Sáng 20/6, phiên xử phúc thẩm cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng đồng phạm trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C diễn ra với phần xét hỏi. Chủ tọa Nguyễn Văn Sơn cho biết, tòa đã đọc đơn kháng cáo và bản giải trình của bị cáo Nguyễn Đức Chung, có thể tóm tắt trong 18 vấn đề.
Trả lời thẩm vấn, cựu Chủ tịch Hà Nội xin "nói với tư cách một con người", cho rằng một số lời khai của bị cáo Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Công ty Arktic - là không đúng.
"Anh Giang nói là làm gì, mua ở đâu, bán ở đâu đều do tôi chỉ đạo là không đúng. Anh Giang nói chỉ làm thuê ăn lương, công ty là của công ty gia đình tôi, điều này không đúng" - bị cáo Chung khai.
Cựu Chủ tịch Hà Nội thừa nhận, bị cáo Nguyễn Trường Giang có mặt trong 2 cuộc họp nhưng với tư cách là người đi cùng ông Chopra (Giám đốc Công ty Watch Water, Đức), phiên dịch giúp ông này. Ông Chung "tin rằng", sự thật trên có thể được chứng minh bằng băng hình ghi lại cuộc làm việc, trong đó có phần giới thiệu thành phần tham dự các bên.
Bị cáo Chung cũng thừa nhận nhờ bị cáo Giang dẫn đoàn của UBND TP Hà Nội sang Đức làm việc, nhưng chỉ là nhờ kết nối làm việc với công ty giống cây trồng và một tập đoàn khác, hoàn toàn không nhờ bị cáo Giang làm việc với Công ty Watch Water.
Cựu Chủ tịch Hà Nội đề nghị tòa cho đối chất với bị cáo Giang để "khách quan".
Khai về Công ty Arktic, bị cáo Chung cho biết, ông nắm được công ty này có lợi nhuận 4,7 tỷ đồng khi bị cáo Giang làm báo cáo.
Đối với lời khai của bị cáo Giang về việc Công ty Arktic do vợ bị cáo Chung thành lập, ông Chung cho rằng, bản thân ông chỉ biết vợ và con trai cùng một người thành lập công ty trong thời gian con trai ông về Việt Nam, không hề biết chuyện vợ ông bỏ toàn bộ 5 tỷ đồng vốn điều lệ khi thành lập công ty.
Bị cáo Chung cũng thừa nhận, trước thương vụ nhập chế phẩm Redoxy-3C, ông có nhờ bị cáo Giang mua sắm một số trang thiết bị từ Đức như thiết bị cắt tỉa cây, bộ lọc nước để lắp tặng người dân khu vực bãi rác Nam Sơn…
Trả lời hội đồng xét xử (HĐXX) về việc tại sao phải thông qua Công ty Arktic để nhập chế phẩm Redoxy-3C, ông Chung khai rằng, khi nói chuyện với ông Chopra, bị cáo đề nghị thành lập văn phòng đại diện tại Hà Nội nhưng ông Chopra từ chối vì cho rằng chi phí lớn, đội giá sản phẩm. Ngoài ra, theo quy định của phía Đức, họ không chọn doanh nghiệp có vốn Nhà nước để làm đại diện.
"Bị cáo đã nắm được chính sách bán hàng của Watch Water như vậy tại sao trong văn bản vẫn giao Sở Ngoại vụ nghiên cứu, tham mưu?" - Chủ tọa vặn hỏi.
Ông Chung khai, ông nắm được điều này sau khi văn bản đã được ban hành.
"Bị cáo thấy mình đã làm hết trách nhiệm chưa?" - Chủ tọa chốt lại.
"Tôi đã làm hết khả năng của mình để Hà Nội có được một sản phẩm tốt nhất, giá tốt nhất" - cựu Chủ tịch Hà Nội đáp.
Trước đó, trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Trường Giang giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và những lời khai trước đó tại cơ quan điều tra cũng như tại tòa sơ thẩm.
Giám đốc Công ty Arktic cho biết, sau phiên sơ thẩm, ông đã tác động gia đình nộp thêm tiền khắc phục hậu quả vụ án. Bên cạnh đó, bị cáo Giang còn xuất trình thêm một số tài liệu làm căn cứ để xin giảm nhẹ hình phạt.
Đối với bị cáo Võ Tiến Hùng - cựu Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, sau phiên sơ thẩm, ông Hùng làm đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, sau đó, ông Hùng lại rút đơn. Trước phiên phúc thẩm, bị cáo này lại có đơn đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt./.