Nguyễn Thị Ngọc Tâm (SN 1990, thôn Trại 4, xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) mắc căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Từ khi chào đời, cô đã phải chịu nhiều đau đớn do căn bệnh này gây ra. Tuy nhiên, Nguyễn Thị Ngọc Tâm đã truyền cảm hứng về một tấm gương kiên cường, vượt qua số phận với lớp học “5 không” nổi tiếng.
Kiên cường vượt qua số phận
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, Nguyễn Thị Ngọc Tâm chia sẻ, Tâm bị mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Từ khi mới chào đời, một chân bị quặt lên trên bụng. Sau nhiều lần chữa trị, chân duỗi thẳng được, nhưng vẫn không thể đi lại.
“Tuổi thơ em không được vẹn tròn/ Khi em ra đời đôi chân không duỗi thẳng/ Tuổi thơ em cay đắng, thiệt thòi/ Không được nhảy dây, hái hoa, bắt bướm/ Em đã vượt lên sự nghiệt ngã của cuộc đời/ Bằng chiếc xe mẹ đưa em đi học/ Học làm người thêm yêu cuộc sống/ Yêu hòa bình và căm ghét chiến tranh/ Yêu hơn cả là cuộc sống màu xanh/ Chỉ có nụ cười trong suốt tuổi thơ…”, Tâm kể lại câu chuyện của đời mình trong bài thơ tự bạch.
Căn bệnh xương thủy tinh đã khiến Tâm chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa. Hiểu khao khát muốn được đi lại của con, bố đã đóng chiếc xe tập đi bằng gỗ. Tâm cố gắng tập luyện, không biết bao lần bị ngã rạn xương, rồi phải tới bệnh viện bó bột, về nhà vẫn không bỏ cuộc. Cuối cùng, 9X cũng đành phải chấp nhận một sự thực, đó là không thể tự mình đi lại được, mà phải nhờ tới sự trợ giúp của người khác.
Nhưng có một khao khát không thể dập tắt được trong Tâm, đó là được đến trường, học chữ. Việc đến trường với bạn bè có thể giản đơn, nhưng với Tâm, đó là cả một sự nỗ lực lớn, không chỉ với bản thân mà cả gia đình. Thương con, bố mẹ cố hết sức để Tâm được đến trường như bạn bè. Quãng đường đến lớp không xa, nhưng mỗi chỗ xóc, xương của Tâm có thể bị gãy, gia đình phải chèn gối vào xe đạp để bảo vệ.
“Khi được đến lớp học tôi rất thích. Lúc đó, trong tâm hồn trẻ thơ, tôi ao ước trở thành cô giáo, giống như cô giáo dạy mình”, Tâm kể.
Học hết lớp 9, do đường đến trường mới xa hơn, sức khỏe lại yếu, việc học của Tâm phải dừng lại.
Lớp học “5 không” đặc biệt
Ước mơ làm cô giáo vẫn nguyên vẹn trong tâm hồn cô gái bé nhỏ ngồi xe lăn. Tuy nhiên, khi lớn lên, Tâm hiểu mình sẽ không thể trở thành cô giáo đứng trên bục giảng được. Đến năm 2014, Tâm quyết định kèm cho những học sinh đầu tiên, là những bạn ở gần nhà mình. Sau đó lớp học đông dần.
“Lớp học ‘Ngọc Tâm thủy tinh’ hay còn gọi lớp học ‘5 không’: Không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án và không học phí”, Tâm chia sẻ.
Trong căn phòng nhỏ hẹp, cô giáo bé nhỏ ngồi lọt thỏm giữa các học sinh cũng thật đặc biệt, gồm các em từ lớp 1 đến lớp 8 đến từ nhiều nơi các nhau với đa môn học, có khi đang dạy em này Toán, lại chuyển sang em kia học tiếng Việt.
Mỗi khi các em chạy về báo kết quả tốt trong các kỳ thi, với Tâm, đó là niềm hạnh phúc lớn lao. Trong số những em học tại lớp, có những em được vào các đội tuyển học sinh giỏi, thi đậu vào những trường đại học top đầu.
Đến thời điểm hiện tại, lớp học của “Cô giáo xương thủy tinh” đã đi được chặng đường 19 năm. Thế nhưng, Tâm chưa bao giờ nhận mình là cô giáo.
“Cô Tâm chỉ là một học sinh hết lớp 9, nhưng lại kèm được các em từ lớp 1 đến lớp 8. Tôi chưa bao giờ nhận là cô giáo, mà chỉ là người kèm thêm cho các bạn học sinh”, cô giáo 9X chia sẻ.
Không quan trọng mình sống bao lâu, mà sống sâu và ý nghĩa thế nào
Gặp Ngọc Tâm tại Lễ báo công, trao huy hiệu Bác Hồ cho 68 tấm gương điển hình tiêu biểu toàn quốc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Tâm chia sẻ niềm xúc động.
“Có thể nói là vinh dự rất lớn, niềm bất ngờ, tạo thêm động lực để cho mình nhìn lại. Tôi sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa, thêm trách nhiệm, không chỉ với bản thân mình mà với cả với cộng đồng, xã hội. Bác Hồ đã nói: ‘Không có việc gì khó / Chỉ sợ lòng không bền / Đào núi và lấp biển / Quyết chí ắt làm nên’. Dù chúng ta là bất kỳ ai, nhưng nếu có ý chí, nghị lực, sẽ đạt được điều mình mong muốn”, Tâm nói.
Nhiều năm qua, những điều cô gái này làm được thực sự đã truyền cảm hứng về một nghị lực, nỗ lực không ngừng, đem lại những giá trị cho bản thân Tâm, mà còn cho cộng đồng, xã hội.
Với phương châm sống “không quan trọng mình sống bao lâu, quan trọng mình sống sâu và ý nghĩa như thế nào”, Tâm đã tích cực tham gia các hoạt động của hội người khuyết tật và nhiều chương trình thiện nguyện khác.
Tâm sáng lập Quỹ Học bổng Ngọc Tâm Thủy Tinh, dành những phần thưởng, những món quà động viên các em nhỏ vùng quê nghèo sau khi kết thúc học kỳ, kết thúc năm học.
Với mong muốn đem đến tri thức cho các em học sinh và người yêu sách, Tâm đã xây dựng không gian đọc Ngọc Tâm Thủy Tinh với trên 1.000 đầu sách. Tâm cũng gửi tặng trường Tiểu học nơi mình đã học 200 cuốn sách tiếng Anh tham khảo và 100 sách tổng hợp.
“Mỗi cuốn sách mở ra / Một bầu trời kiến thức / Dạy ta Nhân Tâm Đức / Góp sức vì cộng đồng”, Tâm viết.
Hiện tại, Tâm là Ủy viên Ban thường vụ Hội Người Khuyết tật tỉnh Nam Định, đồng Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật tỉnh Nam Định. Với những nỗ lực, cố gắng của mình, Ngọc Tâm đã được trao tặng nhiều giải thưởng.
Tháng 1/2023, Tâm vinh dự nhận Giải thưởng Kova, hạng mục “Sống đẹp”. Năm 2022, cô lọt top 10 Gương mặt trẻ triển vọng 2022 lĩnh vực hoạt động xã hội; là một trong 5 nhân vật được vinh danh “Sống đẹp” do báo Thanh Niên tổ chức.
Năm 2021, Ngọc Tâm đạt danh hiệu Thanh niên tiêu biểu tỉnh Nam Định. Năm 2020, cô gái này được chọn là một trong 10 gương mặt tiêu biểu nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2020 do Trung ương Đoàn trao tặng; một trong 64 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu của chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt 2020”…