Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Văn Định – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An về tình trạng các công dân bỏ trốn từ các vùng dịch trở về cũng như tình hình phòng, chống dịch Covid-19 của Nghệ An hiện nay.
P.V: Trước tiên, xin ông cho biết sơ bộ về tình hình phòng, chống Covid-19 trên địa bàn Nghệ An thời gian qua?
Tiến sỹ Nguyễn Văn Định: Thời gian qua, Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt trong suốt quá trình xuất hiện dịch Covid-19 ở Việt Nam. Tính đến ngày 14/8, Nghệ An đang cách ly gần 4.000 người để phòng dịch. Trong số này có khoảng 700 người cách ly tập trung tại tuyến tỉnh và cách ly điều trị tại các cơ sở y tế. Gần 600 người cách ly tập trung ở tuyến huyện. Số còn lại được cách ly tại nhà. Tính đến nay, CDC Nghệ An đã lấy mẫu xét nghiệm gần 20.000 trường hợp, tất cả đều có kết quả âm tính với Covid-19.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Định: Ảnh: Tiến Hùng
P.V: Từ khi dịch tái bùng phát tại Đà Nẵng sau 99 ngày Việt Nam không có ca nhiễm cộng đồng, lượng người từ các tỉnh, thành đổ về quê Nghệ An rất nhiều. Vậy, đơn vị đã có những động thái gì trước tình trạng này?
Tiến sỹ Nguyễn Văn Định: Ngay sau khi dịch tái bùng phát ở Đà Nẵng rồi Quảng Nam và một số địa phương khác, chúng tôi đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của tỉnh, Sở Y tế ban hành nhiều văn bản phục vụ cho công tác giám sát người dân từ Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh có dịch về địa bàn Nghệ An để triển khai cách ly, theo dõi sức khỏe, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm.
Đồng thời, chúng tôi cũng tham mưu Sở Y tế hướng dẫn các bệnh viện trong và ngoài công lập tăng cường công tác chủ động trong vấn đề phát hiện, phân loại, sàng lọc các bệnh nhân nghi ngờ nhiễm bệnh để xử lý kịp thời. Tránh sự lây nhiễm chéo giữa bệnh nhân trong các bệnh viện.
Một công nhân quê Nghệ An phải nhờ đến sự hỗ trợ từ cộng đồng trong những ngày thất nghiệp vì dịch ở Đà Nẵng. Ảnh: K.H
P.V: Theo thông tin mà chúng tôi có được, gần đây có một lượng người không nhỏ bỏ trốn giãn cách xã hội từ các địa phương có dịch trở về. CDC Nghệ An đã nắm được thông tin này chưa, thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Văn Định: Đúng là có một bộ phận trốn về địa bàn, không chịu khai báo y tế. Nhờ người dân sống cạnh đó phát hiện nên trình báo, chính quyền địa phương mới nắm được để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Chỉ tính riêng từ thành phố Đà Nẵng, theo báo cáo từ các huyện, thành, thị gửi về, trong vòng khoảng nửa tháng kể từ khi thành phố này bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, đã có khoảng 1.600 người bỏ trốn về quê Nghệ An, vi phạm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Những người này đi về thường là đi xe cá nhân, xe nhỏ 5 - 7 chỗ hoặc xe tải nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Qua lời kể của một số người thì họ thường đi bộ qua đường tránh Đà Nẵng, tập kết ở một điểm an toàn rồi liên hệ người thân ở Nghệ An đánh xe vào đón.
Có nhiều trường hợp thậm chí “lách” bằng cách sau khi rời Đà Nẵng, dọc đường ghé một địa phương khác chơi vài ngày rồi mới về Nghệ An. Khi về tới quê khai báo không phải về từ Đà Nẵng mà ở tỉnh khác không có dịch về. Có một số trường hợp khi bị phát hiện thì chống đối, không chịu đi cách ly.
Đối với những người này, sau khi nhận được thông tin, chúng tôi sẽ cử các đội phản ứng nhanh phối hợp địa phương điều tra, xác minh, đưa đi cách ly tập trung theo quy định. Đồng thời, chúng tôi cũng lấy mẫu xét nghiệm tất cả những người này. Nếu cách ly đủ 14 ngày và cho kết quả âm tính với Covid-19, đồng thời sức khỏe ổn định, không có các triệu chứng của dịch mới trả về cộng đồng.
P.V: Những công dân bỏ trốn từ các vùng dịch trở về sẽ gây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng rất cao nếu không được phát hiện kịp thời. Vậy, Nghệ An có những biện pháp gì để kiểm soát vấn đề này?
Tiến sỹ Nguyễn Văn Định: Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Nghệ An đã có nhiều văn bản yêu cầu Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã rà soát liên tục người ra, vào địa bàn. Nếu như phát hiện trường hợp nào người từ nơi khác về thì phải lập tức điều tra, xác minh, từ đó phân loại công dân.
Đà Nẵng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0h ngày 28/7 với chỉ đạo "gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, thôn cách ly với thôn",..
Người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.
TP Đà Nẵng lập nhiều chốt, kiểm soát người ra vào. Các phương tiện vận tải hành khách đi qua thành phố này không được dừng đón, trả khách.
Ngoài ra, Thừa Thiên - Huế cũng lập chốt kiểm soát ngay dưới chân đèo Hải Vân để kiểm soát người từ Đà Nẵng ra.
