Công việc một ngày mới của chị Vi Thị Dung, ở bản Piêng Mựn, xã Mai Sơn, huyện biên giới Tương Dương, tỉnh Nghệ An là quét dọn, vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị thức ăn cho đàn dê.
“Sáng đi bứt lá cho dê ăn, nắng quá hoặc mưa thì không được thả rông. Được phối hợp với Đồn (Đồn Biên phòng Nhôn Mai - PV) thì nuôi dê rất vui và thuận lợi, dê mau lớn”, chị Dung chia sẻ.
Đàn dê của gia đình chị Vi Thị Dung thuộc chương trình hỗ trợ, phối hợp của Đồn Biên phòng Nhôn Mai (Bộ đội Biên phòng Nghệ An). Với việc hỗ trợ con giống ban đầu từ biên phòng, người dân có trách nhiệm cùng với bộ đội biên phòng chăm sóc, số dê được sinh sản hàng năm sẽ chia đều 50/50 cho người dân và biên phòng. Ngoài hỗ trợ dê giống, Đồn biên phòng Nhôn Mai còn hỗ trợ lợn giống, cá giống… cho người dân trong vùng, trực tiếp xây dựng chuồng trại, hướng dẫn, cùng với người dân chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh.
- Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thành lập 5 tổ công tác chỉ đạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
- Nghệ An: Tập trung hoàn thành các dự án trọng điểm có tính kết nối và có sức lan tỏa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
- Nghệ An: UBND tỉnh trình kỳ họp HĐND tỉnh nhiều nội dung quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
“Mô hình được bà con dân bản thấy bộ đội làm hiệu quả, chăn nuôi phát triển, trong vấn đề chăm sóc là đảm bảo. Trước đây, họ nuôi không khoa học, nhưng mình nuôi lợn phải bằng kinh nghiệm, khoa học, phải tiêm phòng. Vừa rồi nuôi 2 ổ thì được 100%”, Thiếu tá Lê Văn Bảo, Đồn Biên phòng Nhôn Mai nói.
Để việc phối hợp thực hiện mô hình được hiệu quả thì người dân và Bộ đội Biên phòng cùng ký cam kết trong công tác phối hợp, thực hiện và lợi nhuận. Thượng tá Phan Thanh Hồng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Nhôn Mai cho biết, lợi nhuận thu về Bộ đội Biên phòng tiếp tục nhân rộng mô hình, giao cho các hộ gia đình khác tham gia.
“Con giống và chuồng trại Đồn bỏ ra hết, còn người dân tham gia chăn nuôi và được hưởng lợi. Mô hình này đơn vị hướng đến là những hộ gia đình muốn thoát nghèo, làm giàu, để ý chí vươn lên, học tập lẫn nhau. Và nguồn vốn người dân rất nhanh, đặc biệt là mô hình cá, nuôi 6 tháng đã có trong tay 10 triệu. Bắt buộc họ có suy nghĩ làm để hưởng lợi, họ sẽ thay đổi thái độ, suy nghĩ, rồi tinh thần của họ. Đó là cơ sở để mình xây dựng nền biên phòng toàn dân, xây dựng lòng tin, xây dựng tình cảm đoàn kết quân dân”, Thượng tá Phan Thanh Hồng cho biết.
Cách làm của Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã đem lại hiệu quả kinh tế cho hàng chục hộ dân khu vực biên giới. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư Huyện uỷ Tương Dương, cái được lớn hơn đối với người dân khi tham gia mô hình này là gắn trách nhiệm với lợi nhuận, thay đổi nhận thức, trách nhiệm trong phát triển kinh tế.
“Cho hộ dân có cơ hội đủ điều kiện nuôi và phát triển. Tôi đầu tư vốn, giống thì anh góp công, lợi nhận chia đôi 50/50. 50 của Đồn Biên phòng thì đưa đi hộ dân khác, nhân rộng thêm. Tôi cho đó là cách làm hay, sát với người dân, vừa là quyền lợi cũng là trách nhiệm, nếu anh không làm, không hiệu quả thì lợi nhuận không có. Thứ 2 là anh em sâu sát, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ cho bà con phương thức chăn nuôi nên mang lại hiệu quả như vậy”, ông Nguyễn Văn Hải cho hay.
Từ mô hình kinh tế của Đồn Biên phòng hàng chục hộ dân khu vực biên giới có được sinh kế bền vững. Đáng nói hơn là, trong khi nhiều mô hình kinh tế, dự án khác cho thấy hiệu quả không cao khi chúng ta thực hiện theo cách “cho không”, thì cách làm của Bộ đội biên phòng Nghệ An được cho là hướng đi mới trong phát triển kinh tế bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.
Theo Sỹ Đức - vov.vn