầu về đền bù giá đất theo nguyện vọng của họ.
“Về trường hợp trên, huyện cũng đã nhiều lần tuyên truyền, giải thích với tinh thần cầu thị để tạo sự đồng thuận. Trong trường hợp người dân không đồng thuận, chính quyền bắt buộc phải thực hiện cưỡng chế để bảo vệ thi công vì mục tiêu phát triển chung của địa phương, theo quy định pháp luật”, ông Hà cho biết.
Nhìn chung, việc thực hiện tốt công tác GPMB đã góp phần đáng kể vào công tác thu hút, cải thiện môi trường đầu tư; tạo nguồn thu từ đất, triển khai nhanh các dự án đầu tư phát triển; tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đồng thời, khẳng định phía chính quyền địa phương luôn đồng hành, hỗ trợ cùng doanh nghiệp, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Về mục tiêu thu hút FDI năm 2023, theo ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, địa phương cơ bản sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ chính gồm: sẵn sàng về mặt bằng đầu tư, sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu, sẵn sàng về nguồn nhân lực, sẵn sàng đổi mới cải cách cải thiện môi trường kinh doanh, sẵn sàng hỗ trợ đã tạo ra chuyển biến rõ rệt trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Tỉnh Nghệ An cam kết sẽ tiếp tục sát cánh, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh cho các nhà đầu tư; luôn quyết tâm cao và hành động thực chất để Nghệ An trở thành địa bàn đầu tư: “Thuận lợi, an toàn và tin cậy cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài”.
Theo H. H - nguoiduatin.vn