nguoinghe.vn
Kênh nhà Lê đổ vào sông Thái (chảy qua Quỳnh Hưng – Quỳnh Thọ). Ảnh: Nhật Thanh

Hai câu thơ ở trong bài Quỳnh Lưu phong thổ diễn ca do Nguyễn Tiến Bảng (người ở Quỳnh Lưu) sáng tác là nói về các kênh và sông đào triều Tiền Lê ở thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu.

Khe Nước Lạnh là ranh giới thiên nhiên giữa Quỳnh Lưu, Nghệ An và Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Từ một dòng chảy loanh quanh, Lê Hoàn và các triều đại về sau cho đào thẳng một dòng kênh, dài khoảng 1,5km nối sông Bà Hòa ra Cửa Bạng, ra biển. Dòng kênh này men theo dòng nước chảy là khe Nước Lạnh. Do đó, kênh Son có hai đầu thông với biển bằng hai cửa lạch: Lạch Trấp, còn gọi là lạch Cờn và lạch Bạng. Hoàng giáp – Đốc học Nghệ An Bùi Dương Lịch (1758-1828) viết về khe Nước Lạnh trong sách Nghệ An ký như sau: “Khe Nước Lạnh (Lãnh khê) ở núi Ung, phía bắc huyện Quỳnh Lưu, làm giới hạn của hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Vách đá hiểm dốc, cây cối rậm rạp, khe từ trong núi chảy ra, hơi lạnh xông vào người, nên đặt tên là khe Nước Lạnh”(1).

Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn còn nói rõ hơn: “… Nước khe từ trong hang núi vọt ra, lạnh buốt ghê người, nên gọi tên thế(2).

Từ ranh giới phía bắc Nghệ An, thuộc địa phận thị xã Hoàng Mai, Lê Hoàn cho đào kênh Bà Hòa (thuộc xã Tân Trường, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) theo hướng nam, rồi men theo chân núi Xước, nối với sông Hoàng Mai và kênh Xước. Kênh này chạy từ Sòi Trẹ (xã Quỳnh Lộc) đổ vào sông Hoàng Mai ở phía bắc làng Ngọc Huy và gọi là kênh Son. Từ Ngọc Huy, kênh chảy qua các xã vùng Bãi Ngang gọi là kênh Mơ (còn gọi là kênh Mai Giang, kênh Ngọc Để) rồi đổ ra Lạch Quèn. Một đoạn kênh khác chảy từ cầu Ngò trên sông Thai hiện nay, chảy xuống Phú Nghĩa, rồi nối với kênh Mơ, gọi là kênh Dâu.

Đoạn sông đào này chảy qua địa phận của xã Quỳnh Lộc. Xã Quỳnh Lộc là địa đầu phía bắc của huyện Quỳnh Lưu, đồng thời là địa đầu phía bắc của tỉnh Nghệ An. Xã giáp với xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia về phía bắc; giáp với xã Quỳnh Phương và Quỳnh Dị ở phía nam; phía đông giáp xã Quỳnh Lập; phía tây giáp xã Quỳnh Thiện và Quỳnh Vinh. Sau lưng là dãy núi Xước kéo dài từ truông Hổ, Tĩnh Gia đến tận núi Đồ, xã Quỳnh Lập. Trước mặt là dãy núi đá vôi, nối tiếp nhau từ huyện Tĩnh Gia cho đến tận đê Nông Đoàn, Hoàng Mai. Sát dãy lèn đá vôi là kênh Son, cũng chảy từ Tĩnh Gia cho đến giáp đê Nông Đoàn, Hoàng Mai, chảy vòng qua các xóm Đồng Quanh, Dị Lệ, rồi qua chợ Trẹ, xóm Tân An, gặp hạ lưu sông Hoàng Mai tại ngã ba Quỳnh Lộc, Quỳnh Lập và Phương Cần, rồi chảy ra cửa Cờn, ra biển. Năm 980 – 988, Lê Hoàn đã cử Ngô Tử Án tiến hành đào vét, sửa sang kênh Son (theo gia phả họ Ngô).

