Mỏi mòn chờ tiền hỗ trợ
Ông Nguyễn Văn Phúc ở xóm Trung Long, xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương cho biết, năm 2021 bệnh dịch tả lợn châu Phi làm 4 con lợn đực giống và 1 con lợn mẹ, trị giá hơn 200 triệu đồng của gia đình bị dịch, buộc phải tiêu huỷ.
Một năm sau, ông vay mượn 50 triệu đồng tái lại đàn lợn thịt. Thế nhưng, nuôi được 6 tháng, đến tháng 7/2023 khi đàn lợn chuẩn bị xuất chuồng, ông Phúc tiếp tục "trắng tay" vì dịch tả lợn châu Phi. Vậy mà 4 năm rồi gia đình ông Phúc vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn bị dịch.
Nhiều lần ông Phúc đến chính quyền địa phương để hỏi lý do vì sao chưa có tiền hỗ trợ thì nhận được câu trả lời của cán bộ là chưa có chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên chưa thực hiện chi trả được.
Không riêng gia đình ông Phúc, các hộ trong xóm này đều mong mỏi sớm nhận được kinh phí hỗ trợ để tạo đà khôi phục trở lại, nhưng đến nay vẫn chưa có.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc chưa chi trả tiền hỗ trợ tiêu hủy gia súc bị dịch bệnh từ năm 2021 đến nay không chỉ xảy ra ở huyện Thanh Chương mà xảy ra trên phạm vi toàn tỉnh và toàn quốc.
Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn vào tháng 3/2019, đây là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm gây bệnh cho lợn. Trong hai năm 2019 - 2020, xảy ra 569 ổ dịch, số lợn tiêu hủy 102.061 con (tổng trọng lượng hơn 5.100 tấn), chiếm 10,5% tổng đàn của tỉnh.
Từ năm 2021 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 21 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, buộc tiêu hủy gần 63.200 con, tổng trọng lượng hơn 3.550 tấn.
Đối với bệnh viêm da nổi cục, cùng thời gian này làm hơn 9.800 con gia súc ốm, mắc bệnh, trong đó buộc tiêu hủy hơn 2.450 con, tổng trọng lượng 331 tấn.
Đến nay, người chăn nuôi ở Nghệ An có gia súc chết vì dịch bệnh chưa nhận được hỗ trợ trong giai đoạn từ năm 2021 - 2023.
Theo quy định ban hành tại Nghị định 02 năm 2017 của Chính phủ, người chăn nuôi sẽ được hỗ trợ mức 38.000 đồng/kg với lợn và 45.000 đồng/kg với trâu, bò phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh, hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy.
Người chăn nuôi chờ đến bao giờ?
Nguyên nhân của việc người dân chưa nhận được tiền hỗ trợ tiêu hủy gia súc bị bệnh do từ năm 2021 - 2023 dịch bệnh tác động nghiêm trọng nhưng tỉnh Nghệ An không có căn cứ để áp dụng việc hỗ trợ gia súc bị dịch bệnh. Nút thắt chỉ được tháo gỡ khi Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 8108 ngày 18/10/2023 về việc hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An ban hành các công văn liên quan nhằm hướng dẫn làm hồ sơ hỗ trợ gia súc bị thiệt hại do 2 loại dịch bệnh nêu trên.
Tuy nhiên, do thời gian hỗ trợ kéo dài tận 3 năm, số lượng vật nuôi bị tiêu hủy quá lớn... nên các địa phương mất nhiều thời gian để rà soát, tổng hợp. Hơn nữa, quá trình kiểm tra, rà soát sau khi tiếp nhận hồ sơ phát hiện thấy nhiều sai sót, buộc phải bổ sung, chỉnh sửa nhiều lần, rất mất thời gian.
Trong thời gian qua, tại các buổi tiếp xúc cử tri các cấp, cử tri Nghệ An sớm đề nghị cơ quan chức năng sớm chi trả tiền hỗ trợ dịch bệnh trên gia súc để người dân có nguồn vốn tái đàn, phục hồi sản xuất chăn nuôi.
Cuối tháng 10/2024, Sở NN&PTNT tổng hợp hồ sơ hỗ trợ thiệt hại hai bệnh trên từ năm 2021 - 2023 của các huyện, thành phố, thị xã và có văn bản gửi Sở Tài chính xem xét, tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh với tổng số tiền là 132 tỷ đồng.
Số tiền này bao gồm kinh phí hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi có gia súc bị bệnh, tiêu hủy và kinh phí tiêu hủy, chỉ đạo, kiểm tra cấp huyện.
Ông Phùng Thành Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, việc hỗ trợ kinh phí thiệt hại do các dịch bệnh gây ra là cần thực hiện sớm để đảm bảo quyền lợi cho người dân, giúp bà con có nguồn kinh phí khôi phục sản xuất chăn nuôi, đồng thời tránh những bất ổn xã hội do khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. UBND các huyện, thành phố, thị xã cũng cần chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện việc hỗ trợ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Sau mưa lũ, dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, hiện toàn tỉnh có trên 40 ổ dịch tại 14 huyện chưa qua 21 ngày. Lũy kế từ đầu năm đến nay xảy ra 206 ổ dịch. Tổng số lợn tiêu hủy hơn 6.700 con, với tổng trọng lượng trên 340 tấn.
Các địa phương có số lượng ổ dịch tả lợn châu Phi nhiều nhất bao gồm Anh Sơn, Yên Thành, Đô Lương, Quế Phong, Quỳ Hợp, Tương Dương…
Tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là, chưa tiêu hủy triệt để, kịp thời dẫn đến dịch bệnh tả lợn châu Phi kéo dài. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm phòng các loại vaccine cho đàn vật nuôi đạt thấp, không đáp ứng được yêu cầu phòng bệnh, đặc biệt là tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn lợn thịt. Việc tái đàn, tăng đàn và vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm soát chặt chẽ.