Việc làm và năng suất lao động
Việc làm là một trong những nhu cầu cơ bản của con người để có thể đảm bảo cuộc sống và sự phát triển toàn diện. Theo số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số và việc làm năm 2019, số dân nước ta năm đó là 96.208.984 người (theo Liên hợp quốc, đến tháng 8/2022, dân số nước ta đã là 99.066.469 người), trong đó số dân sống ở nông thôn chiếm 65,6% . Đến những năm 2021-2022, số dân sống ở nông thôn tuy có giảm, song vẫn còn chiếm tới 62,9% tổng dân số cả nước. Như vậy, việc làm cho khu vực nông thôn là rất cấp bách.
Về lý luận, thị trường lao động bền vững gồm sáu yếu tố: (i) Cơ hội người lao động có việc làm; (ii) Điều kiện làm việc; (iii) Năng suất lao động; (iv) Bình đẳng; (v) An toàn tại nơi làm việc; (vi) Thu nhập thỏa đáng và bảo đảm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong bài viết này, chỉ xin đề cập hai nhóm vấn đề cần được quan tâm: Một là giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; Hai là nâng cao chất lượng nguồn lao động, cũng tức là nâng cao năng suất lao động.
1.Tình trạng thiếu việc làm trong khu vực nông thôn có thể do nhiều nguyên nhân. (i) Phần lớn nông dân nước ta lâu nay chỉ quen nghề nông, không có hoặc có rất ít sự hiểu biết về các ngành nghề phi nông nghiệp; Trong khi đó, vùng đồng bằng, trung du hầu hết đều ở vào tình trạng “đất chật, người đông”, diện tích đất canh tác tính theo đầu người rất thấp; dẫn tình trạng lao động nông thôn không đủ việc làm; thời kỳ “nông nhàn” trong năm rất dài. (ii) Tác động của quá trình công nghiệp hóa: một mặt tạo ra thêm những việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp, nhưng mặt khác, do yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, cho nên lao động nông thôn không qua đào tạo càng khó tìm kiếm được việc làm.
Rõ ràng là tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm trong lao động nông thôn dã trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội cần được giải quyết kịp thời, tránh gây ra mất ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn đang chiếm tới gần 70% dân số cả nước này.
2. Tiếp theo, xin dề cập vấn đề năng suất lao động, bởi vì giải quyết việc làm không chỉ là tìm được việc làm cho người lao động, mà còn cần xem việc đó làm ra bao nhiêu của cải cho xã hội, cũng tức là chất lượng lao động và năng suất lao động. Trong bối cảnh hội nhập sâu sắc, lao động di chuyển tự do, cách mạng 4.0 với những tác động nhanh, nhạy của thế giới ngày nay, nguồn nhân lực có chất lượng cao đang trở thành sự đòi hỏi gay gắt của cả xã hội, của mọi ngành, của các doanh nghiệp.
Đối với nước ta, trải qua những năm đổi mới đến nay, tuy nền kinh tế đã đạt được những thành tựu quan trọng, song nhìn chung, việc chuyển dịch cơ cấu lao động có nhiều khó khăn. Lao động nông thôn đông, nhưng so với thành thị thì còn kém về học vấn, trình độ tiếp thu khoa học kỹ thuật, v.v...Đó chính là một nguyên nhân chủ yếu làm cho năng suất lao động nước ta còn quá thấp. Điều này rất quan trọng, vì năng suất lao động là năng lực sản xuất của lao động, được tính bằng số lượng sản phẩm được người lao động sản xuất ra trong một đơn vị thời gian, phản ánh năng lực tạo ra của cải của người lao động. Năng suất lao động là chỉ tiêu quan trọng nhất thể hiện tính chất và trình độ tiến bộ của một tổ chức, một đơn vị sản xuất hay của một phương thức lao động, một xã hội, là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo ước tính của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), năng năng suất lao động bình quân của Việt Nam năm 2019 mới đạt mức 117,94 triệu đồng, tương đương khoảng 5.081 USD/lao động, thấp hơn 26 lần so với Singapore, 7 lần so với Malaysia, 4 lần so với Tung Quốc, 2 lần so với Philippines, 3 lần so với Thái Lan. Báo cáo năm 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cũng cho thấy, năng suất lao động Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.