Làng Hải Đà, xã Quỳnh Lộc có dân cư đến đây khá sớm và chủ yếu sống nhờ vào đánh bắt cá thủy cư. Làng này lúc đầu gọi là Hói Già, vì chung quanh làng là những ao nước mặn, có các cây già mọc lên chi chít. Khi chữ Hán được thông dụng, người ta mới đổi gọi là Hải Đà. Cái tên Hải Đà có lẽ được gọi cùng lúc với làng Hải Lệ của kẻ Sọi và kẻ Trẹ, sau hai làng này nhập lại gọi là Sòi Trẹ. Vì chuyên sống ở vùng sông biển, nên dân Hải Đà có nguồn sống chính là làm muối, đánh bắt cá tôm và cua cáy. Nhà vua biết được ở đây có loại cua bấy là một món ăn đặc sản rất ngon và rất bổ, nên đã lệnh cho dân làng này phải thường xuyên cống tiến. Vì điều kiện đi lại còn thô sơ, nên việc vận chuyển cua bấy có khi bị chậm. Cua bị cứng vỏ mai ngay khi đang đi dọc đường, hoặc khi vào đến cung, nên dân làng bị khép tội khi quân và bị phạt rất nặng. Tai bay, vạ gió từ cua bấy tiến vua đã làm cho dân Hải Đà phải phiêu tán đi các nơi khác làm ăn, sinh sống. Một bộ phận dân Hải Đà chạy sang ở tại làng Hải Lệ, một phần đất đai được sát nhập vào Hải Lệ, từ bờ bắc sông A đến bờ sông Trẹ bây giờ. Thời kỳ biển lùi, người ta chọn các doi đất cao nổi lên giữa đầm lầy (đầm Ao Hoàng, đồng Cánh Biềng, đồng Dăm Thuyền) để làm nhà ở. Hàng ngày nước thủy triều dâng lên, bao lấy những ngôi nhà này, trông giống như nhà làm trên mặt nước, nên người ta gọi khu vực dân cư này là “tứ chiếng phù cư”.

nguoinghe.vn
Một đoạn kênh nhà Lê bên hòn Bổ Bóng xã Quỳnh Lập (Hoàng Mai). Ảnh: Nhật Thanh

Làng Sen, xã Quỳnh Lộc ở cách bờ kênh Son về phía đông 100m, phía bên phải làng có một hồ Sen. Cái tên làng Sen xuất phát từ đó, về sau người ta đặt tên theo chữ Hán là Đông Liên. Ranh giới giữa làng Sen với Hải Lệ là đoạn khe Dong, tương ứng với các cánh đồng Rộc Bựa đến kênh Cừ và kéo dài đến tận đường Thiên lý (Quốc lộ 1A), giáp với làng Thiện Kỵ (Quỳnh Thiện và Quỳnh Vinh). Ranh giới phía tây nam qua cống Chùa Bụt (cũng gọi là cầu Từ Bụt), qua cầu khe Son, tiếp cận với làng Vĩnh Lộc. Phía tây bắc giáp với làng Vĩnh Lại và làng Vĩnh Lộc. Con khe Nghè chảy từ thung Su xuống tận kênh Son là ranh giới giữa làng Sen với làng Vĩnh Lộc và Vĩnh Lại. Phía tây bắc giáp làng Đông Lý. Đoạn đường liên hương từ khe Nước Rói, cũng gọi là khe Lầm Lòi, đi qua đồng Giếng Rộc, đồng Bài, đồng Rộc Bựa cho đến tận khe Dong là ranh giới giữa làng Sen với làng Đông Lý. Làng Sen là làng rộng nhất, đồng đất màu mỡ nhất và có dân cư đông đúc nhất xã Quỳnh Lộc. Làng Sen có cô gái quê xinh đẹp, hát hay, thông minh đã lọt vào mắt nhà vua và trở thành bà Chúa Sen. Tục truyền rằng: Ngày xưa, vua Trần Anh Tông nam tuần, khi qua kênh Son, chợt nghe từ phía đồng ruộng vẳng lên hai câu hát:

“Tay cầm bóng nguyệt xinh xang
Một trăm ngọn dáo hai hàng tay ta”.

