Tôi còn nhớ hồi còn bé xíu, có lần tôi ngớ ngác hỏi mẹ:
- Quê hương là gì hả mẹ? Mẹ chỉ mỉm cười và nói:
- Quê hương là chiếc kẹo chocolate mà con thích đó, khi ngậm vào thì nó ngọt sâu trong cổ họng, hương vị đậm đà khiến cho người ta có cảm giác lưu luyến mãi không muốn rời.
- Nhưng quê hương có ăn được như chocolate không hả mẹ?
- Nó không ăn được như chocolate nhưng nó khiến người ta phải da diết, bùi ngùi khi đi xa quê hương.
Quê hương lúc đó trong tôi như cái gì đó nằm trong sách vở, nằm trong những bài hát “Quê hương là chùm khế ngọt cho con trèo hái mỗi ngày, quê hương là đường đi học con về rợp bướm vàng bay...”. Nhưng cái ngày mà tôi chưa hiểu nhiều về quê hương thì tôi lại rời xa nơi chôn nhau cắt rốn để đến một nơi tôi chưa hề biết, chưa hề quen, mọi thứ đều lạ lẫm, đó là TP HCM.
Quê hương nơi tôi sinh ra là mảnh đất miền Tây Nghệ An nghèo nàn, cơm ngày ba bữa không đủ ăn. Hồi ấy khi tôi sắp bước sang lớp 6, gia đình tôi gặp chuyện lớn. Ba tôi vay tiền mua một cái xe máy để hành nghề xe ôm nhưng mới đi được vài ngày thì đã xảy ra tai nạn, ba tôi lỡ đâm chết một người đàn bà trong huyện. Để giải quyết êm đẹp, họ bắt gia đình chúng tôi đền bù 60 triệu đồng và lo tiền hậu sự cho gia đình họ, nhưng lúc đó gia đình tôi bán cả nhà, bán cả đất cũng không đủ 10 triệu đồng, nhà thì nhà tranh, đất thì đất rừng, đất đồi thì làm gì có ai mua cơ chứ với lại 20 triệu đồng nợ ngân hàng từ đời ông bà sang đời bố mẹ tôi vẫn còn đó, hàng tháng tiền lãi còn không đủ để mà đóng huống hồ là trả nợ, bát cơm hàng ngày của gia đình vẫn phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Đến ngày lo hậu sự, gom góp cả dòng họ cũng được hơn 2 triệu rưỡi. Thế là thỏa thuận không thành, bố tôi phải ra hầu tòa và chịu ngồi tù 5 năm, còn mẹ thì gánh một đống nợ nặng trĩu lên đôi vai gầy cộng thêm 5 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, khi đó là năm 1999.
Chị gái đầu nhà tôi lúc đó học lớp 10, hè nào cũng vậy, chị phải ra Hà Nội để đi lau nhà, rửa chén bát kiếm tiền phụ mẹ, chị bước chân ra Hà Nội lần đầu tiên từ dịp hè lớp 7, cứ mỗi dịp hè chị lại đem về cho gia đình 500.000 đồng sau 3 tháng cực nhọc. Còn anh thứ hai nhà tôi thì lúc đó học lớp 8, anh thứ ba lớp 7, thế là cả hai anh đành phải nghỉ học ngày đêm đi mò cua bắt ốc vì những miếng cơm manh áo hằng ngày. Tôi sinh thứ tư, sau tôi còn có đứa em học lớp 2, tôi là đứa học khá hơn các anh chị nên mẹ tôi không nỡ để tôi phải nghỉ học với lại cô giáo chủ nhiệm của tôi chiều nào cũng đến nhà để động viên mẹ cho tôi đi học.
Ngày tôi giã từ quê hương cũng là cái ngày bắt đầu cho hành trình tương lai dài đằng đẵng của mình. Dì tôi đi làm công nhân ở trong TP HCM nên có quen biết một trại trẻ mồ côi, thế là rõ rồi tôi sẽ phải lớn lên ở trại trẻ này. Chỉ vỏn vẹn trong tay 200.000 đồng, một vali đồ con con, mấy cuốn tập với hồ sơ nhập học. Mẹ đưa tôi ra bến xe, một thân một mình lủi thủi vào TP HCM không ai theo cùng, mẹ dặn tôi 100.000 đồng thì trả tiền xe, 100.000 đồng còn lại thì chỉ được phép ăn uống và mọi sinh hoạt là 50.000 đồng, còn 50.000 đồng thì cất phòng lỡ có chuyện gì thì đem ra dùng.
