Theo dự kiến, 15 giờ 30 phút chiều nay 22-6, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Đức Chung, nguyên chủ tịch UBND TP Hà Nội, cùng các đồng phạm có đơn kháng cáo trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C.
Đáng chú ý, chiều ngày 21-6, trước khi bước vào nghị án, Hội đồng xét xử công bố bị cáo Nguyễn Đức Chung đã bồi thường 69% thiệt hại của vụ án, tương đương 25 tỉ đồng; Võ Tiến Hùng, nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, bồi thường 4 tỉ đồng và Nguyễn Trường Giang, giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic, bồi thường hơn 7 tỉ đồng. Trước động thái 3 bị cáo nêu trên đã khắc phục toàn bộ thiệt hại của vụ án, Kiểm sát viên đã đề nghị tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt, đề nghị hủy bỏ toàn bộ quyết định kê biên tài sản cho cả 3 người trong vụ án.
Phân tích về pháp lý trong tình huống này, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn Phòng Luật Sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc bị cáo Nguyễn Đức Chung đã thay đổi thái độ, nhận trách nhiệm "người đứng đầu" và động viên gia đình bồi thường khắc phục hậu quả và nộp đủ số tiền 25 tỉ đồng. Đây là tình tiết mới quan trọng thể hiện thái độ thành khẩn khai báo và tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả.
Theo luật sư Cường, theo quy định của pháp luật thì việc có sửa bản án sơ thẩm hay giữ nguyên bản án sơ thẩm là thẩm quyền của hội đồng xét xử. Việc xem xét có chấp nhận hay không được thực hiện trong quá trình nghị án, hội đồng xét xử sẽ biểu quyết theo đa số để quyết định có chấp nhận hay không chấp nhận. Thẩm quyền quyết định cuối cùng vẫn là hội đồng xét xử.
"Tuy nhiên, quan điểm cá nhân tôi cho rằng với diễn biến phiên tòa như vậy thì việc giảm hình phạt cho bị cáo là có căn cứ, thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật, đồng thời nếu giảm hình phạt thì cũng đủ để cải tạo giáo dục bị cáo chứ không nhất thiết phải có mức hình phạt nghiêm khắc như bản án sơ thẩm đã tuyên. Hội đồng xét xử sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật để xem xét giải quyết. Về nguyên tắc là hội đồng xét xử xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, những ý kiến, quan điểm, đề nghị của các bên đưa ra là những căn cứ để hội đồng xét xử cân nhắc xem xét"- luật sư Cường phân tích.
Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, thực tiễn cho thấy trong các vụ án hình sự mà bị cáo không thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, không nhận thức được hành vi phạm tội của mình và cũng không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thì dù người thân trong gia đình có bồi thường khắc phục thay thì kết quả giải quyết vụ án cũng rất khó có thể thay đổi. Có những vụ án mặc dù cấp phúc thẩm có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng xét thấy tính chất của vụ án và đặc biệt nghiêm trọng thì tòa án cấp phúc thẩm vẫn có thể giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm.
"Theo quy định của pháp luật thì có nhiều yếu tố tác động đến hình phạt trong đó có yếu tố nhân thân và yếu tố hành vi. Và hình phạt chỉ đặt ra khi bị cáo có tội. Bởi vậy trường hợp bị cáo không nhận tội và toà án không đủ căn cứ kết tội thì có thể sẽ tuyên bố bị cáo không phạm tội và không đặt ra vấn đề hình phạt"- luật sư Cường nhấn mạnh và cho biết thêm Tòa án cấp phúc thẩm sẽ thận trọng xem xét, đánh giá các chứng cứ buộc tội cũng như chứng cứ gỡ tội để xác định bị cáo có phạm tội hay không, việc kết tội của tòa án cấp sơ thẩm là có căn cứ hay không.
Trước đó, nguyên chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị tòa cấp sơ thẩm phạt 8 năm tù với cáo buộc để công ty của gia đình mua chế phẩm làm sạch nước hồ về bán lại cho TP Hà Nội với giá cao hơn, gây thất thoát 36 tỉ đồng. Ngoài án tù, bị cáo Chung phải bồi thường 25 tỉ đồng.
Các đồng phạm của bị cáo Chung bồi thường số còn lại gồm: Võ Tiến Hùng, nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, bị tuyên 4 năm tù, bồi thường 4 tỉ đồng; Nguyễn Trường Giang, giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic, nhận 4 năm 6 tháng tù, bồi thường hơn 7 tỉ đồng./.