Thấy giọng hát hay khẩu khí khác thường, vua bèn đến tận nơi xem sao, thì đó là một cô gái cắt cỏ. Thấy cô gái có nhan sắc và đối đáp trôi chảy những câu hỏi của mình, vua liền cho theo hầu ngay lúc đó. Thời gian tạm cư trú tại đền Cờn, mẹ con nữ Tống Phi linh ứng vào cô gái này tâu trình với nhà vua về việc mình bị giặc bức bách, được Thượng đế phong cho làm Thần biển ở đây và xin giúp vua dẹp giặc… Thấy những lời linh ứng từ cô gái này giống như thần mộng của mình đêm qua, vua cho làm lễ kính tế. Sau khi đánh thắng Chiêm Thành trở về, cô gái được xem như người có công đóng góp vào chiến thắng đó và được trọng thưởng. Từ đó, cô gái trở thành bà chúa, vì sinh trưởng ở làng Sen, nên được gọi là bà Chúa Sen. Sau khi bà Chúa Sen chết, nhà vua cho được thờ ở đền Cờn, cùng với Tứ Vị Thánh Nương và còn được thờ ở đền Đông Lý. Cũng vì vậy mà bà Chúa Sen còn được gọi là bà Chúa Lý. Việc làng Đông Lý hàng năm phải mang lễ vật sang lễ ở đền Cờn và ngược lại những vật tế lễ ở đền Cờn do nhà vua ban đều được chia cho làng Đông Lý là vì vậy… Lệ này còn được giữ mãi cho đến trước Cách mạng tháng Tám mới thôi.

Ranh giới hai tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An còn được phân định bởi dãy núi Xước ở phần đất phía đông giáp biển, thuộc địa phận hai xã Quỳnh Lộc và Quỳnh Lập. Núi Xước có mạch chạy từ núi Ngọc, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa qua, có đỉnh cao nhất tới 146m. Dãy núi hoành tráng, trông xa như hình con Rồng vươn đầu ra biển khơi khuấy nước. Dãy núi đã che chắn gió cho phía bắc của huyện Quỳnh Lưu. Nơi đây cũng là một vùng thắng cảnh thiên nhiên, với các bãi đá đủ hình thù trải dài suốt bãi tắm thật nên thơ.

nguoinghe.vn
Kênh nhà Lê (sông Mơ) đoạn chảy qua các xã Quỳnh Yên, Quỳnh Minh, Quỳnh Đôi, Quỳnh Thanh. Ảnh: Nhật Thanh

Lê Hữu Trác (1720-1791), với biệt danh là Hải Thượng Lãn Ông (Lãn Ông là ông già lười) được chúa Trịnh Sâm biết tiếng là danh y thiên tài. Chúa đã triệu ông ra Thăng Long để chữa bệnh cho Thái tử Trịnh Cán. Trên đường thượng Kinh đi thuyền trên kênh nhà Lê và ngựa xe đi bộ rong ruổi trên đường thiên lý, ông già lười dừng chân ngắm cảnh thiên nhiên vùng núi Xước – cửa Cờn, đã tức cảnh sáng tác bài thơ Lộ trình ngẫu hứng(3) như sau:

“Hoan, Ái phân cương địa
Quần sơn hổ tống nghinh.
Tiều ca, vân lộ xuất
Điểu ngữ, cốc phong sinh.

Phục thạch đường đồ lập
Giao thiên lộ bất hoành,
Hành nhân thuyết hưng tứ
Dong dã thượng thần kinh”.

