a-1697688191.jpg
Nuôi cá lồng trên sông Quàng, Châu Thắng, Quỳ Châu

Hiệu quả vượt trội

Tận dụng nguồn nước sông Quàng khi ngăn đập thuỷ điện Châu Thắng, nhiều hộ dân bản Chiềng Ban (xã Châu Thắng, Quỳ Châu) đã đầu tư lồng bè nuôi cá, chủ yếu là cá trắm cỏ, trắm đen. Cá lồng nuôi trên sông không khác gì nuôi ngoài tự nhiên khi cá được thả nuôi bằng nước sông, thức ăn chủ yếu là sinh vật phù du, rong rêu và các phụ phẩm từ nông nghiệp khai thác từ rẫy, rừng. Năm 2017, hộ ông Sầm Văn Dự, bản Chiềng Ban được hỗ trợ 60 triệu đồng để đầu tư 4 lồng nhựa HDPE nuôi cá. Mỗi lồng, ông Dự thả 30-50 con, hàng ngày, ông lên rẫy tìm thức ăn cho cá như: cỏ voi, sắn, cây bầu, bí… Sau 1 năm nuôi, trung bình mỗi con cho trọng lượng khoảng 6-7kg, với giá bán 100-120.000 đồng/kg, ông thu về trên 50 triệu đồng. Ông Dự cho biết: “Nuôi cá lồng rất nhàn, không tốn công, không tốn của. Thức ăn sẵn có trên rẫy, trong rừng; nước sông sạch, nhiều khoáng chất, nhiều loại phù du nên cá ít bệnh, lớn nhanh. Đặc biệt, nuôi tự nhiên nên cá sạch, thịt cá dai, ngon và thơm nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng, có chừng nào được thu mua hết chừng đó”.

b-1697688212.jpg
Nuôi cá lồng trên sông Quàng

Nuôi 4 lồng cá trên sông Quàng, ông Sầm Văn Hoa cũng thu về 50-70 triệu đồng/năm. Thức ăn cho cá được chủ động hoàn toàn khi sát chân núi Pá Xìa ông trồng cỏ voi, sắn, măng ngọt… Mỗi ngày, chỉ cần 1 lần cắt cỏ, chèo thuyền thả vào lồng cho cá ăn. “Mùa mưa bão thì chằng chéo lại cho chắc chắn. Nước lên, lồng bè cũng dâng theo nên ít khi bị thiệt hại do mưa lũ. Mặt khác, cũng phải tính toán biết cách thu hoạch tỉa trước khi lũ về, vừa bán được giá lại không lo bị lũ cuốn đi. Nuôi cá lồng vừa nhàn, ít chi phí lại có thu nhập ổn định. Sắp tới, tôi sẽ đầu tư thêm 4 lồng bè nữa để nuôi cá”, ông Hoa cho biết.

Hiện, toàn xã Châu Thắng có 10 hộ nuôi cá lồng trên sông Quàng, mỗi hộ 3-4 lồng nuôi. Nhiều hộ đầu tư mua thuyền máy để tiện trong việc chăm sóc, vận chuyển, tiêu thụ cá lồng. Ngoài ra, các hộ nuôi cá lồng trong bản Chiềng Ban cũng thành lập tổ, hội nuôi cá lồng để tiện lấy giống, chia sẻ cách chăm sóc cá và thống nhất giá bán ra thị trường; hợp tác để nuôi gối vụ, tránh xuất bán ồ ạt cùng lúc và tránh được tình trạng “cháy hàng” trong cùng thời điểm. Anh Lương Văn Huy, công chức nông nghiệp xã Châu Thắng cho biết: “Nuôi cá lồng trên sông Quàng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho bà con. Trung bình mỗi năm, 1 hộ nuôi 4 lồng cá cũng có thu nhập từ 50-70 triệu đồng. Đây là nguồn thu khá lớn đối với bà con miền núi. Hàng năm, chúng tôi cũng mở các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá lồng bè cho người dân, đồng thời, tranh thủ các nguồn hỗ trợ để khuyến khích bà con nhân rộng mô hình; kết nối để bao tiêu sản phẩm cho người dân”.

