Gần đây, người dân xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh đã quyên góp tiền, huy động máy móc di dời hàng loạt tảng đá trên biển để ghép lại thành âu thuyền tránh trú bão lũ. Trong đó có rất nhiều tảng đá lớn đã được chẻ ra làm nhiều mảnh, hình thù, góc cạnh sắc nhọn khác nhau.

9-1685326335.jpg
Những tảng đá lớn được ghép chồng lên nhau tạo thành âu thuyền tránh trú bão của ngư dân

“Sáng kiến” làm âu thuyền tự phát hiệu quả mạng lại chưa thể khẳng định, song điều dễ nhận thấy là tự một bãi đá tự nhiên trở thành những phiến đá sắc nhọn xếp chồng lên nhau. Việc cải tạo, ghép đá không theo quy luật tự nhiên sẽ dễ bị sụp đổ, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn cho người dân, du khách khi tắm ở bãi biển Kỳ Xuân.

90-1685326362.jpg
Nhiều vị trí đá ghép sơ sài, chồng chất lên cao, nguy cơ đổ sập có thể xảy ra bất cứ lúc nào


“Những tảng đá ghép thành âu thuyền dài hàng chục mét, nơi cao nhất khoảng 3 mét là hết sức nguy hiểm. Đến biển Kỳ Xuân để tắm, nhưng không ai dám lại gần âu thuyền vì sợ bị tai nạn do sập đá. Âu thuyền tự phát đã làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có của vùng biển Kỳ Xuân”, ông Nguyễn Văn Thành ở TP Hà Tĩnh cho biết.  

Biển xã Kỳ Xuân thoải dài, cát trắng mịn, nước trong xanh, đặc biệt nơi đây có nhiều bãi đá tự nhiên khá đẹp. Vậy nhưng, sau khi cải tạo, di dời đá làm âu thuyền, bãi biển đã bị “méo mó” hình thù kỳ quặc, không chỉ gây nguy hiểm cho người tắm biển mà thậm chí cả ngư dân nếu không quan sát và có phương án phòng tránh từ xa.

d-1685326390.jpg
Âu thuyền được ghép bằng đá dài hàng chục mét, trái với quy luật tự nhiên nên rất dễ xảy ra những tác động bất lợi về môi trường biển

“Âu thuyền ghép bằng đá có thể làm nơi neo đậu tránh trú mưa bão cho khoảng 150 tàu thuyền. Bãi đá tự nhiên bị biến dạng, nhiều lúc cũng cảm thấy mất đi vẻ đẹp của bãi biển, song vì nhu cầu neo đậu tàu thuyền nên mọi người đã cùng nhau quyên góp tiền, huy động máy móc để làm âu thuyền”, ông Bùi Văn Sơn ở xã Kỳ Xuân bộc bạch.

i-1685326429.jpg
Rất nhiều tàu thuyền của ngư dân xã Kỳ Xuân neo đậu trong âu thuyền tự phát

Qua tìm hiểu được biết, việc làm âu  thuyển phải có quy hoạch cụ thể và được các cấp có thẩm quyền khảo sát, phê duyệt chặt chẽ. Tuy nhiên, tại xã Kỳ Xuân chính quyền và người dân lại tự ý cải tạo đá ghép thành âu thuyền tránh trú bão lũ. Những tác động trái với quy luật tự nhiên này sẽ gây nên nhiều hệ lụy về môi trường khó kiểm soát.

“Ghép đá làm âu thuyền tự phát dù ít nhiều cũng sẽ tác động đến môi trường tự nhiên và vi phạm các quy định của pháp luật. Nhưng qua các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, người dân có nguyện vọng làm âu thuyền nên chính quyền cũng tạo điều kiện, vì xét thấy không ảnh hưởng nhiều đến quy hoạch phát triển du lịch”, ông Nguyễn Thành Chung- Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân lý giải.

r-1685326454.jpg
Phía trong âu thuyền là khu vực nước sâu, tàu thuyền dễ dàng neo đậu
rr-1685326479.jpg
Cải tạo đá làm âu thuyền tự phát sẽ mất đi vẻ đẹp vốn có của vùng biển xã Kỳ Xuân, nơi có bãi đá tự nhiên hoang sơ, từng là điểm đến hấp dẫn của người dân, du khách

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị, ông Lê Anh Đức- Trưởng phòng Tài nguyên nước, biển và hải đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tháng 1 năm 2022 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 01 quy định về quản lý, bảo vệ hành lang bờ biển trên địa bàn.

“Người dân làm âu thuyền tự phát ở xã Kỳ Xuân trước hết trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ bãi biển và phải có báo cáo kịp thời. Còn để biết được việc làm này có vi phạm hành lang bảo vệ bờ biển hay không thì phải kiểm tra, xác minh mục đích cụ thể”, ông Lê Anh Đức thông tin.  

Theo Văn Chương - kinhtedothi.vn