Từ kinh nghiệm của các nước, có thể thấy rõ để tăng năng suất lao động, cần thực hiện hàng loạt giải pháp như: (i) Đẩy mạnh cải cách thể chế theo hướng hiện đại; Xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, Chính phủ xanh, Chính phủ số; (ii) Gia tăng quy mô nền kinh tế (quy mô GDP), duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, gia tăng những ngành/lĩnh vực có giá trị gia tăng cao (công nghiệp và dịch vụ); (iii) Tạo ra nhiều việc làm và đảm bảo toàn dụng lao động; Đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP; (iv) Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp minh bạch, thuận lợi...
Mở rộng cánh cửa việc làm
Theo điều tra của Bộ NN&PTNT, năm 2020, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động ở khu vực nông thôn bình quân là 2,94% (cả nước là 2,52%). Ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thì tỷ lệ này còn cao hơn bình quân chung (có thể lên đến 20% hoặc cao hơn). Trong khi đó, hằng năm cả nước vẫn có khoảng 1,0-1,5 triệu người bổ sung vào lực lượng lao động mà chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn. Cùng với tốc độ đô thị hóa cao, bình quân diện tích sản xuất nông nghiệp tính theo đầu người thấp dần, tạo ra áp lực về việc làm ngày càng nặng nề, dẫn đến nhiều lao động nông thôn phải di chuyển ra thành phố và các khu công nghiệp hoặc ra nước ngoài kiếm việc làm, tạo ra những khó khăn nhất định cho quản lý xã hội. Trước tình hình đó, rất cần tạo việc làm cho lao động nông thôn ngay trong khu vực nông thôn, giúp cho người nông dân có thể có việc làm, có thu nhập, làm giàu ngay trên quê hương mình.
Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao: theo tiêu chí của Liên hợp quốc, GDP bình quân đầu người phải đạt trên 12.535 USD/năm, trong khi đó năm 2020, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 2.779 USD, vẫn là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp (theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 27/8/222). Như vậy, phải đẩy mạnh hơn nữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà một nội dung chủ yếu là thực hiện sự chuyển dịch cơ cấu lao dộng xã hội. Ở các nước phát triển, tỷ lệ dân số làm nông nghiệp chỉ là 5-7% trong tổng dân số, thậm chí chỉ là 3-5%; trong khi đó, tỷ lệ này ở nước ta năm 2020 còn chiếm tới 34,78% (công nghiệp và xây dựng chiếm 32,65%; Thương mại và dịch vụ chiếm 32,57%). Vì vậy, phải chuyển dịch mạnh hơn nữa lực lượng lao động ra khỏi nông nghiệp, tạo nhiều việc làm phi nông nghiệp cho họ, đồng thời cũng nhằm góp phần tăng năng suất lao động của nước ta.
Hiện nay, hệ thống công nghiệp nông thôn đang bao gồm các ngành nghề như: (i) Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; (ii) Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; (iii) Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; (iv) Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; (v) Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh...
Hệ thống doanh nghiệp đó đang phát triển với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; Với tinh thần xuyên suốt là một tổng thể gắn bó, liên kết, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh bình đẳng, tạo nên năng lực cạnh tranh của đất nước. Mục tiêu đề ra là có 1,3 - 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, trong đó có 15 - 20 doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa đạt trên 1 tỷ USD. Với khoảng 810.000 doanh nghiệp tính đến năm 2020, để đạt mục tiêu trên, tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp trong 5 năm tới phải đạt 12 - 14%/năm, tính ra mỗi năm sẽ có thêm 100.000 - 150.000 doanh nghiệp. Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP hiện nay khoảng 55%; Đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP phải đạt 60 - 65%; Cùng với 810.000 doanh nghiệp, còn có khoảng 5,4 triệu hộ kinh doanh, mà theo quan điểm của thế giới "bất cứ cá nhân nào có hoạt động đầu tư, kinh doanh có mục đích tìm kiếm lợi nhuận đều được coi là doanh nghiệp” thì trong số này, đã có khá nhiều doanh nghiệp. Hơn nữa, theo các số liệu thống kê, hơn 800.000 DN chỉ đóng góp 10% GDP, trong khi khu vực hộ kinh doanh đóng góp tới 30% GDP. Như vậy, tiềm năng phát triển doanh nghiệp, thu hút lao động còn rất lớn.
