Sáng 20/6, sau hơn 1 giờ công bố lại bản án sơ thẩm, HĐXX TAND Cấp cao tiến hành xét hỏi các bị cáo trong vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C, rửa ô nhiễm sông hồ Hà Nội.
Trước khi xét hỏi với bị cáo Võ Tiến Hùng (cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội), HĐXX cho biết, sau bản án sơ thẩm, bị cáo Hùng có làm đơn kháng cáo nhưng rút đơn. Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo tiếp tục “xin được giảm án”.
“Bị cáo trả lời sao về vấn đề này?”, HĐXX chất vấn. Bị cáo Hùng đứng lên nói, dù thế nào phiên tòa hôm nay vẫn diễn ra, bị cáo được triệu tập tới tòa nên xin HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt của bản án sơ thẩm. Ý kiến này của bị cáo Hùng được Chủ tọa cho hay, sẽ xem xét trong quá trình diễn ra phiên xử.
Ông Nguyễn Đức Chung phản bác lời khai của đồng phạm
Người tiếp theo là bị cáo Nguyễn Trường Giang (cựu Giám đốc Công ty Arktic), khi được xét hỏi vẫn giữ nguyên quan điểm và lời khai của mình tại phiên tòa sơ thẩm.
Theo bị cáo, sau khi kết thúc phiên sơ thẩm, Giang cùng luật sư của mình đã thu thập một số tình tiết mới, trong đó, có khoản tiền do cá nhân bị cáo bồi thường trong vụ án là hơn 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, suốt quá trình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gia đình Giang đã hai lần ủng hộ tổng số tiền 50 triệu đồng cho công tác phòng chống dịch; cha đẻ của Giang có nhiều huy chương, là người có công nên mong tòa phúc thẩm xem xét giảm nhẹ án.
Khi HĐXX hỏi thêm thêm “có quan hệ họ hàng thế nào với bị cáo Nguyễn Đức Chung?”. Giang cho hay, không có mối quan hệ họ hàng thân thiết. Khoảng năm 2014, bị cáo cung cấp một số sản phẩm cho gia đình ông Chung nên quen biết nhau từ đó.
Cựu Giám đốc Công ty Arktic cũng khai thêm, anh ta không nằm trong danh sách đoàn công tác sang dự triển lãm công nghệ môi trường ở Cộng hòa liên bang Đức. Được ông Nguyễn Đức Chung tác động, bị cáo đã tham gia với vai trò hỗ trợ và làm phiên dịch cho đoàn.
Chuyến đi ấy, bị cáo còn tham gia họp với đối tác ở Đức để trao đổi về sản phẩm công nghệ xử lý nước thải của Công ty Watch Water. Đến khi đại diện của Watch Water sang Việt Nam, Giang tiếp tục trao đổi về giá cả sản phẩm, chính sách bán hóa chất của công ty này.
Giang cũng tái khẳng định, Công ty Arktic là của gia đình ông Nguyễn Đức Chung, việc Giang thay mặt cho Arktic ký phân phối độc quyền hóa chất Redoxy-3C cũng do bị cáo Chung chỉ đạo.
Trả lời câu hỏi của các luật sư, bị cáo Nguyễn Trường Giang cho rằng, mọi quyết định lớn nhỏ trong Công ty Arktic đều do "người khác". Bị cáo chỉ quản lý hoạt động công ty và làm theo chỉ đạo.
Còn bị cáo Nguyễn Đức Chung khi được xét hỏi đã phản bác toàn bộ lời khai của bị cáo Nguyễn Trường Giang.
Về việc Giang tham gia đoàn công tác sang Đức, ông Chung thừa nhận có cử anh này đi để phụ giúp công việc cho đoàn và làm phiên dịch.
Đối với Công ty Arktic bị cáo buộc là công ty của gia đình, ông Chung nói, có biết vợ và con trai Nguyễn Đức Hạnh thành lập nhưng ông khuyên con trai chuyên tâm vào việc học, sau đó công ty chuyển nhượng, hoạt động thế nào ông không để ý.
Ông Cũng khẳng định việc mua chế phẩm Redoxy-3C là tâm huyết của ông, mọi điều ông làm đều muốn Hà Nội được giá tốt và được lợi ích về môi trường sạch sẽ.
Buổi chiều phiên tòa tiếp tục xét hỏi ông Nguyễn Đức Chung.
Phiên phúc thẩm hôm nay, ngoài 3 bị cáo, TAND Cấp cao cũng triệu tập nhiều người, đơn vị có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, đại diện Công ty Arktic không có mặt, còn bà bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Nguyễn Đức Chung) xin được xét xử vắng mặt.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung không có ý kiến gì về việc vắng mặt của vợ mình cũng như một số người. Trong khi đó, các luật sư đề nghị triệu tập thêm một số người như ông Nguyễn Thế Hùng (nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội); một số điều tra viên...
Sau hội ý, chủ tọa cho rằng ông Nguyễn Thế Hùng và một số người liên quan đã có lời khai tại giai đoạn điều tra nên không cần thiết triệu tập.
Khi chủ tọa nói xong, bị cáo Nguyễn Đức Chung xin phát biểu, đề nghị triệu tập ông Phạm Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội nhưng Chủ tọa bác bỏ và cho hay. Ông Bình đã có lời khai trong hồ sơ, nếu cần thiết sẽ triệu tập sau nên tòa tiếp tục làm việc./.