000-1701142579.jpg
Ảnh mang tính minh họa

- Lấy vợ mười mấy năm rồi, con gái đã học lớp 5 mà vợ chồng cháu chưa bao giờ phải ra chợ mua gạo. Rau dưa, thịt cá thì cũng thỉnh thoảng mới phải mua. - Tôi hỏi: Thế ai mua cho? Quang cười: - Toàn bố mẹ vợ gửi từ trong Nghệ An ra cả.

Qua câu chuyện mới thấy lấy vợ xứ Nghệ kì lạ. Quang vào đó học nghề, quen rồi yêu Thanh. Hai bên yêu nhau tha thiết. Đều là mối tình đầu. Hỏi ý bố mẹ Thanh. Ông bà nói: Tùy hai con. Thế là cưới. Cưới khi chồng chưa có công ăn việc làm, còn vợ thì đang đi học chuyên nghiệp ở Hà Nội.

Hỏi Quang cưới vợ vất vả không? Quang cười: - Nhà con vào làm lễ ăn hỏi và xin cưới. Bố mẹ Thanh đồng ý luôn. Hỏi lễ vật lúc cưới, tục trong ta phải sắm sanh cái gì. Bà mẹ Thanh bảo: Nhà con sắm lễ vật thế nào cũng được. Gia đình không đòi gì cả. Thế là trăm quả cau, 5 cân nếp, 3 cân thịt, 5 lít rượu trắng, một cái nón mới thành lễ xin cưới. Chẳng có vòng vàng, nhẫn cưới, quần áo gì cả.

Nó y như yêu nhau thì xin phép cha mẹ dắt tay nhau về. Không phải cha mẹ Thanh không biết phong tục thách cưới. Nhưng mẹ Thanh nói nhỏ với anh: Con đang học nghề, không có tiền. Có đòi hỏi nhiều thì sau này vợ chồng con cũng còng lưng trả nợ thôi. Cha mẹ sắm đầy đủ đàng hoàng cho vợ con. Quần áo cưới, nhẫn vàng cho hai đứa, mâm cỗ,... ai hỏi đều nói nhà con mang vào cả.

Quang kể tiếp: - Người xứ Nghệ rất lạ. Con gái lấy chồng rồi thì còn thương và chăm con hơn khi đang ở với bố mẹ. Nhà có cái gì cũng gửi cho con gái. Vẫn nuôi con gái và con rể như con đẻ đang ở chung trong nhà. Con học nghề xong ra Hà Nội lái tắc xi. Vợ con học trung cấp cũng xin được việc trong cơ quan nhà nước. Hai đứa thuê nhà ở trọ.

Biết các con khó khăn, ông bà ngoại cứ gửi gạo, thức ăn ra đều đều. Cả tháng vợ chẳng phải đi chợ. Rồi vợ đẻ, ông bà ra đón cả mẹ con về nuôi 6 tháng luôn. Hết thời hạn nghỉ sinh, bà ngoại ra bế cháu cho đến khi cháu hai tuổi đi học mẫu giáo. Bà ngoại ra ở đây, ông ngoại và các cô em của vợ lại thay bà ngoại gửi gạo, rau, thịt cá ra.

- Thế bà nội, bà có xuống bế cháu không?

Quang nói: - Không, mẹ con chỉ xuống thăm cháu một ngày rồi về. Cũng chả cho gạo thóc gi. Ngoài Bắc con khác. Gả con gái lấy chồng là bố mẹ hết việc. Gả bán mà. Khi gả con gái thì thách cưới rùng rợn. Như là bán con gái. Con lấy chồng rồi sướng khổ bố mẹ đẻ không quan tâm. Con trai lấy vợ cũng thế. Lấy vợ xong liệu mà lo làm ăn. Bố mẹ không giúp. Cần lắm thì cho vay. Vay thì đến ngày tháng là phải trả cả vốn lẫn lãi. Chuyện gửi gạo thịt cho con gái đã lấy chồng không bao giờ xảy ra. Như quê con, hoa quả, rau màu nhiều nhưng chưa bao giờ người nhà gửi cho con cân hoa quả hay ít bó rau. Cặp vợ chồng nào phải nhờ mẹ vợ đến bồng cháu thì hàng tháng cũng phải tính mà trả tiền công cho bà.

Tôi giải thích: Xứ Nghệ Tĩnh quê bác, con trai, con gái, con dâu, con rể đều được ông bà, cha mẹ yêu quí như nhau. Họ thương con cháu vì cuộc sống ngày nay vất vả, áp lực cao. Hơn nữa họ sợ ngày nay rau dưa, thịt cá đều nhiễm hóa chất, ăn không an toàn.

Rồi xe chạy đến chợ Quỳnh Bá. Quang vào chợ gặp mẹ và cô em gái vợ. Lại một đùm 4 cân thịt bò loại một vừa mới mổ xong, mấy cân cá biển, xu hào, cải bắp, ngô non,... tất cả cho vào cốp xe. Xe chuyển bánh, bà chị gái của bố còn chạy theo mang ra mấy gói to xu hào, cải bắp, ngô non, một nải chuối chín, nói gửi cho cháu. Cô em gái thì cầm mấy triệu dí vào tay anh nói nhỏ: Em gửi cho chị Thanh và cháu ăn quà sáng.

Lên xe, Quang cười: - Vợ con và mấy cô em gái thương yêu và thân mật với nhau lắm, ngày nào cũng buôn chuyện qua zalo. Thỉnh thoảng các em lại gửi cho chị vài triệu nói là quà cho cháu. Tất nhiên chúng cháu nghĩ phải sống làm sao khỏi phụ ông bà, họ hàng. Tôi nghĩ: Đây có phải nét đẹp người xứ Nghệ mình không nhỉ?