Dù là bệnh lưu hành quanh năm nhưng tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam, cứ đến mùa mưa bệnh SXH lại có xu hướng tăng mạnh. Hiện khu vực phía Nam đang là thời điểm giao mùa, mưa nhiều khiến cho dịch bệnh này đang lây lan rộng tại khu vực.Theo số liệu từ Bộ Y tế, thời điểm hiện nay đang là cao điểm dịch SXH, cả nước đã có hơn 43.600 ca mắc, 22 người tử vong vì SXH. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng 53%, tử vong tăng 17 trường hợp. Số ca mắc và tử vong chủ yếu tập trung tại miền Nam.

Theo các chuyên gia y tế, SXH trong những tháng đầu năm nay diễn biến phức tạp và hiện chưa đạt đỉnh. Cụ thể, qua các biểu đồ diễn biến ca mắc theo tuần, trong 4 tuần gần đây, số ca mắc SXH chiếm 50% số tích lũy từ đầu năm, số tử vong chiếm 45% số tích lũy từ đầu năm đến nay.

Được biết, bệnh SXH lây từ người bệnh sang người lành qua trung gian muỗi vằn. Thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa bất chợt, thuận lợi cho sự phát sinh loăng quăng, muỗi, tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Trong thời gian qua, để nâng cao hiệu quả hoạt động phát sinh dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, ngay trong tháng 4/2022, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng, chống SXH.

2959-article-1658978264.jpg
Số mắc sốt xuất huyết liên tục tăng, không quyết liệt phòng chống, dịch có thể bùng phát diện rộng

Tiếp sau đó, giữa tháng 5/2022, Bộ Y tế lại có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2022, trong đó nhấn mạnh đến dịch SXH, tay chân miệng và một số bệnh truyền nhiễm khác.

Cuối tháng Năm và đầu tháng Sáu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã liên tiếp có 2 văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các Viện đầu ngành đề nghị tăng cường phòng, chống SXH.

Đối với các địa phương, Cục Y tế dự phòng đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành thực hiện mạnh mẽ chiến dịch truyền thông, chống dịch bệnh SXH và các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH lần thứ 12 (ngày 15/6/2022) với chủ đề “Đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết”.

Song song với chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, địa phương triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông cao điểm trong tháng 6-7/2022 hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống SXH, các đơn vị vận động người dân lật úp các vật dụng chứa nước đọng không sử dụng, đậy kín dụng cụ chứa nước để ngăn muỗi đẻ trứng và diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy phòng chống bệnh SXH.

Theo đánh giá của ngành Y tế, năm nay, số ca SXH nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do SXH nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.

Để chủ động trong công tác phòng chống bệnh SXH, Sở Y tế Long An đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh nhân, hạn chế các trường hợp tử vong do SXH.

Sở Y tế cũng khuyến cáo, sốt cao ở trẻ nhỏ là triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh lí, vì vậy phụ huynh không nên chủ quan, tự điều trị tại nhà. Khi trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục 2 đến 3 ngày, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xem xét chỉ định xét nghiệm chẩn đoán SXH Dengue sớm và điều trị kịp thời.

SXH hiện chưa có vắc xin phòng ngừa và cũng chưa có thuốc đặc trị. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh SXH, mỗi địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác quản lí địa bàn, nắm bắt thực trạng, theo dõi sát tình hình dich bệnh, chỉ đạo nhiều cơ quan, đoàn thể cùng phối hợp dồn sức chống dịch. Mỗi người dân cần tăng cường diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy; Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp...) hàng tuần; Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh lu vỡ, vỏ dừa, lốp/võ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân tránh muỗi đốt hiệu quả, người dân nên mắc mùng khi ngủ (kể cả ban ngày) và mặc quần áo dài phòng muỗi đốt; Cho người bị SXH nằm trong mùng, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác; Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Theo các chuyên gia ngành y tế, khi bị sốt và có các biểu hiện của SXH, không nên tự mua thuốc Aspirin về uống, vì có thể gây nguy hiểm (tổn thương gan, thận, che giấu các biểu hiện bệnh). Nếu bị sốt dưới 38oC, chỉ cần lau mát, không nên dùng thuốc hạ sốt vì có thể gây trùng lấp dấu hiệu cảnh báo bệnh nhân khi bị sốc. Tốt nhất là bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.

Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, khâu tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức là vô cùng quan trọng. Việc truyền thông cần đi vào thực chất, không chỉ dừng lại ở hình thức. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt của cơ quan chức năng cũng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, từ đó góp phần giúp người dân điều chỉnh ý thức, thay đổi hành vi trong phòng, chống dịch bệnh.

Trước lo ngại về tình hình bệnh SXH đang tăng cao tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam, các chuyên gia khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là và đặc biệt cần có biện pháp phòng, chống kịp thời với các loại bệnh truyền nhiễm này./.