nguoinghe.vn
Dự án sân golf 18 lỗ Xuân Thành nhận được nhiều sự ưu ái đầu tư từ UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Tiến độ 19 tháng, 14 năm mới hoàn thiện

Dự án sân golf 18 lỗ Xuân Thành tại xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) có diện tích 637.419m2, nằm trong tổng thể dự án xây dựng sân golf 18 lỗ, khách sạn năm sao, nhà xưởng bảo trì và xây dựng, bến thuyền, khu vườn ươm. Dự án do Công ty CP golf Xuân Thành làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận đầu tư số lần đầu tiên ngày 2/8/2007. Theo các quyết định được phê duyệt, đến tháng 3/2009 dự án phải hoàn thiện và đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, dự án đã chậm tiến độ nhiều lần và sau hơn 14 năm kể từ ngày được chấp thuận đầu tư, dự án mới hoàn thiện sau 5 lần giãn tiến độ.

Theo đó, từ tháng 4/2012 đến tháng 4/2021, dự án này được Sở KH&ĐT Hà Tĩnh 5 lần cấp giấy chứng nhận thay đổi cho phép giãn tiến độ thực hiện dự án. Lần cuối cùng là đến ngày 19/5/2021 phải hoàn thiện, đưa vào hoạt động tất cả các hạng mục. Theo các chuyên gia kinh tế, việc tham mưu cho giãn tiến độ, gia hạn tiến độ đến 5 lần cho một dự án đầu tư là vượt quá thời hạn theo quy định tại khoản 3, Điều 46, Luật Đầu tư năm 2014.

Đến ngày 4/3/2021, hạng mục sân folf 18 lỗ mới được Sở văn hoá, thể thao và du lịch tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao môn golf. Các hạng mục còn lại, vào ngày 11/03/2021, chủ đầu tư tiếp tục có văn bản đề xuất điều chỉnh tiến độ thực hiện thêm 14 tháng với lý do bất khả kháng là ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và đề xuất này đã được chấp thuận.

Điều đáng nói, trong thời gian giãn tiến độ 5 lần, dự án sân folf 18 lỗ Xuân Thành đã được bàn giao đất trên thực địa cho nhà đầu tư thực hiện dự án quá thời hạn hơn 7 năm. Trong thời gian này, chủ đầu tư là Công ty CP golf Xuân Thành đang là doanh nghiệp “nợ xấu” khoản tiền do chậm tiến độ sử dụng đất theo quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, thông tin này đã không được Sở KH&ĐT Hà Tĩnh chuyển cho cơ quan thuế để truy thu. Giải trình về vấn đề này, lãnh đạo Sở KH&ĐT Hà Tĩnh cho rằng, qua rà soát pháp luật về đầu tư, không có quy định cụ thể yêu cầu Sở KH&ĐT phải chuyển thông tin về việc điều chỉnh dự án cho cơ quan thuế. Ngoài ra, việc xác định dự án chậm tiến độ sử dụng đất thuộc thẩm quyền của ngành tài nguyên môi trường, không thuộc thẩm quyền của Sở KH&ĐT.

Trong quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án sân golf 18 lỗ Xuân Thành, tỉnh Hà Tĩnh đã cho doanh nghiệp này được miễn tiền thuê đất 11 năm. Đây là một sự ưu ái quá lớn so với ưu đãi chung dành cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 7 quy định ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất được quy định tại giấy chứng nhận đầu tư ngày 02/8/2007 do UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp cho Công ty CP golf Xuân Thành thì dự án “được miễn 11 năm trên diện tích được thuê kể từ ngày xây dựng hoàn thành đưa dự án vào hoạt động”.

Theo tìm hiểu, việc Chính phủ quy định dự án được miễn thuế 11 năm (theo Nghị định số 142/2005/NĐ-CP) chỉ áp dụng đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và dự án thuộc danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Câu hỏi đặt ra là, huyện Nghi Xuân có thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hay không, và bộ môn golf liệu có thuộc danh mục khuyến khích đầu tư kahu không, thì không được ngành chức năng làm rõ để tham mưu để UBND tỉnh Hà Tĩnh áp dụng để miễn, giảm tiền thuê đất cho dự án.

