Thanh Chương là địa phương có diện tích rộng, dân cư đông, với mạng lưới giao thông huyết mạch gồm 6 tuyến Quốc lộ đi qua như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 46A, 46B, 46C, 7B, 8C và hơn 800km đường nhựa bê tông liên xã, liên huyện. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nhưng cũng là môi trường dễ phát sinh vấn nạn xe quá khổ, quá tải.
Theo thống kê, trên địa bàn hiện nay có hơn 600 xe tải các loại tham gia giao thông. Tuy nhiên, không ít xe trong số đó đã được cơi nới thùng, vượt quá tải trọng cho phép.
Trên các tuyến Quốc lộ 7B qua xã Thanh Phong, Thanh Ngọc, thị trấn Dùng hay Quốc lộ 46C qua Thanh Hà, Mai Giang, hình ảnh các xe tải chở vật liệu xây dựng như cát, đá, sỏi cao ngất ngưởng, không che chắn kỹ càng đã trở nên quen thuộc.
- Hà Tĩnh: Người dân bất an vì xe có dấu hiệu quá khổ, quá tải 'quần thảo' ngày đêm
- Công an tỉnh trả lời cử tri Bùi Đặng Vân, xã Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ về xử lý tình trạng xe chở cát quá tải lưu thông trên tuyến Tỉnh lộ 534
- Đường xuyên thành phố Vinh "quên" cắm biển báo, xe quá tải mặc nhiên "cày nát"
Trước tình trạng tình trạng xe quá khổ, quá tải tung hoành, nhiều người dân tại huyện Thanh Chương (Nghệ An) không khỏi lo lắng, băn khoăn. Không ít người phải chịu đựng cảnh bụi bẩn, tiếng ồn và nguy cơ tai nạn do vật liệu rơi vãi từ các xe tải không được che chắn kỹ càng. “Những chiếc xe tải này không chỉ làm đường xá hư hỏng, mà còn trở thành cái bẫy gây nguy hiểm cho người dân”, ông Nguyễn Văn Hải, người dân sinh sống tại xã Thanh Ngọc (huyện Thanh Chương) nói.
Không chỉ dừng lại ở mức độ nguy hiểm cho người dân, tình trạng xe quá tải còn là nguyên nhân chính gây hư hỏng đường sá, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo thạc sĩ Đỗ Cao Phan, chuyên gia giao thông, “Khi xe tải chở quá tải trọng, lực tác động lên mặt đường sẽ vượt ngưỡng thiết kế, dẫn đến tình trạng nứt vỡ, sụt lún. Nếu không xử lý kịp thời, chi phí sửa chữa sẽ rất lớn. Thậm chí, trong trường hợp nghiêm trọng, xe quá tải còn có thể gây sập cầu, gây hậu quả nặng nề về người và tài sản”.
Trước thực trạng nhức nhối này, các chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần triển khai những biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ hơn. Việc tăng cường tuần tra, kiểm soát các tuyến đường trọng điểm, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm là điều cần thiết. Đặc biệt, nên đặt các trạm cân lưu động tại những điểm nóng để phát hiện và ngăn chặn xe quá tải từ sớm.
Song song với đó, cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông của các doanh nghiệp vận tải và tài xế thông qua việc tuyên truyền, tập huấn. Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông cũng cần được đẩy mạnh để tổ chức các đợt ra quân đồng bộ, thường xuyên. “Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt hơn để đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Nguyễn Văn Hải kiến nghị.