c-1697688307.jpg
Cá lồng sông Lam

Mặc dù là công dân thị trấn Thanh Chương, song những hộ dân ở khối 4A đã quen với sông nước, gắn bó với nghề vạn chài hàng chục năm nay. Do đó, khi “lên bờ” định cư, dù làm đủ mọi nghề để mưu sinh song vẫn gặp không ít khó khăn. Thay vì lênh đênh theo con nước để chài lưới, kiếm con tôm, con cá thì họ lại đầu tư nuôi cá lồng bè. Bắt đầu từ năm 2018, một số hộ tận dụng nguồn nước sông Lam chảy qua địa phận để nuôi cá lồng bè. Ban đầu chỉ 1-2 hộ, nay đã có 10 hộ nuôi với tổng số 18 lồng. Theo dự kiến đến hết năm 2023 sẽ phát triển lên 28 lồng. Năm 2020, các hộ dân nuôi cá lồng bè được Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện cho vay 500 triệu đồng, mỗi hộ được vay 50 triệu đồng để mua lồng nhựa nuôi cá; chính quyền thị trấn cũng giành hơn 1.000m2 đất công ích sát bờ sông để các hộ trồng cỏ, trồng chuối làm thức ăn cho cá. Chị Ngũ Thị Hoa, một hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Lam cho biết: “Gia đình nuôi 3 lồng cá, nuôi theo hình thức gối vụ, mỗi lứa khoảng 200 con. Thời gian nuôi kéo dài 8-10 tháng, cá đạt trọng lượng 5-7kg thì xuất bán. Mỗi năm xấp xỉ 1 tấn cá bán ra thị trường, với mức giá từ 100.000 đồng/kg cũng mang lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng”.

Nâng cao giá trị cho cá lồng bè

Ông Lương Trí Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳ Châu cho biết: “Vào cuối tuần hoặc các dịp nghỉ lễ, rất nhiều đoàn khách đã liên hệ với các hộ nuôi cá lồng trên sông, đi thuyền máy vào vùng lòng hồ, trải nghiệm bắt cá lồng, chế biến và thưởng thức các món ngon đậm bản sắc của đồng bào từ cá như: Gỏi cá, canh ột, mọc cá… Do đó, ngoài thu lợi nhuận từ tiền bán cá, một số hộ còn có thêm nguồn thu từ chở thuyền máy, tiền công chế biến các món ăn. Điều này, cũng gợi mở phát triển nuôi cá lồng bè kết hợp du lịch trải nghiệm, tạo sinh kế mới cho bà con dân bản”.

tt-1697688334.jpg
Trải nghiệm đánh bắt cá lồng trên sông Quàng

Còn ở Tương Dương, để nâng cao giá trị cá lồng bè trên sông, ngoài các giống cá truyền thống như trắm cỏ, rô phi đơn tính, cá chép, cá trê... thì huyện đã có cơ chế khuyến khích người dân đưa các giống cá mới có giá trị kinh tế và được thị trường ưa chuộng hiện nay như cá lăng, cá leo, cá trắm đen,... vào nuôi trong các lồng bè, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tương Dương cho biết: “Hiện có gần 22.000 m3 tổng thể tích nuôi cá lồng tại lòng hồ thủy điện, với trên 429 lồng cá, bình quân cho thu nhập mỗi lồng từ 25-30 triệu đồng/năm. Riêng khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ có trên 300 lồng cá, hàng chục hộ đã thoát nghèo, có kinh tế ổn định nhờ nuôi cá. Huyện có nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp, cá nhân tham gia liên kết vào chuỗi giá trị nuôi trồng thủy sản thông qua các khâu: Nuôi trồng - chế biến, bảo quản tươi sống - thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tiến tới thiết kế bộ nhận diện thương hiệu như cá lăng, cá chình (Tương Dương). Qua đó, phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện thành sinh kế bền vững, góp phần nâng thu nhập cho bà con”.

Nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng mặt nước hồ thủy lợi, thủy điện và các sông, suối trên địa bàn tỉnh, nhiều địa phương đã hình thành và phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông, hồ theo hướng sản xuất hàng hóa và bước đầu mang lại hiệu quả cao. Thời gian tới, nhằm nâng cao giá trị cho cá lồng bè, người dân cần đầu tư các loại lồng nuôi có kích thước lớn nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cá lồng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng; tăng diện tích nuôi và tỷ lệ lồng nuôi các loài cá bản địa quý hiếm, loại có giá trị kinh tế cao; nuôi thâm canh, bán thâm canh đối với các loại cá thông thường. Thu hút các nhà đầu tư phát triển nuôi cá lồng theo hướng VietGAP kết hợp với bảo quản, chế biến cá lồng và phát triển du lịch trải nghiệm.