Trong thời gian tới, để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo diều kiện cho phát triển doanh nghiệp, cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà cộng đồng doanh nghiệp thường gặp, tập trung vào cải cách hành chính: Tiếp tục cải tiến thủ tục thuế, hải quan, tiếp cận đất đai, thanh tra, kiểm tra, môi trường... Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch hoạt động công vụ; Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ; phát triển các tổ chức và thiết chế hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ...
Xuất khẩu lao động được xem là một giải pháp tích cực trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho khu vực nông thôn. Đến nay, cả nước có hơn 600.000 lao động đang làm việc tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, mỗi năm chuyển về gần 4 tỷ USD. Thế nhưng, vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ, đó là: Chất lượng lao động đi làm việc; Bài toán sinh kế sau khi họ về nước; Tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp. Thời gian tới, cần chấm dứt việc đưa lao động phổ thông đi làm ở nước ngoài, chỉ đưa đi số lao động tay nghề cao có thể tiếp cận khoa học kỹ thuật, kỹ năng quản lý để sau này trở về phục vụ đất nước. Điều này cũng rất phù hợp khi cuộc đua thu hút lao động có tay nghề cao ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Á - Thái Bình Dương đang nóng lên trong bối cảnh khu vực đang phải đối mặt với tình cảnh thiếu lao động, dân số già và cạnh tranh toàn cầu gia tăng. Công tác quản lý Nhà nước cần được tăng cường, khắc phục những tiêu cực như tệ nạn lừa đảo, buôn người, “việc nhẹ, lương cao”, đi chui, gây ra những thảm cảnh đau lòng đã xảy ra lâu nay.
Đóng góp của Làng nghề
Có thể khẳng định rằng ngành nghề thủ công trong làng nghề chúng ta rất phong phú; tiềm năng giải quyết việc làm còn rất rộng rãi. Thực tế cho thấy làng nghề có thể đóng góp vào toàn bộ quá trình tạo việc làm cho lao động nông thôn, thực hiện cuộc chuyển dịch cơ cấu lao động và góp phần tăng năng suất lao động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta.
Xin được nhấn mạnh thêm rằng, trên thế giới, trong quá trình công nghiệp hóa, các nước đều rất coi trọng khu vực nông thôn. Đó là vì khu vực này thường chiếm một diện tích và số dân đáng kể của mỗi quốc gia, đồng thời là cái nôi về văn hóa và kinh tế của mỗi đất nước, nhưng lại thường là khu vực tập trung những người nghèo khổ nhất. Công cuộc công nghiệp. phát triển đô thị đang kéo theo sự phân hóa giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, cũng đồng thời làm lu mờ bản sắc văn hóa, lối sống của cộng đồng dân cư nông thôn và của cả quốc gia. Chính vì vây, nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia đều đã quan tâm phát triển khu vực nông thôn, xây dựng những chương trình, kế hoạch như “Mỗi làng một sản phẩm” mà trọng tâm là phát triển các nghề phi nông nghiệp, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Đối với nước ta, nông thôn đã thể hiện rất rõ vai trò “bệ đỡ” cho nền kinh tế; Mỗi khi có biến động, như tác động của đại dịch Covid-19 vừa qua, nông thôn là nơi tiếp nhận và thu xếp việc làm cho số lao động các đô thị mất việc trở về; kết quả rất khả quan.