Đối với dự án này, từ khi triển khai thực hiện đến nay, cơ quan chức năng cũng chưa từng tiến hành thanh tra, kiểm tra dù chậm tiến độ nhiều lần. Liên quan đến những “bất thường” trong quá trình đầu tư dự án, vừa qua Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra, làm rõ các nội dung phản ánh. Tại buổi làm việc với các sở, ngành liên quan vào ngày 25/1/2024, Ban Nội Chính tỉnh ủy Hà Tĩnh đã yêu cầu các đơn vị có văn bản báo cáo, giải trình cụ thể để từ đó có phương án xử lý.

Loạn sân golf ở tỉnh nghèo

Đến nay, ngoài sân golf Xuân Thành, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có 6 nhà đầu tư đề xuất xây dựng thêm 6 sân golf khác. Bao gồm: Dự án tổ hợp khu đô thị, du lịch và sân golf quốc tế Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà của Công ty CP GS Holding; dự án tổ hợp khu đô thị, du lịch và thể thao tại TP Hà Tĩnh của Công ty CP Crystal Bay; dự án tổ hợp khu đô thị, du lịch và sân golf tại thị trấn Thiên Cầm của Công ty CP Trường Thịnh Phát; dự án tổ hợp khu đô thị, du lịch và sân golf tại Cẩm Dương thuộc huyện Cẩm Xuyên của Công ty CP D&N Group; dự án khu đô thị, khu du lịch và sân golf Kỳ Nam tại Thị xã Kỳ Anh của Công ty CP Cá tầm Việt Nam và dự án khu thương mại, dịch vụ, du lịch và thể thao phía Tây Nam của huyện Thạch Hà do Công ty CP Phát triển bất động sản Silk Path làm chủ đầu tư. Ngoài ra, quy hoạch sân golf trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, có thêm 2 đề xuất xây dựng sân golf như sân golf tại các xã Thạch Văn, Thạch Trị và Thạch Hội thuộc huyện Thạch Hà của Công ty CP Tập đoàn Fuji và sân golf nằm trong vùng lòng hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang do UBND huyện Vũ Quang đề xuất.

Mặc dù được quy hoạch và đề xuất hàng loạt sân golf trên địa bàn, song đến nay ngoại trừ sân golf 18 lỗ Xuân Thành và sân tập golf của Công ty Eco Land tại phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) đã được đưa vào hoạt động, những dự án còn lại hiện đang nằm trên giấy. Trong đó, điển hình nhất là dự án tổ hợp khu đô thị, du lịch và sân golf quốc tế Thịnh Lộc, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư quốc tế Thịnh Lộc (thuộc Công ty cổ phần GS Holding) triển khai từ tháng 5/2021 nhưng đến nay, mới thực hiện thủ tục quy hoạch chi tiết 1/500, các hạng mục khác như đền bù GPMB, đánh giá tác động môi trường, chuyển mục đích sử dụng rừng, thủ tục cho thuê đất... vẫn chưa thực hiện. Theo đánh giá, đây là dự án có tiến độ nhanh nhất trong tất cả các dự án sân golf đã được quy hoạch trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Liên quan đến vấn đề này, báo cáo với Bộ KH&ĐT, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, các dự án đầu tư sân golf chậm triển khai thực hiện là do vướng mắc quy định trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư. Cụ thể, theo quy định thì dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf thuộc đối tượng phải chấp thuận chủ trương trước khi tổ chức thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc đấu giá quyền sử dụng đất và quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời là quyết định danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất. Tuy nhiên, hiện nay Luật Đất đai cũng chưa quy định rõ dự án sân golf có thuộc đối trường hợp nhà nước thu hồi đất hay không.

Ngoài ra, hiện nay quy định phải tách sân golf thành dự án độc lập trong các dự án tổ hợp du lịch, dịch vụ vui chơi, giải trí tổng hợp đã được bãi bỏ. Do đó, đối với các dự án tổ hợp du lịch dịch vụ trong đó có sân golf, thì việc chấp thuận chủ trương đầu tư để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định do dự án không thuộc đối tượng nhà nước thu hồi đất, không đảm bảo các điều kiện xác định dự án đầu tư có sử dụng đất để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.

Riêng đối với việc đến năm 2030 trên địa bàn sẽ có 7 sân golf được đầu tư xây xây dựng, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, phù hợp với tình hình thực tế cũng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.