Đập Phà Lài là công trình thủy lợi lớn nhất huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An), nằm trên dòng sông Giăng. Theo UBND xã Môn Sơn, để phát triển du lịch ở đập Phà Lài, từ năm 2017, huyện Con Cuông đã kêu gọi Công ty TNHH Dịch vụ & Du lịch VSC vào đầu tư. Doanh nghiệp này đã lập dự án và được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt chủ trương đầu tư, đồng ý chủ trương giao đất. Hiện đơn vị này đang vừa đầu tư xây dựng vừa khai thác.
Công khai đón khách dù đã có lệnh cấm
Khu du lịch sinh thái Phà Lài nằm ở làng Xiềng, xã Môn Sơn, bên dòng sông Giăng và đập Phà Lài – là nơi có địa hình sơn thủy hữu tình, nên rất nhiều du khách về đây đi thuyền khám phá sông Giăng, chèo thuyền kayak, trượt zipline… Những dịp cuối tuần, nghỉ lễ nơi này rất đông khách.
Đại diện Công ty TNHH Dịch vụ & Du lịch VSC cho biết, thời gian gần đây các nhà hàng nổi tự phát của tư nhân đã hoạt động trong phần đất và mặt nước đã được giao cho doanh nghiệp.
Theo quan sát, ngay phía trên khu vực đập, chính quyền địa phương đã dựng rào chắn bằng tôn, nhằm ngăn các nhà hàng nổi đón khách. Tuy vậy, rào chắn này vẫn chừa một lối ra, vào, khách vào ăn uống có thể dễ dàng qua lại.
Cũng theo người dân địa phương phản ánh, hàng ngày có rất nhiều xe lớn, nhỏ chở khách đang dừng ở bãi đỗ xe dẫn vào nhà hàng nổi. Các nhân viên của nhà hàng vẫn giới thiệu, đón khách đến ăn uống.
Về vấn đề này, ông Lương Văn Hoa – Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho biết, việc kinh doanh tự phát ở đây ngày càng được mở rộng, không đảm bảo an toàn cũng như ảnh hưởng đến môi trường, an ninh trật tự. Mặc dù đã có lệnh cấm từ lâu, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần có văn bản chấn chỉnh tình trạng này nhưng các hộ kinh doanh ở đây vẫn không chấp hành...
“Đã có một số vụ tai nạn đường thủy xảy ra, may mắn không gây thiệt hại về người. Có lần thì tảng đá lớn từ trên núi rơi xuống nhà hàng nổi... Ngoài ra, để mở rộng dịch vụ, một số chủ nhà hàng nổi còn lấn chiếm đất rừng phòng hộ để làm khu vệ sinh. Chính quyền nhắc nhở không được, kiểm tra ban ngày thì họ lén lút làm ban đêm…” - ông Hoa nói.
Trước thực trạng này, theo lãnh đạo huyện Con Cuông, ngày 24/4 chính quyền địa phương đã tổ chức đối thoại triển khai giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc tại khu vực đập Phà Lài. Ngày 29/6, đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động vận tải khách bằng đường thủy nội địa và hoạt động phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước của UBND tỉnh Nghệ An cũng đã làm việc với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải khách bằng đường thủy, hoạt động kinh doanh ăn uống tại các bè nổi ở Phà Lài.
Đến ngày 30/6, UBND huyện Con Cuông ra “tối hậu thư” yêu cầu chậm nhất đến ngày 10/7/2023 phải dừng mọi hoạt động vận tải khách bằng đường thủy nội địa tại khu vực đập Phà Lài. Đối với các phương tiện đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành, được phép di chuyển lên hoạt động tại bến hành khách Phà Lài 2.