Cảm hứng đi đường

“Rằng Thanh giáp Nghệ là đây
Núi cao, lèn thấp, hổ vây đón chào.
Gió xuân chim hót hang cao
Bóng tiều thấp thoáng in vào chân mây.
Đá quỳ, đá dựng, đá xây
Quanh quanh đèo lượn ngang trời chưa qua.
Người đi vui chuyện quê nhà
Ngựa xe rong ruổi chóng ra kinh thành”.
(Hồ Phú Hào dịch)

Bài thơ này được Lãn Ông viết lên vách đá lèn Bổ Bóng, nên lèn còn được gọi tên là “Lèn Bài Thơ”. Lèn này nằm trong dãy núi Xước, thuộc địa phận xã Quỳnh Lộc, huyện Quỳnh Lưu. Bài thơ cũng được chép trong sách Thượng Kinh ký sự. Nhân biết sự kiện này, về sau có một thi sĩ nhân dân ở vùng này đã làm bài thơ, trong đó có mấy câu như sau:

“Bổ Bóng nơi đây gặp Lãn Ông
Mấy dòng lưu niệm ở bên sông
Qua đây có phải khi ra Bắc
Chữa bệnh người nhà chúa Trịnh không?”

Vùng đất nam Tĩnh Gia, bắc Quỳnh Lưu non nước hữu tình, vừa nên thơ, vừa có thế vững chắc, thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ bàn đạp cho các cuộc Nam chinh để bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Bởi vậy, triều Lý đã rất chú ý đến vùng đất chiến lược này, nên đã giao cho một hoàng thất là Lý Nhật Quang làm Tri châu Nghệ An và tổ chức lập trại Bà Hòa, làm căn cứ tích trữ lương binh cho triều đình, trong công cuộc chinh phục phương Nam của mình. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép: “Giáp Thân, (Minh Đạo) năm thứ 3 (1044)… Tháng 8 đem quân về (Vua đi đánh Chiêm Thành). Đến Hành dinh Nghệ An, gọi Uy Minh hầu Nhật Quang đến uý lạo rồi trao cho Tiết việt Trấn thủ châu ấy, gia phong tước Vương. Trước đây vua ủy cho Uy Minh thu tô hàng năm ở Nghệ An và sai lập trại Bà Hòa khiến cho (trấn ấy) được vững chắc, lại đặt điếm canh các nơi cất chứa lương thực đầy đủ, cái gì cũng vừa ý vua, cho nên được tước phong như thế”(4).

nguoinghe.vn
Đoạn cuối kênh nhà Lê (sông Mơ) đổ vào sông Hàu (lạch Quèn). Ảnh: Nhật Thanh

Để xây dựng trại Bà Hòa vững chắc, có đường bộ, đường thủy đi lại thuận tiện và có thể ra vào đường biển, Uy Minh Vương đã huy động quân đội và dân phu được chiêu tập từ Bắc vào để khơi đào kênh Xước, lập ra cảng Xước. Cảng này còn có tác dụng làm nơi trú gió bão của tàu thuyền các đời. Vua Lê Thánh Tông có lần đi đánh dẹp Chiêm Thành vào nghỉ ở đây, đã ngẫu hứng sáng tác bài thơ:

Dạ nhập Xước cảng thi (5)

(Thập nhất nguyệt nhị thập bát nhật)
“Xước cảng đồng long báo nhị canh,
Lệnh truyền lục tốt phát trùng doanh.
Đồi Ôi sơn thượng tình lam ái,
Thánh nữ từ tiền tịch thủy sinh.
Giáp sĩ minh đăng lâm lộc khứ,
Lâu thuyền quá cổ dạ trung hành.
Quân Vương giá ngự tư quần sách,
Tế tế tài năng di vựng chinh”.

