Bao háo hức khi lần giở từng trang sách, bao mê say với câu chuyện về một làng quê khiêm nhường, bé nhỏ – làng Đông Bích thân thương qua tập tản văn Chuyện làng Đông Bích và tôi, NXB Nghệ An, 2024 của tác giả Vương Long với “ngồn ngộn” những điều lí thú.
Cuốn sách dày 133 trang, gồm 21 tản văn với nhiều hình ảnh thân quen và tươi đẹp của làng Đông Bích như Đồng Cửa, Bàu Trúc, đỉnh núi Quỳ… càng gợi nhớ gợi thương.
Tập sách đã đem lại cho tôi biết bao cảm xúc, ở đó là một tấm lòng tha thiết với cảnh quê, người quê; là những trăn trở suy tư của một tâm hồn tinh tế, đa cảm… Tất cả khiến tôi thêm yêu cuốn sách bởi Chuyện làng Đông Bích và tôi đã trở thành chuyện làng Đông Bích của chúng tôi!
Chuyện làng Đông Bích và tôi là những câu chuyện về những địa chỉ đã đi vào lịch sử của làng như: miếu làng, giếng làng, miếu thờ đạo học… Những trang viết về miếu làng giúp ta hiểu hơn câu ca: “Tượng thờ dù đổ vẫn thiêng/ Miếu thờ đổ nát vẫn nguyên miếu thờ”. Đức Thành hoàng linh thiêng vẫn hiển linh độ thế, tấm lòng của “một vị khoa bảng, một ông thầy dạy học, với niềm tin: đạo học còn thì văn hóa của làng còn” (Miếu làng). Đó là lí do miếu làng được phục dựng khang trang và trở thành chốn văn hóa tâm linh. Giếng làng lại mang đậm nét sinh hoạt thuở xưa. Nơi ấy râm ran tiếng gọi câu chào, nơi ấy đậm tình làng nghĩa xóm: “Người gánh nước chỉ cần nghiêng mình chao nhẹ cặp thùng vào làn mây xanh thẳm trong veo rồi nhún nhẩy bước lên. Mấy nhánh lá xanh sóng sánh miệng thùng không giữ được hết, vài giọt nước sánh ra rắc dọc lối về làng, ướt nhòe ngọn cỏ. Giếng làng là nơi hai buổi sớm chiều mời gọi cả làng ra gánh nước. Tiếng gọi chào nhau ríu rít. Giếng tỏ hết mọi chuyện xa gần. Những buồn vui no đói của làng cũng bày ra cả đó. Nhà ai có đám, mấy món mấy mâm, mặt cầu râm ran dao thớt…” (Giếng làng)
Làng Đông Bích thân thương còn có cây đa chín nhánh như ngọn hải đăng dẫn lối về làng. Nơi ấy người già, người trẻ đều có những kỉ niệm khó quên. Cây đa biết cảm thông, chia sẻ khi chứng kiến những cuộc tình mãi mãi không thành. Làng quê ấy đã nuôi lớn người dân quê không chỉ bởi những cánh đồng lúa bát ngát xanh với Đồng Côi, Cửa Vạn, Bàu Bưởi… với cơ man cá trời: “Đồng ruộng quê tôi ngày trước chẳng ai thả ai nuôi nhưng mùa nào cũng đầy những cá. Người ta gọi là cá trời. Là cá do tự trời đất sinh ra. Đủ loại. Nhiều nhất là rô, diếc, hẻn rồi chạch, mương, chày, bống… To thì có cá tràu, cá trê. Nhỏ thì cân cấn, mai mái, rô thia, tép mỡ. Nhiều vô kể. …” (Cá trời). Rồi mùa làm cỏ lúa cũng đủ mọi cung bậc cảm xúc: Cơ man là cỏ, cỏ mật, cỏ hôi, cỏ lác, cỏ năn… rồi làm cỏ, “đánh sóng” mới vui vẻ làm sao! Mũ lá nón cời giăng hàng phấp phới; nỗi cơ cực khi làm cỏ trết, cỏ khô…
Chuyện làng Đông Bích và tôi còn giới thiệu về câu đối làng – món “đặc sản văn hóa” của làng Đông Bích. Phải chăng, từ những điều đặc biệt ấy mà miền quê này đã sinh ra nhiều nhà thơ có tên tuổi trên thi đàn văn học Việt Nam. Tập tản văn đã viết về những người con thi sĩ ấy. Đó là: Thạch Quỳ với làng quê Đông Bích; Anh Vương Đình Trâm, một nhân cách sống, một hồn thơ”…
Không chỉ vậy, làng quê bình yên ấy vẫn còn có những phận người. Qua những trang viết rưng rưng niềm xúc động của Vương Long, họ đã hiện lên thật sinh động. Những: chị Lạng, o Thuần, thím Chân, cụ Lạn… dù cuộc đời còn nhiều khốn khó nhưng họ đều giống nhau ở tấm lòng cao đẹp, nặng nghĩa nặng tình với quê hương. Qua đó, ta thấy tình người trong hoàn cảnh ngặt nghèo mới đáng trân quý biết bao. Giữa cuộc đời còn nhiều những bất hạnh, khổ đau, ngang trái, đâu đó còn có những góc khuất, những lấm láp, tập tản văn giúp ta vẫn đủ niềm tin về tình người vô tư, thánh thiện. Những người làng đã về miền mây trắng nhưng họ sẽ còn ở lại với người làng Đông Bích trong cuốn tản văn này.