Ngoài ra, chính quyền địa phương yêu cầu các chủ bè nổi kinh doanh tại khu vực đập Phà Lài phải bàn giao mặt bằng tại khu vực mặt nước trên sông Giăng lại cho UBND huyện trước ngày 10/7. Đồng thời, yêu cầu các chủ bè nổi đã ký cam kết sẽ tự tháo dỡ các công trình xây dựng, vật kiến trúc, vật tư, vật liệu, hàng hóa, máy móc, thiết bị… ở khu vực đập Phà Lài trước ngày 8/7.
Tuy nhiên, “Bất chấp những yêu cầu từ phía cơ quan chức năng, các chủ bè nổi cũng như chủ nhiều phương tiện đường thủy không chấp hành những yêu cầu này” - ông Lương Văn Hoa - Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho biết.
Bao giờ UBND huyện Con Cuông mới xử lý dứt điểm?
Cũng theo ông Lương Văn Hoa, vào ngày 14/7 vừa qua chính quyền địa phương buộc phải tiến hành xây dựng rào chắn tại khu vực đập Phà Lài (có chừa một khoảng ra, vào, lắp cửa, có chốt khóa). Đồng thời, thông báo tạm dừng hoạt động du lịch tại đập, chỉ dẫn người dân và du khách có nhu cầu du thuyền di chuyển lên bến Phà Lài 2.
Thế nhưng, qua quan sát một số phương tiện thủy nội địa vẫn chưa di chuyển vào bến Phà Lài 2 như yêu cầu. Các nhà bè nổi không tháo dỡ, di chuyển ra khỏi khu vực đập Phà Lài. Tình trạng đưa, đón khách bằng đường thủy nội địa, hoạt động đón khách, ăn uống trên các bè nổi ở đập Phà Lài vẫn còn diễn ra công khai.
Theo lãnh đạo xã Môn Sơn, vào ngày 28/7, chính quyền xã đã cử lực lượng lên tiến hành khóa cửa rào chắn tại đây nhưng gặp sự phản đối quyết liệt từ các chủ nhà bè nổi.
Cũng theo vị này, trước đó ngày 18/7, UBND xã Môn Sơn đã có báo cáo đề xuất huyện Con Cuông chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện thủy nội địa không đủ điều kiện hoạt động, nhằm ngăn chặn tình trạng các phương tiện này đưa, đón khách. Đồng thời, đề nghị huyện tiếp tục triển khai giải quyết các vấn đề đã chỉ ra trong Kế hoạch giải quyết các vấn đề tại Phà Lài ban hành ngày 25/10/2022, nhưng UBND huyện không có ý kiến chỉ đạo.
Về tình trạng đưa, đón khách bằng đường thủy nội địa trên sông Giăng - Ông Nguyễn Quế Sự - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Nghệ An cho hay, tại khu vực đập Phà Lài, hiện có 3 nhà bè với tổ hợp 6 nhà nổi thuộc 3 hộ gia đình (diện tích khoảng 90m2/nhà) kinh doanh dịch vụ ăn uống trên mặt nước. Các nhà bè này hoạt động mang tính tự phát.
Nơi đây cũng có 42 phương tiện thủy nội địa thuộc sở hữu của người dân xã Môn Sơn tham gia vận tải khách phục vụ du lịch, tham quan sông Giăng, công suất từ 8 đến 15 CV. Trong số này có nhiều phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm hoặc đã hết hạn đăng kiểm. Một số người điều khiển phương tiện chưa được cấp chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện thủy nội địa.
Các bè nổi hoạt động kinh doanh ăn uống tại đập Phà Lài không phải là phương tiện thủy nội địa theo quy định và là dạng kết cấu công trình tạm chưa được pháp luật quy định về thiết kế, kiểm định an toàn kỹ thuật, đăng ký hoạt động... Theo UBND huyện Con Cuông, thời gian tới chính quyền sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng đình chỉ hoạt động và có phương án tháo dỡ. Trật tự cần sớm được lập lại và các qui định phải được thực hiện nghiêm tại khu du lịch sinh thái Phà Lài trong thời gian tới để đảm bảo cảnh quan, an toàn.