Có nhiều phương án có thể ngăn ngừa được tình trạng này, nếu có sự quan tâm đúng mực từ phía gia đình, nhà trường và bạn bè, để mỗi bạn trẻ nhận ra giá trị đích thực của riêng mình, thay vì tìm cách kết thúc sự sống một cách phí hoài.

Hồi chuông cảnh tỉnh từ vụ nữ sinh lớp 10 quyên sinh

Trong những ngày vừa qua, dư luận cả nước nói chung, ngành giáo dục nói riêng “dậy sóng” trước sự việc em Nguyễn Thị Y.N (17 tuổi), trú tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, đang là học sinh lớp 10A5 trường THPT Chuyên Đại học Vinh, tự tử tại nhà riêng.

g-1682315784.jpg
Trường THPT Chuyên Đại học Vinh - nơi nữ sinh Y.N theo học trước khi tự tử.

Sự việc xảy ra, một tài khoản Facebook tự nhận là người thân của cháu Y.N, đăng tải với nội dung cho biết, Y.N là “đứa trẻ mạnh mẽ, ngoan ngoãn, xinh đẹp nhưng lại bị tổn thương bởi xã hội và chính xác là bạo lực học đường". Thông tin cho biết, mặc dù có học lực giỏi, được nhận học bổng nhưng thời gian gần đây, Y.N bỗng dưng bỏ học, nói với mẹ "con sợ đi học, sợ đến trường" vì bị đánh, bị ngược đãi và bị áp đảo tâm lý? Nhiều lần xin chuyển lớp nhưng chưa được đáp ứng, người mẹ của nữ sinh này đã cố gắng đón đưa con đi học để tránh con bị bắt nạt, động viên con hàng ngày nhưng bất ngờ vào tối ngày 15/4, khi bố mẹ vắng nhà, nữ sinh N. đã dại dột quyên sinh.

Sự việc xảy ra, phía gia đình và nhà trường cũng đã có những thông tin ban đầu. Theo chị Phạm Thị T.V, mẹ của nữ sinh Y.N thì, thông qua tâm sự của con gái, chị được biết trong lớp 10A5 có một số nữ sinh khác cũng bị cô lập, bạo lực học đường dưới nhiều hình thức khác nhau. Chị đã phản ánh đến giáo viên chủ nhiệm, trực tiếp gặp hiệu trưởng để xin chuyển lớp cho con, nhưng không được đáp ứng. Nhiều lần, con gái nhắn tin cho biết, bị nhóm bạn trong lớp chặn đánh, tan học không dám ra về buộc chị này phải đến tận trường để đón.

Trong khi đó, theo thầy Phan Xuân Chung – Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Đại học Vinh thì, hồi đầu học kỳ 1 em Nguyễn Thị Y.N có trực tiếp đến gặp thầy xin chuyển lớp nhưng không nói rõ lý do là do bị cô lập, bạo hành học đường mà chỉ nói lý do là quen giáo viên lớp bên cạnh. Vì liên quan đến chuyên môn, sự phân hóa giữa các lớp nên thầy Chung đã từ chối cho em N. chuyển lớp.

gg-1682315817.PNG
Đoạn chat của nữ sinh Y.N với người thân biểu hiện sự bất lực, cô đơn trước thời điểm sự việc xảy ra.

Theo cô giáo Đặng Việt Hà – giáo viên chủ nhiệm lớp 10A5 thì nữ sinh N. từng nhắn tin hỏi cô về mẫu đơn xin chuyển lớp, nhưng không nói rõ lý do. Lớp do cô Hà chủ nhiệm có 27 học sinh, trong đó nữ sinh Y.N được đánh giá là ngoan, học giỏi nhưng gần đây vắng học nhiều, cô Hà đã trao đổi lại với phụ huynh để chấn chỉnh, động viên thì được biết, nhiều lần chính em N. đã tự lấy máy điện thoại của mẹ để nhắn tin cho cô giáo. Về việc có hay không chuyện em N. bị bạo hành học đường, bị cô lập dẫn đến tìm đến cái chết, thông tin từ giáo viên chủ nhiệm cho rằng, em N. trước đây có chơi với một nhóm trong lớp, nhưng từ sau dịp 20/11/2022 thì không chơi nữa. Nắm bắt thông tin, cho Hà chỉ biết là do không hợp nhau, còn việc các bạn có lập nhóm kín, chia bè hội để đả kích, tẩy chay em N. như thông tin phản ánh, cô Hà cũng không nắm được.

