a-1659414014.jpg
Các lực lượng chức năng xã Nghi Quang, Nghi Lộc, Nghệ An phòng chống dịch. Ảnh: tư liệu
b-1659414025.jpg
Các lực lượng chức năng xã Nghi Quang, Nghi Lộc, Nghệ An triển khai vệ sinh môi trường, phòng chống dịch. Ảnh: tư liệu

1 xã có 2 ổ dịch

Báo cáo tại buổi làm việc giữa Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh Nghệ An với huyện Nghi Lộc mới đây, TS Chu Trọng Trang, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Nghệ An cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xuất hiện 218 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH).

Trong đó có 105 bệnh nhân ngoại lại, 113 bệnh nhân nội tại phân bổ ở 7 địa phương trong tỉnh là huyện Nghi Lộc (70 ca), huyện Diễn Châu (23 ca), huyện Anh Sơn (6 ca), huyện Quỳnh Lưu (5 ca), thị xã Hoàng Mai (4 ca), huyện Quỳ Hợp (3 ca), huyện Yên Thành (2 ca)… Đã có 100 bệnh nhân khỏi bệnh, hiện đang có 13 bệnh nhân đang điều trị, không có bệnh nhân tử vong.

Riêng tại huyện Nghi Lộc (Nghệ An) hiện có 5 xã là Nghi Quang, Nghi Thiết, Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Xuân có nguy cơ cao bùng phát SXH. Đặc biệt tại xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, Nghệ An (đây là ổ dịch cũ) theo thống kê của ngành y tế từ ngày 24/5 đến thời điểm hiện tại đã xuất hiện 2 ổ dịch SXH với 70 ca mắc nội tại. Ca mắc mới gần nhất được phát hiện ngày 29/7…

Qua điều tra dịch tễ cho thấy tình hình ca mắc sốt xuất huyết mới của tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Nghi Lộc nói riêng có xu hướng giảm trong tuần qua. Giám sát tại 2 ổ dịch tại xã Nghi Quang thì chỉ số véc tơ truyền bệnh giảm dần qua các lần giám sát; lần giám sát gần nhất không phát hiện muỗi truyền bệnh nhưng vẫn phát hiện được ổ bọ gậy…

c-1659414064.jpg
Phun hóa chất diệt muỗi sốt xuất huyết. Ảnh tư liệu

"Ý thức người dân vẫn còn chủ quan, lơ là, chưa khai báo kịp thời khi triệu chứng nhẹ, thực hiện các biện pháp phòng bệnh chưa nghiêm; tập tục, lối sống của người dân, mật độ dân số tại ổ dịch cao, nhà ở sát nhà tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc dập dịch tại xã Nghi Quang chưa thể thực hiện triệt để. TS Chu Trọng Trang - PGĐ phụ trách CDC Nghệ An nhận định.

Vào cuộc chưa quyết liệt

Theo báo cáo của huyện Nghi Lộc thì nguyên nhân dẫn đến dịch SXH bùng phát trên địa bàn là do thời tiết các tháng 5, 6, 7 nóng ấm, mưa nắng đan xen tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển; số ca mắc SXH tăng so với cùng kỳ năm trước.

Mặt khác xã Nghi Quang (Nghi Lộc) là xã ven biển, mật độ dân số cao. Các hộ gia đình ở sát nhau, nhiều nhà bỏ hoang. Công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn xã thực hiện chưa tốt; các bãi rác chưa được tập kết đúng chỗ quy định. Nơi các hộ dân sinh sống có nhiều dụng cụ chứa nước, chum vại, nhiều đồ vật đọng nước.

Trong công tác phòng chống dịch SXH, huyện Nghi Lộc đã phối hợp với CDC tỉnh Nghệ An triển khai tập huấn công tác phòng chống dịch SXH cho ban chỉ đạo các xã, thị trấn và các cán bộ làm công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn huyện; giám sát chỉ số véc tơ, giám sát bệnh nhân, môi trường; phát hiện sớm các ca bệnh, bao vây xử lý kịp thời; cấp hóa chất để xử lý ổ dịch đặc biệt tại 2 xóm có ổ dịch của xã Nghi Quang; hướng dẫn chuyên môn trong công tác xử lý dịch.

d-1659414098.jpg
Thực hiện vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Ảnh tư liệu

Huyện Nghi Lộc cũng đã thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường trên toàn xã Nghi Quang; đẩy mạnh công tác truyền thông về bệnh SXH; triển khai phun hóa chất tại khu vực xảy ra dịch và các khu vực có nguy cơ cao… Xã Nghi Quang đã lập biên bản xử lý hành chính 2 trường hợp ngủ không mắc màn trong khi người nhà mắc SXH.

Mặc dầu là xã có ổ dịch SXH cũ nhưng trong giai đoạn đầu xảy ra dịch, các ban, ngành ở xã chưa chủ động tích cực, quyết liệt trong phòng, chống sốt xuất huyết. Các chiến dịch làm vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy chưa được duy trì thường xuyên, liên tục.

Tập trung khống chế, không để dịch lan rộng

Phát biểu kết luận buổi làm việc, PGS.TS Dương Đình Chỉnh Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nêu rõ: Công tác phòng, chống dịch ở huyện Nghi Lộc vẫn có những kẽ hở nhất định khiến mầm bệnh vẫn tồn tại trong cộng đồng. Điều này là nguy cơ khiến dịch SXH sẽ lan rộng, bùng phát trong mùa mưa tới. Kẽ hở trong công tác phòng chống SXH đó là: Điều kiện sống, tập quán sinh hoạt của người dân khu vực ven biển; ý thức người dân chưa cao; sự chủ quan của một bộ phận cán bộ chức trách".

Trên cơ sở bài học chống dịch tại xã Nghi Quang, Trung tâm Y tế cần phối hợp cùng Phòng Y tế huyện Nghi Lộc tham mưu cho huyện Nghi Lộc xây dựng kịch bản phòng chống dịch SXH toàn huyện. 

e-1659414131.jpg
PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An (người đang phát biểu) nêu rõ: Công tác phòng chống dịch ở huyện Nghi Lộc vẫn có những kẽ hở nhất định khiến mầm bệnh vẫn tồn tại trong cộng đồng

Tại ổ dịch SXH xã Nghi Quang, cần tập trung tối đa nguồn lực, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, khắc phục những tồn tại, không để dịch lan rộng; Các xã, thị trấn cần thực hiện tốt công tác 4 tại chỗ; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vật tư phòng, chống dịch; nêu cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, tuyên truyền, đặc biệt là phát huy hiệu quả của hệ thống truyền thanh cơ sở để qua đó làm thay đổi ý thức người dân, để người dân trực tiếp tham gia vào công tác phòng, chống dịch SXH, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch./.