Hơn 10 năm nay, hàng trăm hộ dân ở dưới chân núi Quyết (phường Trung Đô, thành phố Vinh) phải sống trong cảnh thấp thỏm mỗi lần mưa xuống bởi tình trạng sạt lở. Đã không ít lần đất đá, thậm chí mồ mả từ trên núi đổ ập xuống nhà dân.
Thấp thỏm với tử thần
Nhiều năm nay, mỗi lần mưa xuống, cả gia đình ông Đỗ Doãn Khanh ở khối 3, phường Trung Đô (TP. Vinh), lại hối hả tháo chạy khỏi căn nhà của mình, để tìm nơi trú tránh an toàn. Đây cũng là tình cảnh chung của hàng trăm hộ dân sống ven chân núi Quyết hiện nay, đặc biệt là những hộ dân ở đường Ngô Thì Nhậm.
“Mỗi lần mưa xuống là sợ. Có khi đất đá rơi ào ào”, ông Khanh nói. Tuy nhiên, do không đủ tiền để mua nhà, chuyển đến nơi ở mới, ông Khanh cũng như các hộ dân ở đây đành chịu cảnh sống chung với tử thần. Chờ đến lúc chính quyền bố trí tái định cư. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, vấn đề này vẫn chỉ là giấc mơ. Theo người dân, tình trạng sạt lở đất đá tại núi Dũng Quyết đã diễn ra từ năm 2008, khi thi công đường lên đền thờ Vua Quang Trung, khu vực này cũng đã bị sạt lở.
Những hộ dân sống dưới chân núi Quyết mòn mỏi chờ tái định cư. Ảnh: Tiến Hùng
Cho đến bây giờ, anh Lê Văn Lập ở khối 2, phường Trung Đô, vẫn không thể quên được lần sạt lở đầu tiên, vào năm 2010. Lần đó, sau một trận mưa xối xả đã xảy ra sạt lở ở nhiều điểm, đổ ập một lượng đất đá lớn, tuy không thiệt hại về người nhưng 13 căn nhà cùng nhiều tài sản đã bị hư hỏng nặng. Không lâu sau, cũng tại khối 2, hàng trăm khối đất đá từ trên núi bất ngờ đổ ập xuống, vùi lấp nhiều khu vườn trồng rau, giếng nước. Cũng từ đó, vườn tược người dân dưới chân núi bị lấn chiếm dần.
"Khoảng 21 giờ hôm đó, cả nhà tôi chuẩn bị đi ngủ thì bỗng nghe như tiếng nổ lớn, sau đó là tiếng nước chảy ào xuống. Mọi người hốt hoảng lao ra khỏi nhà. Vừa chạy ra đường thì hàng chục khối đất đá đổ xuống, rồi tràn qua vườn chảy xuống đường. May mà không ai bị thương nhưng toàn bộ vật dụng ở nhà bếp như tủ lạnh, máy giặt, nồi niêu... cuốn theo đất đá hết rồi", anh Lập kể lại. Bị khối đất đá khổng lồ trút xuống, người dân ở đây phải mất nửa tháng mới dọn xong.
Đất đá tràn vào nhà dân trong lần sạt lở năm 2019. Ảnh: TH
Nghiêm trọng nhất là lần sạt lở vào tháng 10/2019. Lần đó, sau đợt mưa lũ kéo dài, một lượng đất đá khổng lồ đổ ập xuống nhiều nhà dân ở khối 3, phường Trung Đô. 7 ngôi nhà bị đất đá tràn vào, có những ngôi nhà thậm chí bị đất đá vùi lấp hoàn toàn… May mắn, do người dân chủ động tháo chạy nên không có thiệt hại về người.
Sạt lở đe dọa người dân hơn 10 năm nay. Ảnh: TH
Ông Đặng Phi Trường, một người dân ở đây cho biết, hơn 10 năm nay, tình trạng sạt lở đất khi có mưa bão vẫn thường xảy ra khiến người dân bất an. “Mấy năm trở lại đây, hễ có mưa lụt là chúng tôi phải chạy đi sơ tán vì sợ núi lở. Năm 2020, chúng tôi được thông báo bồi thường 1,9 triệu đồng/m2 để di dời, nhưng gia đình tôi không thể đi vì số tiền này không mua được đất để tái định cư”, ông Trường nói.