Hai ngày trên xe lúc ấy cũng đủ khiến tôi cảm nhận được quê hương là gì. Nỗi nhớ nhà trong tôi bắt đầu dai dẳng, tôi khóc nguyên cả một ngày trời mà không ăn uống gì cả. Bấy giờ tôi mới thấm thía câu: “Khi ta ở đất chỉ là đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Khi vào đến mái ấm mồ côi, tôi lại phải chiến đấu với nhiều chuyện từ việc ăn, việc ở, học hành. Đến đây chỉ mình tôi là người miền Trung, còn lại là dân miền Nam với dân miền Tây cho nên sự kì thị giữa người khác với tôi là rất lớn, chẳng lẽ vì giọng nói khó nghe, vì là dân miền Trung nên tôi bị đối như vậy ư? Vào mái ấm suốt 3 tháng trời mà tôi chẳng thấy ấm, chẳng thấy một chút tình thương gì cả, tôi chẳng có một người bạn để chơi, để trò chuyện, để nô đùa không những thế ngày nào tôi cũng bị lôi ra làm trò cười và bị ăn đòn như ăn cơm bữa, lúc đó tôi lại nhớ đến những đứa bạn ở quê, nhớ những lũy tre làng, nhớ ba mẹ, nhớ anh chị và nhớ tất cả những gì có tại quê hương, những lúc đó tôi lại chui vào một góc xó xỉnh nào đó để khóc, ngày nào cũng khóc, đêm nào cũng khóc, mới ba tháng thôi mà tôi đã giảm mất 10kg.
Nhiều khi tôi muốn trốn khỏi nơi đây để tìm đường về nhà, dù ở nhà có khổ bao nhiêu tôi cũng chấp nhận, cho dù có bỏ học tôi cũng bằng lòng, tôi không cần thứ tương lai được xây trong một cuộc sống giả tạo nữa, tôi đã chán ngấy lắm rồi. Nhưng trong người tôi chẳng có một xu dính túi, ở thành phố mà cũng không xác định được mình đang ở chỗ nào nên tôi không dám đánh liều với số mạng, thương mẹ, thương anh chị nên tôi cắn răng chịu đựng qua ngày.
Lên thành phố được vài tháng thế mà ngày nào tôi cũng nhớ về quê hương, ngày nào cũng cầm tấm hình cả gia đình chụp chung rồi ngắm nghía, hình dung cảnh tượng quê hương. Khi mấy đứa cùng trang lứa trong mái ấm đi học hết thì tôi lại chưa nhập học được, không có tiền đút lót nên chẳng trường nào nhận tôi, nhưng đến hết học kỳ một lớp 6 tôi mới được đi học, tôi sung sướng tưởng chừng thoát cảnh cô đơn, ấy thế mà vừa vào lớp được vài ngày tôi lại bị kỳ thị kinh khủng hơn, thế là những trận đòn lại dày hơn đối với tôi. Suốt hai năm lớp 6 và lớp 7 mà tôi chẳng nhận được một lời an ủi từ ai cả, nhưng điều tôi luôn cảm thấy ấm lòng và nâng đỡ tôi đó là quê hương, nơi đã đưa tôi vào đời, nơi đã ấp ủ và nuôi tôi suốt 12 năm trời. Hai năm sống ở TP HCM, thỉnh thoảng tôi được mẹ gọi điện vào thăm, kể lể những khó khăn ở quê, tự nhiên tôi cảm thấy mình may mắn hơn bạn bè, anh chị em chăng?
Năm tôi học xong lớp 7, khi đó vừa bước vào hè, dì có đến thăm tôi, thấy tôi ốm yếu, sa sút hẳn đi nên dì tra hỏi xem tôi gặp phải chuyện gì và tôi đã kể hết cho dì đầu đuôi ngọn ngành. Kể chưa xong, dì tôi đã òa khóc và ôm tôi vào lòng, lúc đó có lẽ là giây phút hạnh phúc nhất mà tôi nhận được tình yêu thương thực sự, tôi cũng ôm lấy dì mà khóc nức khóc nở, tôi nói với dì là muốn về nhà dù có khổ đến mấy. Cái ngày mà tôi kể cho dì cũng là cái ngày mà dì bảo tôi sắp xếp đồ đạc để ở với dì. Thế là những ánh bình minh trong tôi bắt đầu ló dạng và những vùng đất tăm tối trong tôi bắt đầu nở hoa.
Từ năm lớp 8 đến lớp 12 tôi sống với dì, tuy có nghèo nhưng tôi vẫn cảm thấy mình được yêu, được tôn trọng. Cứ mỗi năm đến hè là tôi vùi đầu vào kiếm tiền, nào là phụ hồ, rửa chén bát... Tôi làm mọi thứ để có tiền đóng học. Ở nơi đất khách quê người không ngày nào mà tôi không nhớ đến quê hương, tôi cứ mơ mình là một hoàng tử lạc vào một nơi xa lạ để học cách chiến đấu với cuộc đời, học cách chống chọi với khắc nghiệt để sau này trở về làm vua sẽ hiểu nhiều chuyện của chúng sinh hơn.
Bây giờ ngồi lụi hụi với những câu chữ, nhìn lại cuộc đời đã chín năm tôi rời xa quê hương nhưng quê hương luôn nằm trong trái tim tôi, dẫu rằng người ta có thể tách tôi ra khỏi quê hương nhưng không thể tách quê hương ra khỏi trái tim tôi. Tôi cảm ơn cuộc đời đã cho tôi sinh ra nơi mảnh đất Nghệ An tuy nghèo nhưng hiếu học, tuy nghèo nhưng có nhiều dũng khí và niềm tin để biết vươn lên. Rồi đây tôi sẽ phấn đấu trở thành một doanh nhân lớn để làm rạng danh quê hương và lau đi những giọt nước mắt mà bố mẹ đã đổ ra vì chúng tôi.