dd-1683852147.jpg
Ông Lo Văn Khánh chăm đàn bò được hỗ trợ.

Bò Đề án bị bán rẻ

Thiếu thức ăn, thiếu tiền… nhiều người dân ở vùng cao tỉnh Nghệ An đã bán rẻ đàn bò được hỗ trợ từ Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu (gọi tắt là Đề án). Sau gần 3 năm, đàn bò hơn 300 con đã giảm gần một nửa.

Theo thống kê của bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An), thực hiện Đề án, cả bản có 77 hộ dân được hỗ trợ 304 con bò giống nhằm phát triển kinh tế, mỗi hộ từ 3-4 con. Vào thời điểm đó, việc hỗ trợ này được xem như cả một gia tài đối với người dân trong bản. Tuy nhiên, đến nay có 44 con bò đã chết do dịch bệnh, 114 con bò khác bị người dân bán rẻ; nhiều hộ dân khác đã đưa bò quay về nơi ở cũ, nơi lòng hồ thủy điện Bản Vẽ để chăn thả trong rừng. Không những bò bị bán rẻ, nhiều hộ dân còn tháo dỡ cả chuồng bò đem bán, nhiều vật dụng được tặng kèm đễ hỗ trợ nuôi bò như bình chứa nước, máy cắt cỏ cũng bị bán. Ngoài lý do về hoàn cảnh khó khăn phải bán bò trả nợ, có nhiều hộ dân quan niệm không phù hợp để nuôi bò nên bán bò mua trâu.

Chỉ tay vào con trâu mới mua hơn 15 triệu đồng, ông Lo Văn Tuấn - trú bản Văng Môn cho biết: Sau khi được hỗ trợ, qua thời gian chăn thả, nhưng bò càng nuôi càng gầy, sợ nó chết nên tôi phải bán, mua trâu về nuôi. “4 con bò gia đình tôi được hỗ trợ khi mới tiếp nhận về nuôi khá đẹp, nhưng càng nuôi bò lại càng gầy. Mặc dù gia đình tôi mua cám ngô, cả ruộng ngô non về tầm bổ, thuốc cũng kêu thú y tiêm nhưng bò không phát triển còn gầy thêm, đành phải bán bò đổi sang nuôi trâu” - ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, ít tháng trước, 2 trong số 4 con bò của gia đình gầy đến trơ xương, có con ngã xuống vì đi không vững, vợ chồng ông hoảng hốt gọi thương lái đến bán. Sau một buổi ngả giá, ông Tuấn mới bán được 2 con bò này với giá 10 triệu đồng, bằng 1/3 giá trị của bò khi nhận từ Đề án.

Hay như gia đình ông Lo Văn Khánh - trú bản Văng Môn, 3 năm được hỗ trợ bò từ Đề án, đến nay số bò trên chưa bán, nhưng chưa tạo ra kinh tế cho gia đình. “Không hiểu sao nuôi mãi hơn 3 năm mà bò không sinh sản. Tính ra 3 năm qua gia đình chưa được đồng nào. Trước đây chúng tôi nuôi bò ở trong lòng hồ thả thoải mái trong rừng, lâu lâu vào kiểm tra thôi. Giờ thì ngày nào cũng phải mất công chăm sóc, đi cắt cỏ cho chúng nhưng 3 năm nay chỉ nuôi chứ không có thu nhập” - ông Khánh phân trần.

Không chỉ bán bò, mà tại bản Văng Môn, trong thời gian qua đã có hàng loạt chuồng bò phải bỏ hoang vì đàn bò đã bị gia chủ bán hoặc chết vì dịch bệnh. Những chuồng bò với chi phí được đầu tư lên tới hàng trăm triệu đồng bị tháo để bán lấy tiền. Phần lớn những hộ bán bò dự án nay đã chuyển đi nơi khác, hoặc đi làm thuê chứ không còn ở nhà.