Đêm tiến vào cảng Xước
(Ngày 28 tháng 11)
“Cảng Xước canh hai mới điểm giờ,
Sáu quân nhổ trại lệnh liền đưa.
Trước đền Thánh nữ triều dâng sớm,
Trên ngọn Đồi Ôi khói tỏa mờ.
Nổi trống, thuyền binh đêm tối vượt,
Băng rừng, tướng sĩ đuốc hồng khua.
Vua đi đánh giặc bao tài tuấn,
Giúp rập binh cơ trí dũng thừa”.
(Dịch thơ: Ngô Linh Ngọc)

nguoinghe.vn
Đài tưởng niệm Kênh nhà Lê nhìn từ trên cao. Ảnh: Hồ Chiến

Kênh Xước, cảng Xước được làm xong, thì các làng quê mới cũng được hình thành ở hai bên kênh. Những ngày đầu gian khổ, chịu đói, chịu rét, quân dân phải vừa đào kênh, lập cảng, phải vừa khai hoang, cày cấy, tự túc lương ăn. Họ phải cử người vào rừng đốn củi, để đêm đêm trong những khi mưa dầm gió bắc, đốt đống lửa, quây quần bên nhau sưởi ấm và xua đuổi các loại thú dữ luôn luôn rình rập bên người… Những câu truyện kể, truyện hài… cũng được hâm nóng dần quanh đống lửa bập bùng, rồi các lán trại cũng lắng dần vào giấc mơ của ông Tiên, bà Bụt… Dọc theo các kênh đào Nhà Lê, làng xóm mới cứ dần dần được hình thành nhờ công của ngài Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Để nhớ ơn Uy Minh Vương, nhân dân các làng xã mới đều lập đền thờ thờ ông làm Thành Hoàng làng. Hiện nay, ở huyện Quỳnh Lưu còn có hàng chục làng xã và cả tỉnh Nghệ An thì có tới gần trăm ngôi đền thờ Thành Hoàng làng Lý Nhật Quang và gọi là đền Tam Tòa. Đền Hạ xã Quỳnh Lập còn lại đến ngày nay là một trong những ngôi đền như thế. Tại sân đền Hạ vào đêm giao thừa đến nay vẫn còn lưu tục lệ rước đuốc, được duy trì từ thời kỳ sơ khai lập xã, khi còn thực hiện công việc đào kênh Xước và quai đê lấn biển xây dựng cảng Xước. Trong ngày cuối năm, tất cả mọi nhà trong xã lại đưa củi gỗ đến chất đống tại sân đền Hạ. Đúng tối 30 Tết, sau khi làm mọi thủ tục tế lễ thần linh chứng giám, thì đống lửa trại được đốt lên. Khi đống lửa bùng cháy to, sáng rực cả một vùng, thì mọi người, từ già trẻ, đến các em thiếu nhi, tất cả nhảy múa, reo hò vui vẻ, rậm rịch cả sân chung quanh lửa trại… Kịp đến thời điểm giao thừa, thì ai nấy thắp một bó hương thật to, rồi chạy nhanh về nhà thờ họ và nơi thờ tổ tiên nhà mình mà làm lễ mừng năm mới. Phong tục này cũng là để nhớ ơn những vị khai cơ lập làng xã và cũng là một hình thức xin lộc thần thánh vào năm mới, cầu xin được mùa màng, mọi người đều được mạnh khỏe, vui vẻ, gia đình hạnh phúc, ấm no. Tại đền Hạ, xã Quỳnh Lập còn lưu nhiều đôi câu đối cổ ca ngợi công lao to lớn của triều Lý, của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Tiêu biểu như:

“Hoan quận ngật kim duy đế ý
Lý triều tự cổ vịnh chân lân”.
(Châu Hoan đến nay còn theo ý vua dạy giỗ,
Triều Lý từ cổ vẫn vịnh ca điều tốt lành).
Hoặc câu:
“Nam Thiên đế tử linh thanh cổ
Cần Hải lương dân ngưỡng vọng từ”.
(Con Vua trời Nam tiếng linh từ cổ,
Lương dân Cần Hải tôn ngưỡng đến giờ).

Lý Nhật Quang là con thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, được nhân dân xứ Nghệ ngưỡng vọng tôn thờ như cha, được thờ chính ở đền Quả Sơn, xã Bạch Ngọc (nay thuộc xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương). Ngôi đền thờ rất uy nghi, linh thiêng và được xếp vào bốn ngôi đền to đẹp và linh thiêng nhất của xứ Nghệ: “Đền Cờn, đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng”.