Nỗi lo từ những ngôi mộ xây trái phép
Không chỉ có nỗi lo từ đất đá, mà người dân dưới chân núi Quyết còn lo sợ những ngôi mộ xây ở trên núi. Trong mỗi lần sạt lở, không ít ngôi mộ xây với đống gạch đá kiên cố đổ sập xuống nhà dân phía dưới. Có lần có đến hơn 30 ngôi mộ sạt từ trên núi xuống. Trong khi đó, vấn nạn xây mộ trái phép ở đây vẫn không thể xử lý dứt điểm.
Theo lãnh đạo phường Trung Đô, từ hơn 20 năm trước, chính quyền đã cấm chôn cất trên núi Quyết. Nhưng những năm gần đây, khi tiến hành kiểm đếm, số lượng mộ xây lại tăng một cách báo động. Năm 2015 có khoảng 1.700 ngôi mộ trên khu vực núi Quyết. Đến tháng 10/2019, qua quá trình khảo sát thống kê các phần mộ tại đây có 1.921 ngôi mộ nằm rải rác. Số ngôi mộ tập trung chủ yếu nhiều nhất vào khu vực khối 2 và khối 4 trên địa bàn phường. Đến nay số lượng phần mộ lên đến trên 3.000 ngôi. Như vậy, chỉ trong vòng ít năm đã có hơn 1.300 ngôi mộ được hình thành mới.
Nhiều gia tộc cho xây rào một khu vực rộng lớn để chiếm đất, biến những bãi đất trống, bằng phẳng hiếm hoi trên núi Quyết thành nghĩa địa. Ảnh: Tiến Hùng
Theo ghi nhận của phóng viên, dọc tuyến đường lên đền Hoàng Đế - Quang Trung, có những khu vực bây giờ chẳng khác gì một nghĩa địa. Nhiều gia tộc, dòng họ thậm chí cho xây rào một khu vực đất khá rộng lớn để chiếm đất làm nghĩa trang gia đình. Ngoài ra, khi quan sát kỹ có thể nhận ra nhiều ngôi mộ ở đây chỉ là mộ gió... “Họ cứ xây sẵn đó để chiếm đất, rồi sau đó đưa lên cải táng”, ông Nguyễn Văn Long, một hộ dân sống dưới chân núi Quyết kể.
Cách đây không lâu phát hiện một gia đình ở phường Cửa Nam đưa người thân lên núi Quyết chôn trộm ngay trong đêm. “Lúc đó khoảng 2h sáng, người dân thấy xe tang chạy lên núi thì báo cho chính quyền. Nhưng khi chúng tôi có mặt thì họ đã kịp chôn rồi. Không ngăn cản kịp. Về những ngôi mộ xây trái phép, họ toàn xây trộm vào buổi tối, khi chúng tôi lên thì đều xây xong, mọi chuyện đã rồi”, một cán bộ phường Trung Đô kể.
Không ít ngôi mộ trên núi Quyết là mộ gió. Ảnh: Tiến Hùng
Vấn nạn mộ xây trái phép trên núi Quyết không chỉ khiến người dân bất an vì sạt lở, đổ sập xuống nhà dân bên dưới mà còn gây ra nỗi lo cháy rừng. Đặc biệt khu vực núi Quyết lại chủ yếu rừng thông, rất dễ cháy khi lá rơi rụng xuống các phần mộ. Cách đây không lâu, có gia đình trong lúc thăm mộ, do thắp hương không cẩn thận đã gây ra vụ cháy rừng nghiêm trọng tại đây.
“Chúng tôi đã nắm được tình trạng này. Hiện nay địa phương đã đề xuất di dời toàn bộ những ngôi mộ ra khỏi núi Quyết”, ông Trần Quảng Đại - Chủ tịch UBND phường Trung Đô nói.
Những ngôi mộ trên núi Quyết tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Ảnh: Tiến Hùng
Cũng theo ông Đại, hễ có mưa bão, chính quyền phường lại lo sơ tán dân vì hơn 100 gia đình đang sống trong vùng nguy cơ sạt lở núi. Mùa nắng nóng thì sợ cháy rừng vì nhà dân ở sát núi Quyết, mùa mưa lũ thì sợ sạt lở đất. Đến nay, mới chỉ 6 gia đình có nguy cơ bị sạt lở được hỗ trợ để tự di dời. Hiện UBND TP. Vinh đã cho khảo sát 5 ha đất tái định cư để di dời hơn 100 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở núi. Tuy nhiên, thời gian thực hiện và lúc nào hoàn thành để di dời dân vẫn chưa thể biết. Trong khi đó, hơn 200 hộ dân còn lại nằm trong khu quy hoạch vẫn chưa biết ngày nào mới được “cởi trói”.