Liên quan đến sự việc này, để phục vụ cho công tác điều tra, xác minh làm rõ nguồn cơn nữ sinh Nguyễn Thị Y.N tự tử, ngày 19/4, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh Nguyễn Huy Bằng đã kí quyết định tạm đình chỉ công tác giáo viên chủ nhiệm lớp 10A15 đối với cô giáo Đặng Việt Hà để phối hợp làm việc với cơ quan công an.

Trước đó, Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên - Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đã chỉ đạo, yêu cầu trường THPT chuyên Đại học Vinh và các đơn vị liên quan, sớm điều tra, làm rõ sự việc. Đồng thời, đề nghị nhà trường kịp thời quan tâm, động viên, ổn định tinh thần học tập của học sinh, tránh những diễn biến tiêu cực tâm lý các em. Trong một diễn biến khác, liên quan đến vấn đề này, Công an tỉnh Nghệ An cũng đã chính thức vào cuộc để điều tra sự việc.

Ngăn ngừa những hành động bột phát đáng tiếc

Mặc dù sự việc nữ sinh Nguyễn Thị Y.N tìm đến cái chết là do bạo lực học đường hay còn có nguyên nhân nào khác, vẫn đang được cơ quan chức năng tích cực điều tra, làm rõ song câu chuyện nói trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một trào lưu, xu thế mới đang dần hiện hữu trong thời gian gần đây, đó là vấn nạn bỏ nhà đi, giả tự tử và tự tử thật trong một bộ phận giới trẻ.

y-1682315847.PNG
Công an xã Kỳ Tây (Hà Tĩnh) tuyên truyền phòng chống tự tử trong độ tuổi thanh, thiếu niên.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành động dại dột của các em, nhưng mẫu số chung đều có phần từ sự bế tắc, thiếu sự quan tâm, sẻ chia và định hướng kịp thời của gia đình, bạn bè và người thân, dẫn đến không ít trường hợp dại dột, nghĩ quẩn. Cùng thời điểm xảy ra sự việc nữ sinh Y.N tự tử, cũng tại Nghệ An, dư luận xôn xao trước sự việc em Hồ Sỹ H. (18 tuổi), học sinh lớp 12, Trường THPT Tân Kỳ 1 tử vong trong giếng nước của gia đình. Theo đó, vào rạng sáng ngày 19/4, không thấy con chuẩn bị đến trường như mọi ngày, gia đình tá hỏa đi tìm thì phát hiện sự việc đau lòng nói trên. Phía nhà trường và bạn bè cho biết, em H. là học sinh khá, thời gian gần đây không có biểu hiện gì bất thường, thậm chí tập thể lớp tổ chức chụp ảnh kỉ yếu cuối khóa, H. vẫn tham gia rất vui vẻ…

Trước đó, ngày 5/4, em Dương Phạm P.T (11 tuổi), học sinh lớp 6A, Trường THCS Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) trên đường đi học đã để xe đạp điện trên cầu Rào Trổ rồi nhảy sông tự vẫn. Trong lá thư tuyệt mệnh để lại, em T. cho biết, nguyên nhân do mẹ không yêu thương em mà chỉ quan tâm đến em trai. Được biết, mẹ của nữ sinh này đi XKLĐ ở Đài Loan (Trung Quốc), bố làm công nhân ở Cảng Formosa nên hai chị em chủ yếu sống với ông bà ngoại, không hiểu vì sao lại có nguồn cơn trên?

