Theo thống kê, hiện tỉnh Nghệ An có 37 cơ sở băm gỗ dăm thì huyện Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai đứng đầu bảng với mỗi huyện, thị đều có 6 cơ sở. Sở dĩ các địa phương này có nhiều cơ sở băm gỗ dăm trái phép do đây là khu vực tập trung nguồn nguyên liệu gỗ keo và gần với khu vực Cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) - nơi các đầu nậu thu mua gỗ dăm để xuất sang Trung Quốc.

xxx-1728204477.jpg
Những núi gỗ dăm được tập kết tại cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Nằm sát quốc lộ 48 thuộc địa phận xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa là Công ty TNHH Lâm sản 2/9 do ông Đỗ Quốc Việt là người đại diện theo pháp luật. Trong công ty có một dàn máy băm gỗ dăm, nhiều xe ôtô chở gỗ và máy xúc cùng rất nhiều nguyên liệu gỗ chưa băm và đã băm chất thành đống. Được biết, hoạt động băm gỗ dăm hoạt động công khai dù nằm sát quốc lộ và giáp ranh là khu dân cư nhưng công ty này hoạt động sản xuất kinh doanh chưa đúng mục đích sử dụng đất, chưa xây dựng hồ sơ quy định về an toàn lao động và vệ sinh lao động, chưa cung cấp được các hồ sơ về công tác quản lý an toàn trong chế biến gỗ dăm...

Cũng tại thị xã Thái Hòa, tại Cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ, Công ty TNHH Đầu tư PTP thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất ván ghép thanh và sản xuất mộc dân dụng, mỹ nghệ nhưng đã lắp đặt và tổ chức hoạt động 2 dây chuyền băm gỗ dăm, trong khi hạng mục này không có trong hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, không đúng với quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt. Vì vậy ngày 13/12/2023, Công ty TNHH Đầu tư PTP bị chính quyền xử phạt vi phạm hành chính với số tiền lên đến 170 triệu đồng.

ew-1728204500.jpg
Xe tải ăn hàng gỗ dăm được băm trái phép tại Công ty TNHH Đầu tư PTP tại xã Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa.

Nằm sâu trong khu dân cư thuộc xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa là hộ kinh doanh Nguyễn Hồng Phúc chuyên về băm gỗ dăm và vận tải. Đây được xem là một trong những hộ đầu tư lớn cho dây chuyền, nhà kho, bến bãi, phương tiện để băm dăm gỗ. Khi chúng tôi có mặt ở hộ kinh doanh này phát hiện tại đây có tới gần 10 xe tải trọng lớn, dây chuyền băm dăm, trạm cân cùng nhiều phương tiện, máy móc, kho bãi và lượng lớn dăm gỗ chưa được vận chuyển đi tiêu thụ. Đây cũng là một trong 12 hộ kinh doanh thực hiện băm gỗ dăm trái phép trên địa bàn tỉnh.

Tại xã Nghĩa Lộc huyện Nghĩa Đàn có tới 3 hộ gồm Bùi Thị Thanh, Trần Anh Vũ, Nguyễn Văn Tấn đầu tư máy móc, phương tiện, trạm cân, trạm biến áp để băm gỗ dăm trái phép. Tất cả các hộ này đều vi phạm lĩnh vực đầu tư, kinh doanh; quản lý công nghiệp: lĩnh vực đất đai, môi trường; lĩnh vực lâm nghiệp, phòng cháy, chữa cháy. Ngay tại Khu công nghiệp xã Nghĩa Long huyện Nghĩa Đàn cũng có Công ty cổ phần Chế biến lâm sản Phủ Quỳ tổ chức hoạt động băm gỗ dăm không đúng quy định. Công ty này mua lại Dự án chế biến gỗ xuất khẩu của Công ty cổ phần Phượng Nguyên, dù đang trong quá trình điều chỉnh giấy phép thì Công ty cổ phần Chế biến lâm sản Phủ Quỳ đã cho lắp đặt dây chuyền và hoạt động băm gỗ dăm.

Ở huyện Quỳnh Lưu, hộ kinh doanh Hồ Tọng Luận, Trần Thị Huyền cùng ở xã Ngọc Sơn và Công ty TNHH Thương mại và Tổng hợp Khánh Thủy ở xã Quỳnh Châu cũng có những sai phạm tương tự khi đang băm gỗ dăm không phép. Công ty TNHH Thương mại và Tổng hợp Khánh Thủy còn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền thuê đất nhưng khi chúng tôi mục sở thị đã thấy công ty xây dựng nhà cửa, trạm cân, kho tàng, sân bãi và hiện đang xây dựng những hạng mục mới mà không gặp bất kỳ cản trở nào của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

Thị xã Hoàng Mai là địa bàn giáp ranh với Cảng Nghi Sơn, nơi các công ty đầu nậu tại Thanh Hóa tập kết gỗ dăm rồi vận chuyển lên tàu thủy xuất bán ra nước ngoài. Tuy ko phải là vùng nhiều nguyên liệu gỗ nhưng do cự ly gần nên thị xã Hoàng Mai cũng tập trung đông cơ sở băm gỗ dăm trái phép. Ngoài hai hộ kinh doanh Trần Văn Tình và Trần Lê Bảy cùng ở xã Quỳnh Vinh thì gần đây xuất hiệt hai cơ sở băm gỗ dăm không phép mới là xưởng chế biến, băm dăm gỗ của Công ty TNHH Sản xuất gỗ công nghiệp Phú Quý tại xã Quỳnh Vinh và xưởng chế biến, băm dăm gỗ của Công ty cổ phần Năng lượng sinh khối Hoàng Gia tại phường Quỳnh Xuân.

Theo thống kê, trên đia bàn tỉnh Nghệ An có 37 cơ sở có hoạt động chế biến, băm gỗ dăm tại 11 huyện, thị xã gồm: Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Yên Thành, Thanh Chương, Con Cuông, Nghi Lộc, Tân Kỳ, trong đó một số cơ sở vi phạm thuộc Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam.

Việc các cơ sở băm gỗ dăm trái phép mọc lên như nấm sau mưa tại Nghệ An một phần do các công ty thu mua gỗ dăm “hậu thuẫn” và các công ty này đều đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Các công ty này đã đầu tư tài chính, thậm chí mua cả dây chuyền băm gỗ dăm cho các hộ kinh doanh và hợp thức hóa bằng mô hình liên danh liên kết để cùng nhau lập các cơ sở băm gỗ dăm trái phép.

Bám theo những chiếc xe chở gỗ dăm hướng ra Bắc trên đường Hồ Chí Minh, chúng tôi phát hiện những chiếc xe này tập trung đổ gỗ băm tại các Công ty TNH Chế biến và XNK Lâm sản Xuân Sơn; Nhà máy Chế biến gỗ Thành Nam; Nhà máy gỗ TCT... đều thuộc xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, địa điểm giáp ranh với huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Còn những chuyến xe chở gỗ dăm chạy theo tuyến quốc lộ 48D đều vào khu vực Cảng Nghi Sơn và tập kết hàng ở đây chờ vận chuyển lên tàu đưa sang Trung Quốc thông qua các công ty xuất nhập khẩu đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.