Chỉ dành để bán hàng tươi sống
Chợ mới xã Bài Sơn thuộc dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (dự án LIFSAP), sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư, phân phối cho 12 tỉnh, thành, giao Sở NN&PTNT các tỉnh quản lý điều tiết nguồn vốn. Nghệ An cũng là một địa phương được thụ hưởng dự án, chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1: Từ năm 2010 đến năm 2015; giai đoạn 2: Từ năm 2016 - 2018; sau đó được gia hạn đến năm 2019.
Giai đoạn 1 của dự án tại Nghệ An được đầu tư cải tạo xây dựng 36 chợ, giai đoạn 2 được đầu tư cải tạo 35 chợ, gồm: chợ Hồng Xuân, chợ Mộc, chợ Láng, chợ Quỳnh Thắng, chợ Nghi Vạn, chợ Bài Sơn… với tổng kinh phí hơn 110 tỷ đồng. Nhằm kiện toàn BQL dự án LIFSAP giai đoạn 2016 - 2018, ngày 12/12/2016, UBND tỉnh có Quyết định 6283 giao ông Nguyễn Văn Lập (Phó GĐ Sở NN&PTNT) làm Giám đốc BQL dự án; ông Trần Mạnh Hà (chuyên viên Phòng Kế hoạch Tài chính) làm Kế toán trưởng dự án.
Chợ mới xã Bài Sơn được dự án LIFSAP đầu tư gần 2 tỷ đồng trên diện tích gần 2.000m2, với 20 quầy bán thực phẩm tươi sống, được ốp lát, có mái che, điện nước, trang thiết bị được đánh giá khá đầy đủ… Tuy nhiên, sau gần 5 năm hoàn thành, các tiểu thương không vào chợ để bán mà vẫn dùng xe đẩy để bán hàng gần đó.
Một nữ tiểu thương cho biết, cả chợ chỉ có 3 hàng thịt và 1 hàng cá, sau khi chợ xây dựng thì ban quản lý chợ yêu cầu hàng cá, hàng thịt vào khu vực phía trong khu vực mới xây, còn các mặt hàng khác thì vẫn bán ở khu vực phía ngoài. Do khu vực chợ chỉ dành để bán hàng tươi sống, lại ở khuất phía sau, nên người dân không vào mua, tiểu thương vào được mấy bữa rồi không vào nữa vì ế hàng.
Do tiểu thương không chịu vào bán hàng nên tất cả các khu vực trong chợ mới Bài Sơn bị bỏ hoang, mặt bàn phủ kín bụi bặm, có những hạng mục bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp.
Xây dựng thiếu hợp lý
Ông Đào Danh Hà, Chủ tịch UBND xã cho biết: Chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, vận động các tiểu thương vào khu vực chợ thực phẩm tươi sống được đầu tư hạ tầng đồng bộ để bán hàng nhưng rất khó; vì người mua thường có thói quen mua gần ngoài cổng chợ; dẫn đến tiểu thương không mặn mà khi vào chợ mới để kinh doanh.
Nói về quy trình khảo sát cải tạo các chợ thuộc dự án LIFSAP Nghệ An, ông Trần Mạnh Hà (nguyên Kế toán trưởng dự án), cho rằng: Cán bộ khảo sát thuộc BQL dự án sau khi khảo sát các địa điểm phù hợp với yêu cầu thì tổng hợp làm báo cáo trình Bộ NN&PTNT, sau đó trình WB, khi được đồng ý thì tỉnh thống nhất và triển khai.
Sau nhiều năm triển khai, Nghệ An đã xây dựng được 4 vùng thực hành chăn nuôi tốt (GAHP) với 30 nhóm gồm 599 hộ thành viên nằm trong vùng GAHP tại 10 xã thuộc 4 huyện Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn và Nghi Lộc. Dự án cũng đã giúp các địa phương cải tạo nâng cấp được hàng chục chợ bán thực phẩm tươi sống, hỗ trợ đầu tư cải tạo nâng cấp 4 lò giết mổ tập trung và cải thiện điều kiện vệ sinh thú y tại 16 cơ sở giết mổ nhỏ. Tuy nhiên, với hạng mục chợ bán thực phẩm tươi sống tại một số địa phương, được xây dựng thiếu hợp lý, dẫn đến lãng phí.
Được biết, đến thời điểm hiện nay dự án LIFSAP đã hoàn thành, BQL dự án đã giải thể. Ông Phùng Thành Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, các hạng mục dự án sau khi hoàn thành đã bàn giao lại cho từng địa phương quản lý, sử dụng. Đồng thời địa phương có dự án phải có trách nhiệm triển khai, tổ chức thực hiện, quản lý sử dụng, duy tu, bảo dưỡng… “Trước thông tin một số chợ trong dự án không sử dụng mà bỏ hoang, Sở sẽ cho kiểm tra lại”, ông Vinh nói.
Theo Zen Linh - baophapluat.vn