Câu hỏi đặt ra là, làm gì để ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất những sự việc đau lòng xảy ra trong một bộ phận giới trẻ, vì một lý do nào đó trong cuộc sống, cảm thấy bế tắc, bất lực để dại dột tìm cách kết thúc cuộc đời mình? Một nhà giáo (xin được giấu tên) hiện đang công tác tại trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, từng có kinh nghiệm hàng chục năm giảng dạy và làm giáo viên chủ nhiệm, nhận thấy nguyên nhân dẫn đến tự tử trong giới trẻ có nhiều lý do, trong đó không loại trừ vấn nạn bạo lực học đường. Nạn nhân của vấn đề này đầu tiên sẽ bị các hội, nhóm tẩy chay khiến mình cảm thấy bị cô lập, tìm đến sự trợ giúp của gia đình, thầy cô và nhà trường.

Nếu được hỗ trợ thì không nói làm gì, nhưng thật tệ khi nạn nhận bị chỉ trích trở lại khiến bản thân phải đối diện với hội chứng "Victim Blaming" (đổ lỗi nạn nhân) và bắt đầu hoài nghi, tuyệt vọng về mình. Bấu víu cuối cùng là nhắn tin, trò chuyện với bạn thân, kiểu “muốn chết lắm rồi”, “ở lại mạnh giỏi”, rồi làm những điều mà bình thường không làm như ôm hôn, nói “con yêu mẹ” như cách mà nữ sinh Y.N thực hiện, trước khi tìm đến cái chết.

u-1682315879.PNG
Một trường THPT ở Nghệ An tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường.

Trong khi đó, theo cách nhìn nhận của Luật sư Trọng Hải, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trọng Hải & Cộng sự, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An thì, những sự việc đáng tiếc xảy ra đây liên quan đến bạo lực học đường nói riêng, những biến động trong tâm sinh lý của một bộ phận giới trẻ nói chung là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người làm giáo dục, cho thầy cô giáo, cho gia đình, cha mẹ và toàn xã hội.

Theo luật sư, chúng ta cần sâu sát hơn, quan tâm hơn, tâm lý hơn, hiểu con hơn và nhân văn hơn, kiên quyết hơn trong quản lý, đặc biệt là trong việc quản lý đời sống học sinh trong độ tuổi chưa hoàn thiện về vấn đề tâm sinh lý. Sự việc có thể ngăn ngừa nếu bố mẹ, thầy cô và thậm chí là bạn bè dành thời gian quan tâm nhất định đến những biểu hiện bất thường khi có ai đó được mong muốn chia sẻ. Bởi, khi bị bạo lực học đường về tinh thần hoặc thể chất, người đầu tiên được chia sẻ và tư vấn chính là bố mẹ, hoặc thầy, cô chủ nhiệm rồi mới đến bạn bè.

Chuyên gia tâm lý học, Tiến sĩ Dương Thị Thanh Thanh, Khoa Tâm lý giáo dục trường Đạo học Vinh cho rằng, ở lứa tuổi vị thành niên, mối quan hệ bạn bè hết sức quan trọng. Khi bị bắt nạt hay cô lập thì sẽ cảm thấy cô đơn, thậm chí kéo dài sẽ dẫn đến trầm cảm, các em gần như thiếu kĩ năng để giải quyết. Trong khi đó, bố mẹ và thầy cô, thường chỉ chú trọng đến kết quả học tập, điểm số, hạnh kiểm của các em hơn là chú ý đến những vấn đề tinh thần. Khi đã tìm cách giải thoát cho bản thân, là dấu hiệu đã phải chịu đựng tổn thương trong một thời gian rất dài.

Do đó, để ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất vấn nạn này, thầy cô, bạn bè và đặc biệt là gia đình, cần quan tâm, lắng nghe, chia sẻ và tìm cách để giải quyết kịp thời. Hơn ai hết, khi nhận diện được các dấu hiệu bất thường ở con cái, bố mẹ cần hành động quyết liệt và giải thoát cho con khỏi môi trường tiêu cực. Có như vậy, con cái mới tìm được chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy, để tìm về mỗi khi phải đối diện với những bất ổn xảy ra từ bên ngoài.

Theo Thiện Thành - antg.cand.com.vn