Kênh Xước còn có tên nôm là “lạch Trắp”. Cửa bể được gọi là “cửa Trắp”, hay cửa Tráp. Bản đồ chữ Hán triều Nguyễn ghi “Càn Hải khẩu” (cửa Càn Hải). Người dân ở đây thường gọi là cửa Cờn, hay Cần Hải. Triều Lý xây dựng cảng ở đây và gọi là cảng Xước. Cái tên cửa Tráp có ý nghĩa là cửa biển ở đây trông giống như cái tráp đựng đồ, hay như cái hòm giữ của kín đáo. Cửa Tráp kín gió là nơi cho tàu bè vào ẩn gió bão rất an toàn, nên có tên gọi như vậy. Cảng Xước đã trở thành một trung tâm buôn bán sầm uất, đã có nhiều tàu buôn của nước ngoài cập bến trong suốt thời gian từ triều Lý cho mãi về sau. Ngày nay, tàu thuyền vận tải và đánh cá của ngư dân vẫn san sát đậu kín cả cửa bể. Cảng Xước thật sự là cảng thương mại lớn thời phong kiến. Người dân đánh cá ở đây đã lưới vớt được nhiều đồng tiền cổ Trung Quốc các triều đại Tống, Minh, Thanh… Năm 2003, ông Vũ Đức Đô ở làng Đồng Tiến, xã Quỳnh Lập, nhà ở bờ tả cửa Cờn đã đào vườn được một thúng tiền đồng cổ cả tiền Trung Quốc và Việt Nam. Chúng tôi đã đến đây chọn tiền và thống kê được các loại tiền của Việt Nam như sau: Đại Định thông bảo và Minh Đạo nguyên bảo của triều Lý Cao Tông; Nguyên Phong thông bảo của Trần Thái Tông; Đại Hòa thông bảo của Lê Nhân Tông, Quang Thuận thông bảo và Hồng Đức thông bảo của Lê Thánh Tông… Cùng nhiều loại tiền khác của các triều đại của Trung Quốc… Nó chứng tỏ rằng, đã từng có sự giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa của người Việt Nam với người Trung Quốc và các nước khác ở tại cảng Xước này. Đến nay, thỉnh thoảng người dân ở đây vẫn còn nhặt được những đồng tiền cổ ở các khe đá do “Suối Sôi Tiền” xói chảy ra. Người xưa đã cất dấu tiền đồng cổ ở dưới các tảng đá lớn ở khe suối này, nên không phải ngẫu nhiên mà suối có tên là “Suối Sôi Tiền”. Ở Xã Quỳnh Lập còn có cái giếng vuông, dưới đáy có khuông bằng khung gỗ chắc, trên xây bằng đá, mỗi khi dân vét giếng để dùng thường vớt được các đồng tiền cổ các triều, trong đó có rất nhiều tiền triều Cảnh Hưng và Tây Sơn.

Chữ Càn trong tên gọi “Càn Hải” biểu thị cho trời, còn chữ Hải là biển. Càn Hải là biểu thị trời biển rộng vô cùng. Bên hữu cửa sông có đền Cờn, thuộc thôn Hương Cần, nay thuộc xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu.

Chú thích:

  1. Nghệ An ký. Bùi Dương Lịch/Nguyễn Thị Thảo dịch.- H., KHXH, 2004
  2. Đại Nam nhất thống chí/ Quốc sử quán triều Nguyễn. T.2.-Huế, Thuận Hoá, 1997.
  3. Thượng Kinh ký sự/ Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác/ Địa chí văn hóa Quỳnh Lưu/ Ninh Viết Giao chủ biên.- Nghệ An, 1998.
  4. Đại Việt sử ký toàn thư. T.1.-H., KHXH, 1998.
  5. Thơ văn Lê Thánh Tông/ Mai Xuân Hải CB.- H., KHXH,1984.

(Còn nữa)