Cho đến năm 2020, theo Bộ NN&PTNT, làng nghề nước ta có 216.357 cơ sở sản xuất, kinh doanh (tăng 1,45 lần so với năm 2011) thu hút trên 672.000 lao động, bao gồm 2.141 doanh nghiệp, 715 hợp tác xã, 712 tổ hợp tác và trên 212.700 hộ gia đình. Khả năng giải quyết việc làm trong làng nghề đang còn rất lớn. Dưới đây, xin đề cập một số công việc cụ thể mà làng nghề chúng ta có thể thực hiện, góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Theo các nhà nghiên cứu, làng nghề nước ta gồm những ngành nghề rất phong phú, chủ yếu là: (i) Các ngành nghề sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, như gốm sứ mỹ nghệ, sơn mài, thêu, ren, thảm; khảm, chạm khắc gỗ, chạm khắc đá, chạm mạ vàng bạc; dệt tơ tằm, thổ cẩm; mây tre đan... (ii) Các ngành nghề sản xuất công cụ sản xuất, như: Rèn sắt, làm cày bừa, nông cụ, đóng thuyền... (iii) Các ngành nghề sản xuất các mặt hàng phục vụ tiêu dùng thông thường như: dệt chiếu, làm nón, đan mành, rổ rá, sọt, bồ, bện thừng, chạo, dệt vải, may mặc... (iv) Các ngành nghề phục vụ cho sản xuất và đời sống, như nề, mộc, hàn, đúc đồng, gang, sản xuất vật liệu xây dựng,... (v) Các ngành nghề chế biến lương thực, thực phẩm, như xay xát, làm bún bánh, đường, mật, làm tương, đậu phụ, nấu rượu, chế biến hải sản các loại.
Xin nhấn mạnh thêm về mặt hàng thủ công mỹ nghệ là nhóm sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỷ suất lợi nhuận cao. Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với ngành khai thác; giải quyết việc làm từ 3 - 5 nghìn lao động. Hiện nay, mặt hàng này xuất khẩu khoảng 2,2 tỷ USD/năm và thuộc nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam, trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất chiếm 35% tổng kim ngạch. Mục tiêu đề ra về kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ năm 2025 là 4 tỷ USD, năm 2030 là 6 tỷ USD.
Dưới đây, xin kiến nghị một số công việc cần được các làng nghề triển khai ở các địa phương, đáp ứng nhu cầu tạo việc làm đồng thời tăng năng suất lao động cho lao động nông thôn trong giai đoạn hiện nay.
Một là, tích cực tham gia tạo nghề, “cấy” nghề ở các địa phương chưa có nghề, qua đó, phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làng nghề hết sức phong phú như đã nói trên. Đương nhiên, việc xác định ngành nghề cụ thể phải dựa trên nhu cầu của thị trường trong nước và ngoài nước, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế về truyền thống, phong tục, tập quán, trình độ, kiến thức của người lao động mỗi địa phương;
Hai là, mở rộng các hình thức đào tạo nghề cho những lao động chưa có nghề, như: Tập huấn, tổ chức các lớp dạy nghề tại tại trường của địa phương hoặc tại các lớp do làng nghề tổ chức, do các nghệ nhân hướng dẫn..., thông qua các hình thức du nhập, học tập, phổ biến, nhân rộng từ các mô hình, làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả. Phương thức đào tạo cần thiết thực, hiệu quả, có thể miễn phí hoặc trợ giúp phí đào tạo.
Ba là, giúp người lao động đã có nghề vào làm việc tại các cơ sở hiện có hoặc khởi nghiệp, lập cơ sở mới. Số cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp hiện còn quá ít, vừa về số lượng vừa về ngành nghề, vì vậy, tạo điều kiện cho người lao động khởi nghiệp là rất cần thiết, có thể từ quy mô hộ kinh doanh tiến lên doanh nghiệp. Có thể tổ chức các “vườn ươm” theo từng ngành nghề để hướng dẫn người lao động các bước thực hành trước khi chính thức khởi nghiệp. Điều quan trọng là khơi dậy sức sáng tạo của người lao động, khuyến khích, động viên họ bồi dưỡng thêm kiến thức và tạo điều kiện cho họ thử nghiệm, tạo thêm mẫu mã mới, sản phẩm mới.
Làm được như vậy, làng nghề có thể giúp người lao động chưa có nghề được đào tạo thành người có nghề cũng như người đã có nghề đều có thể vào làm việc tại các cơ sở làng nghề có sẵn hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới theo đúng chủ trương làm giàu ngay tại quê hương, không phải “tha phương cầu thực”, vừa bảo đảm thu nhập và đời sống của bản thân và gia đình, vừa góp phần xây dựng quê hương. Từ đó, quy mô làng nghề hiện có sẽ được mở rộng, làng nghề mới sẽ dần hình thành, mà quan trọng hơn, đó là tiếp tục phát huy tinh hoa văn hóa nghề thủ công trong xã hội ta.
Theo Vũ Quốc Tuấn - tamnhin.trithuccuocsong.vn