Có một điều đặc biệt với tôi khi đọc cuốn sách này là qua những trang văn, tôi đã được gặp lại hình bóng thân thương của ông nội, của mẹ và những người bác kính yêu. Thật xúc động khi đọc bài Thơ Tiên, kể về cuộc đối ẩm trong hội thơ Tiên của ông tôi. Hội thơ phảng phất hương trầm trong miếu Cô Tiên: “Không chỉ tiện đường về quê vợ ghé qua mà nhiều lần cụ Đồ Viêm còn chủ động đến miếu để hội thơ với Cô Tiên. Giữa họ dường như đã có sự kết nối thiêng liêng tri âm tri kỉ… Cụ đọc nhiều bài lắm, thơ của Cô Tiên, của mình, của bạn. Cụ Đồ Viêm tên đầy đủ là Vương Đình Phát (1887-1947), là cha ruột của nhà thơ Vương Đình Trâm, Vương Trọng, ông nội của nhà thơ Vương Duyệt. Cụ là người hay chữ, còn để lại thủ bút là bộ gia phả chữ Nho của họ Vương làng Đông Bích. Cụ cũng rất hay thơ… Miếu Tiên không còn nữa, người tiên cũng đã đi xa. Cụ Đồ Viêm rời cõi tạm đã lâu. Sắp tới đã là lần giỗ tưởng niệm 70 năm ngày mất của cụ (25/5 âm lịch). Biết cụ có về không? Hay cụ vẫn còn mải mê xướng họa với người tiên nơi cõi bồng lai cực lạc”. (Thơ Tiên). Là hình ảnh của bác Vương Đình Trâm mới 5 – 7 tuổi đã háo hức chầu nghe trong hội thơ Tiên; là bác Vương Đình Liêm – người khởi xướng làm câu đối trong mừng thọ bảy mươi cho ông Hường, cụ đồ Nho cuối cùng của làng Đông Bích; là hình ảnh mẹ tôi, người y tá xóm, cũng được xuất hiện trong tập tản văn này. Đọc văn như được gặp người, biết ơn tác giả thật nhiều. Cuốn sách đã neo giữ những con người trong quá khứ với hiện tại và cả mãi mãi về sau như vậy đó.
Những trang tản văn với lối tự sự dung dị, đặc biệt nhiều câu văn giàu hình ảnh, thấm đẫm chất trữ tình đã cuốn hút độc giả. Tác giả cứ thủ thỉ, tâm tình mà đưa người đọc đến với biết bao điều thú vị, lắng sâu.Tác phẩm với những câu chuyện nhỏ nhưng dư ba còn mãi… Vương Long còn khéo léo gởi gắm những thông điệp nhẹ nhàng như làn gió mát lành đến độc giả. Qua tập tản văn, ta bắt gặp một Vương Long luôn đau đáu vì một làng quê đổi mới, hưng thịnh và mong mỏi gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của làng quê…
Còn rất nhiều điều hấp dẫn từ cuốn Chuyện làng Đông Bích và tôi. Tôi tin rằng đây là cuốn sách rất đáng để chúng ta, những người yêu mến văn chương cũng như những người con của làng, đón đọc. Hẳn bạn sẽ khám phá thêm nhiều điều thú vị!