Để làm ra món kẹo cu đơ ngon đúng điệu thì khâu chọn nguyên liệu là kỳ công nhất. Tất cả nguyên liệu: lạc, vừng, bánh tráng… đều phải loại ngon. Lạc phải chắc, đều, vỏ có màu ngà. Khi cắn thử hạt lạc giòn, thơm, bùi và ngậy nơi đầu lưỡi. Mật phải là mật mía nguyên chất, thật trong, vàng óng chưng cất từ loại mía được trồng ở vùng đồi. Bánh tráng có kích thước nhỏ hơn bánh thường, nướng phải chín đều và không được để bánh thủng.
Để có được miếng kẹo cu đơ thơm ngon người làm nghề phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt. Quá trình giữ lửa được coi là khâu vô cùng quan trọng quyết định sự thành công của mẻ kẹo. Lửa quá to, mật sẽ bị bén đáy nồi, gây khét. Lửa nhỏ sẽ không đủ độ để làm giòn hạt lạc. Cái khéo, cái tài của người thợ là giữ lửa cho đều. Và chọn đúng thời điểm lúc mật sôi để cho lạc vào là việc khó nhất, thể hiện kỹ thuật cao của người thợ. Làm sao để kẹo không già và cũng chẳng bị non, chỉ cần sơ sểnh một tý là hỏng cả nồi kẹo. Khoảng thời gian để nha đủ độ và non lửa hay quá lửa chỉ tính được bằng giây. Do vậy, khi nấu người thợ phải thật chú ý về thời gian và màu sắc để đưa ra quyết định chính xác.
Du khách đến xứ Nghệ, khi đã nếm thử cu đơ thì sẽ nhớ mãi vị ngon ngọt của mật mía, vị béo bùi của lạc, vị ấm nóng của gừng, vị thơm của vỏ chanh và cả vị chát ngọt đậm hương đồi núi của chè xanh. Người xứ Nghệ coi bánh kẹo cu đơ như linh hồn của quê hương, thường chọn làm quà biếu khách quý, hay mang theo mỗi khi đi xa.