Và, với việc đổi mới, nâng cao, hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), phát triển theo hướng ổn định, bền vững, tương xứng với tiềm năng là nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Nghệ An đề ra trong thời gian tới. Đây là cơ sở quan trọng góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đổi thay từ các mô hình HTX kiểu mới
Thời gian qua, công tác phát triển, đổi mới và nâng cao hiệu quả KTTT với nòng cốt là hợp tác xã (HTX) của tỉnh Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả chất và lượng; điều này thể hiện rõ nhất ở các chỉ tiêu về vốn hoạt động, lợi nhuận, thu nhập của từng thành viên.
Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Nghệ An có 859 HTX với 267.850 thành viên và 60.936 lao động thường xuyên; hoạt động ở các lĩnh vực: Nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, quỹ tín dụng nhân dân,.. Doanh thu bình quân của một HTX đạt 2.250 triệu đồng/năm; doanh thu bình quân của một Liên hiệp HTX đạt 3.200 triệu đồng/năm.
Các mô hình HTX đã giúp thu nhập của người lao động được cải thiện, tác động tích cực đến kinh tế hộ thành viên. Cụ thể, thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX là 4,56 triệu đồng/tháng; mức thu nhập của một lao động trong Tổ hợp tác khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng, cá biệt thành viên tổ hợp tác đánh bắt thủy sản đạt 9 - 10 triệu đồng/tháng.
Đơn cử như mô hình HTX nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành (huyện Yên Thành) cho lợi nhuận bình quân khoảng 1,5 tỷ đồng/năm; HTX Dịch vụ nông nghiệp Sơn Lâm (xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu), doanh thu hàng năm của HTX đạt 1.200 triệu đồng, lợi nhuận 499 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động, với mức lương trên 4,5 triệu đồng/người/tháng… Nhờ đó, góp phần đáng kể trong phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, thiết lập mô hình kinh tế và quan hệ sản xuất mới ở nông thôn.
Nhiều mô hình HTX kiểu mới ở Nghệ An ghi nhận sự chuyển biến tích cực, cho hiệu quả kinh tế cao khi chủ động đổi mới phương án sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng và quy mô sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, khai thác các trang mạng xã hội để phát triển sản xuất kinh doanh,...
Đáng chú ý, tính đến nay, tại 21/21 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh, mỗi một địa phương đều có ít nhất một mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị; tập trung vào thế mạnh của từng địa phương, nhu cầu thị trường, sản phẩm đặc trưng vùng miền. Nhờ đó đã hạn chế được rủi ro do giá cả thị trường biến động, tăng cao thu nhập cho các thành viên.
Cụ thể, tại huyện Con Cuông, trên địa bàn hiện có 37 HTX, trong đó có 17 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, một số HTX đã xây dựng được sự kết nối tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các thành viên, như: HTX cây con xã Chi Khê; HTX dịch vụ ăn uống du lịch cộng đồng, bản khe Rạn; HTX mây tre đan Bản Diềm, xã Châu Khê... Đặc biệt, ở HTX Dược liệu Pù Mát sản xuất theo chuỗi giá trị, từ sản xuất giống, trồng cây nguyên liệu đến sơ chế, chế biến thành các sản phẩm và đưa ra thị trường tiêu thụ, gồm trà dược liệu túi lọc và cao cà gai leo, dây thìa canh; trà hoà tan dây thìa canh, cà gai leo; trà dược liệu giảo cổ lam.
Hay như một số mô hình HTX điển hình ở các địa phương khác là HTX Sen Quê bác, HTX Công nghệ cao Chanh Nam Đàn (huyện Nam Đàn), HTX Nông nghiệp tinh bột nghệ miền Tây xứ Nghệ, HTX 19/5 (huyện Nghĩa Đàn), HTX Dịch vụ nông nghiệp Diễn Phong (huyện Diễn Châu); HTX Nông sản sạch xứ Nghệ (TX Hoàng Mai), HTX nông nghiệp, dịch vụ Hủa Na (huyện Quế Phong),…
Phát triển KTTT tương xứng với tiềm năng
Bên cạnh những kết quả đạt được, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, công tác phát triển KTTT với nòng cốt là HTX ở Nghệ An trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều tồn tại, hạn chế nhất định; chưa tương xứng với tiềm năng của từng địa phương, từng lĩnh vực.
Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến hiện nay đang còn nặng về hình thức hơn là hành động cụ thể, tính thiết thực chưa cao. Nhiều mô hình sản xuất và sản phẩm vẫn đang ở quy mô nhỏ, chưa có yếu tố nổi trội, vượt lên. Số lượng HTX đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị vẫn còn hạn chế, năng lực tiếp cận thị trường, năng lực cạnh tranh của nhiều HTX còn yếu. Nguyên nhân được chỉ ra là do một số bộ máy quản lý các HTX còn chưa năng động, yếu về năng lực quản trị nên khó tìm kiếm bao tiêu sản phẩm.
Do vậy, để thúc đẩy KTTT trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh và bền vững, mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 363/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình hành động số 50-CTr/TU ngày 13/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới.
Kế hoạch được ban hành đề mục tiêu quan trọng là phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của KTTT; thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống và bảo đảm an sinh xã hội cho các thành viên, hộ gia đình; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trên địa bàn tỉnh.
Với lộ trình cụ thể, Nghệ An đề ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu có khoảng 1.000 tổ hợp tác với khoảng 13.000 thành viên; khoảng 1.200 hợp tác xã với khoảng 278.000 thành viên; 6 liên hiệp hợp tác xã với khoảng 50 hợp tác xã thành viên. Bên cạnh đó, bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 150 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Còn đến năm 2045, khu vực kinh tế tập thể của tỉnh cùng với cả nước có chất lượng tiếp cận ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới; thể hiện rõ nét về vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; cùng chia sẻ lợi ích và quản lý một cách dân chủ; mọi thành viên của kinh tế tập thể được đáp ứng nhu cầu cơ bản về các dịch vụ tiện phục vụ sản xuất, đời sống, học tập, chăm sóc sức khỏe.
Phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể; bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết; các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; tỷ lệ nữ giám đốc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đạt ít nhất 30%.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh Nghệ An đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Theo đó, các đơn vị liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thực về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Tập trung rà soát, nắm bắt theo dõi thường xuyên tình hình hoạt động, đánh giá, phân loại chính xác kết quả hoạt động của kinh tế tập thể để có các giải pháp chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời hoặc sắp xếp lại đối với các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động không hiệu quả.
Quan tâm công tác tạo nguồn, tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ về hội nhập kinh tế, quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh cho đội ngũ quản lý và lực lượng sáng lập viên khởi nghiệp thành lập Hợp tác xã; xây dựng các mô hình tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, nhất là đối với sản phẩm mang tính hàng hóa lớn, có lợi thế cạnh tranh, gắn với sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Đồng thời, tăng cường vận động, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia là thành viên, thành lập các tổ chức kinh tế tập thể, nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp…
Hi vọng rằng, với những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong thời gian tới, KTTT ở Nghệ An sẽ phát triển bền vững và trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế của địa phương, góp phần đưa tỉnh nhà phát triển toàn diện trên mọi mặt.
Theo Hồng Quang - diendandoanhnghiep.vn