Tuy nhiên, qua đây chúng tôi cũng xin đề nghị các cấp chính quyền địa phương cần có biện pháp xử phạt với những trường hợp bỏ trốn này, vì họ đã vi phạm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Phải xử lý để vừa mang tính răn đe, giáo dục, nhưng cũng đồng thời giúp công tác phòng, chống dịch hiệu quả. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị chính quyền địa phương cần tăng cường giám sát, nắm chắc địa bàn để phát hiện sớm nhất những trường hợp bỏ trốn từ vùng dịch về, để đưa đi cách ly kịp thời, tránh nguy cơ rủi ro với cộng đồng.
Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân cần phải chấp hành tốt các quy định của Chính phủ. Cần chủ động khai báo y tế, thực hiện các biện pháp phòng dịch mà Bộ Y tế đã hướng dẫn như đeo khẩu trang. Không đưa những thông tin không đúng sự thật lên mạng xã hội làm hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
P.V: Để phòng, chống dịch hiệu quả, công tác truy vết người tiếp xúc một cách kịp thời được coi là rất quan trọng? Vậy công tác này được CDC Nghệ An tiến hành như thế nào, thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Văn Định: Về công tác truy vết, hiện nay chúng tôi triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nắm thông tin từ rất nhiều nguồn, từ Ban Chỉ đạo Quốc gia, rồi phối hợp giữa các tỉnh. Chúng tôi có nhiều kênh thông tin, qua zalo, qua các trang nội bộ và kết nối liên tục với các tỉnh khác. Khi có các trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19, lập tức các tỉnh có thông báo. Nhận được thông tin, chỉ trong vòng vài phút, chúng tôi sẽ lên đường ngay. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được nhiều thông tin phản ánh thông qua đường dây nóng, thông qua facebook cá nhân của các cán bộ trong đơn vị.
Tuy nhiên, quá trình truy vết cũng gặp không ít khó khăn. Do bệnh nhân đều ở các tỉnh khác, khi phát hiện bệnh đã đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, trong khi thông tin lại ít ỏi nên rất khó truy vết. Nhiều trường hợp phải nói như “mò kim đáy bể”, khi chúng tôi tiếp nhận không hề có tên tuổi, địa chỉ cụ thể.
CDC Nghệ An trắng đêm lấy mẫu xét nghiệm các F1 trên địa bàn. Ảnh: Tiến Hùng
Ví dụ như trường hợp các hành khách người Nghệ An đi cùng chuyến xe với “bệnh nhân 620”. Chuyến xe này từ Đà Nẵng ra Hà Nội, trong đó có 1 hành khách về tới quê ở Hà Nam thì phát hiện dương tính. Thông tin ban đầu chúng tôi nhận được chỉ là trên chuyến xe này có hành khách xuống ở Nghệ An, nhưng không hề có thông tin gì thêm.
Chúng tôi lập tức gửi thông báo tới các ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã để rà soát xem trong ngày đó có người nào nghi ngờ không. Sau khi thông tin rộng rãi tìm người trên chuyến xe này, chúng tôi nhận được điện thoại của người dân báo rồi cử đội phản ứng nhanh đi rà soát, đưa đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định. Nhưng cũng có những trường hợp, vì thông tin quá mờ nhạt nên phải mất 2 ngày chúng tôi mới có thể tìm ra được để đưa đi cách ly.
P.V: Hiện tại, công suất xét nghiệm Covid-19 của Nghệ An là bao nhiêu và đơn vị ưu tiên lấy mẫu đối với những trường hợp nào, thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Văn Định: Công tác lấy mẫu xét nghiệm được chúng tôi tiến hành suốt 24/24h, chia thành các ca trực. Mỗi ngày xét nghiệm được 500 - 600 mẫu. Chúng tôi tập trung lấy mẫu xét nghiệm những nhóm có nguy cơ cao. Đầu tiên là những người bỏ trốn từ Đà Nẵng trở về sau khi thành phố này giãn cách xã hội. Sau khi phát hiện, họ sẽ được lấy mẫu ngay, đồng thời đưa đi cách ly tập trung theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tỉnh.
Ngoài ra, còn có những công dân thuộc nhóm về từ Đà Nẵng và địa phương có dịch khác từ trước khi giãn cách xã hội, nhưng có các triệu chứng của bệnh. Và nhóm ưu tiên nữa đó là các trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh, và F2 của họ.
P.V: Ông nhận định thế nào về diễn biến dịch Covid-19 trong thời gian tới?
Tiến sỹ Nguyễn Văn Định: Dịch bệnh thời gian tới sẽ còn rất phức tạp cả trong nước lẫn thế giới. Riêng Nghệ An đã xác định luôn sẵn sàng chuẩn bị tất cả phương án, từ vấn đề rà soát công dân về địa bàn cho đến việc cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Chúng tôi đã có kịch bản cho trường hợp xấu nhất là có ca dương tính trên địa bàn, để có phương án điều trị bệnh nhân hiệu quả, và không để lây lan dịch ra bên ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, để phòng dịch hiệu quả nhất, không chỉ cần nỗ lực của cơ quan y tế, mà cần cả ý thức chấp hành của cả cộng đồng.
P.V: Xin cảm ơn ông!