Bán bò là sai, nhưng khó xử lý

Theo bà Lo Thị Lan - Trưởng bản Văng Môn, việc người dân bán tháo bò từ Đề án với giá rẻ chỉ mới diễn ra thời gian gần đây. Do người dân chủ yếu bán giữa đêm nên chính quyền địa phương không biết để can thiệp. Người dân bản vốn đã quen với cách chăn nuôi trâu bò thả rông trong rừng, bởi thế khi nhận bò từ Đề án về nuôi nhốt trong chuồng, phần vì không quen, phần vì thiếu thức ăn, nơi chăn thả nên bò chậm phát triển.

“Trước khi bàn giao bò, người dân cũng đã được cán bộ về tập huấn cách chăn nuôi, phòng bệnh, ủ cỏ... Thực tế bò dự án này được mua từ miền xuôi, khi đưa lên nuôi ở xã vùng cao cũng không hợp thời tiết. Thời gian đầu, người dân còn được Nhà nước hỗ trợ thêm cám thì đàn bò vẫn ổn. Hết cám, nhiều nhà không đủ tiền mua, nguồn thức ăn thiếu nên bò ốm yếu dần” - bà Lan nói.

Trong khi đó, ông Kha Văn Lập - Bí thư Đảng ủy xã Nga My cho biết: Mặc dù Đề án đã khai hoang gần 9ha giao cho người dân trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò, nhưng vì thiếu nguồn nước tưới nên mùa hè cỏ thường không phát triển. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân tìm cách dự trữ nguồn thức ăn, mua thêm rơm rạ về dự trữ trong những ngày nắng nóng. “Chúng tôi cũng đề nghị cán bộ thú y huyện hỗ trợ, thụ tinh cho bò nếu người dân có nhu cầu. Phải làm sao để người dân giữ được đàn bò lại, phát triển kinh tế” - ông Lập nói.

Nói về thực trạng này, ông Vy Mỹ Sơn - Phó Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An (đơn vị được giao thực hiện Đề án) cho biết: Sau khi nhận bò, người dân bản Văng Môn đã ký cam kết với xã không bán bò. Vậy nhưng, sau 3 năm, họ cứ nghĩ đàn bò là tài sản của mình rồi nên bán. Có rất nhiều lý do bán bò, khó khăn quá cũng bán, làm nhà cũng bán….

“Trong các cuộc họp dân, chúng tôi cũng đã phân tích nuôi bò là phát triển kinh tế hộ gia đình của mình nhưng rồi họ vẫn bán. Việc người dân bán bò Đề án rõ ràng là sai, nhưng rất khó để xử lý” - ông Sơn cho biết thêm.

Theo ông Sơn, hiện Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra thực tế, đề nghị cán bộ thú y hỗ trợ người dân tiêm phòng cho những con bò quá gầy yếu. Để giải quyết tình trạng thiếu thức ăn cho bò, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An dự tính sẽ cho phát triển thêm những cánh đồng cỏ mới ở bản Văng Mon, đầu tư hệ thống tưới tiêu cho cánh đồng cỏ. Hưỡng dẫn kỹ thuật trồng cỏ, cũng như kỹ thuật ủ chua cỏ để dự trữ cho mùa khô nhằm giữ đàn bò giúp người dân Ơ Đu phát triển kinh tế để thoát nghèo.

Năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã xây 67 chuồng trại cho 77 hộ dân ở bản Văng Môn và hỗ trợ con giống với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi hộ dân ở đây còn được hỗ trợ 3-4 con bò giống, giá trị mỗi con bò lúc cung ứng cho bà con là 15 triệu đồng/con. Vấn đề đặt ra là cần đánh giá lại việc thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu có phù hợp với điều kiện tự nhiên, có phát huy được hiệu quả không? Nếu những yếu tố này không đạt được mà tiếp tục đầu tư tiền của để trồng cỏ, để tiêm phòng dịch cho những con bò ốm yếu e rằng sẽ khó đạt được kết quả như kỳ vọng.

Theo Điền Bắc - daidoanket.vn