Đưa chính sách Bình đẳng giới vào cuộc sống

Trong những năm qua, tỉnh Nghệ An đã có nhiều giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước về Bình đẳng giới ngày càng hiệu quả và đi vào chiều sâu, có nhiều đổi mới trong quá trình chỉ đạo, điều hành.

Các chỉ tiêu về bình đẳng giới được lồng ghép trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chỉ tiêu về bình đẳng giới của Nghệ An đạt và vượt kế hoạch.

Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030, Nghệ An xác định mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh. 

Thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh Nghệ An.

78-1728263884.PNG
Nghệ An tăng cường công tác truyền thông về Bình đẳng giới (Ảnh: Thu Hương)


Những năm qua, với tỷ lệ chiếm hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội của tỉnh, phụ nữ Nghệ An tham gia ngày càng có chất lượng vào mọi mặt đời sống xã hội.

Tỷ lệ nữ giữ vai trò lãnh đạo, quản lý ở các cấp, ngành, địa phương ngày càng cao. Lực lượng nữ doanh nhân và phụ nữ tham gia vào lĩnh vực việc làm, kinh tế ngày càng sâu rộng và đóng góp không nhỏ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Phụ nữ ngày càng được quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để tiếp cận đầy đủ các hoạt động, chính sách về lao động, việc làm, giáo dục, y tế, thông tin truyền thông, phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình.

Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cũng cho thấy, trong hơn nửa chặng đường thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đã có 20/24 chỉ tiêu (trên 83%) đạt và vượt kế hoạch giai đoạn đề ra.

Được biết, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với 16.494 km², dân số có 3,4 triệu người, trong đó nữ chiếm 49,9% dân số; dân số khu vực thành, thị chiếm tỷ lệ 15,53%, khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ 84,47% tổng dân số toàn tỉnh. 

Tỉnh đã và đang ưu tiên các nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiều giải pháp nhằm thu hẹp dần khoảng cách về giới trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; cải thiện mạnh mẽ sự tiếp cận của phụ nữ và trẻ em với các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm, nhất là phụ nữ ở các vùng khó khăn.

Từ đó đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò, quyền năng của phụ nữ, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững gia đình, cộng đồng và xã hội, giảm dần bất bình đẳng giữa nam và nữ… 

Cụ thể hóa chủ trương về Bình đẳng giới 

Với thông điệp “Bình đẳng giới là chìa khóa để xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em" được lan tỏa rộng rãi và tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội.

Qua đó, góp phần quyết định hiệu quả công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An Đoàn Hồng Vũ cho biết: "Trong những năm qua, Nghệ An đã có những bước đột phá trong công tác quản lý nhà nước về Bình đẳng giới.

 Để đạt được kế hoạch đề ra so với chiến lược quốc gia bình đẳng giới còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.

 Có thể khẳng định, công tác BĐG ở Nghệ An ngày càng được nâng cao chất lượng, được các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân ghi nhận; từ đó góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra và Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh”.

  “Với những nỗ lực trong tổ chức thực hiện Luật bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh trong 17 năm qua và 3 năm thực hiện chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

 Tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội khóa khoá XV (nhiệm kỳ 2021-2025) đạt 30,8%, đưa Nghệ An nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao trên toàn quốc. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 27,5%, cấp huyện đạt 29,2%, cấp xã đạt 28,1%; có 31% tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp.

Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm đã giúp cho hàng triệu gia đình thoát nghèo và nâng cao mức sống. Có hàng trăm mô hình gia đình phát triển kinh tế, gia đình hiếu học, hàng trăm Câu lạc bộ gia đình không có bạo lực được hình thành và duy trì”, Giám đốc Đoàn Hồng Vũ nhấn mạnh.