PV: Xin ông cho biết những nét khái quát về xã Nậm Giải?

Ông Lô Minh Tường: Nậm Giải là một xã miền núi biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Xã có diện tích 144,83km2 với đường biên giới 9,5 km giáp với nước bạn Lào. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 54,41%. Thành phần dân tộc 99,8% là người dân tộc Thái; Xã có 5 thôn bản.

j-1689730939.jpg
Ông Lô Minh Tường – Chủ tịch UBND xã Nậm Giải.

PV: Trong những năm qua, xã Nậm Giải đã thực hiện mục tiêu giảm nghèo như thế nào và đạt được những kết quả gì cho đến thời điểm hiện nay?

Ông Lô Minh Tường: Trong giai đoạn 2020 – 2025 xã đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động sự hưởng ứng tích cực của bà con nhân dân, nhận thức của người nghèo dần thay đổi, cơ bản không còn ỷ lại, có những tấm gương sáng dám nghĩ, dám làm để thoát nghèo đi lên, có nhiều hộ gia đình viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Xã cũng được quan tâm từ các cơ chế chính sách để đầu tư xây dựng điện, đường, trường, trạm và giao thông. Từ đó, diện mạo của xã có những sự thay đổi rõ nét so với trước đây.

kkk-1689730968.jpg
Mô hình nuôi gà cỏ địa phương đang phát triển.

Đặc biệt, thời gian qua, UBND xã thường xuyên chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể đưa giống dưa của địa phương vào trồng và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là giống dưa phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Xã đã tuyên truyền cho bà con trồng giống dưa này. Hiện tại, diện tích trồng dưa bán ra thị trường tăng trên 2,5 - 3ha, chưa kể diện tích bà con trồng để phục vụ gia đình.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp nguồn giống, phối hợp với Hội nông dân huyện tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế của cây trồng.

r-1689730991.jpg
Giống dưa địa phương quả to, ngọt, giòn...đang trở thành thương hiệu được ưa chuộng tại xã Nậm Giải trong những năm qua.

Ngoài ra, xã cũng có mô hình nuôi gà bản địa của hộ anh Quang Văn Trung tại bản Piêng Lâng. Sau khi được hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi gà bản địa từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An và Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Quế Phong, anh Trung không những mở rộng thêm quy mô mà còn quyết định nuôi thêm gà ấp trứng, đầu tư 01 máy ấp để cung cấp giống xuất bán ra thị trường. Hiện nay, gia đình anh Trung đang nuôi 500 gà thịt bản địa và 1000 con để ấp trứng cung cấp giống. Mô hình của anh Trung đang thực hiện rất có hiệu quả kinh tế, cho thu nhập cao, trở thành mô hình để nhiều hộ gia đình địa phương tham khảo, học tập.

rr-1689731017.jpg
Trồng khoai sọ cũng đang trở thành đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Nậm Giải.

Hay nổi bật như bản tái định cư bản Piêng Lâng dù mới được hình thành từ năm 2009 sau trận lũ quét lịch sử năm 2007 khiến 13 người chết hiện đang có sự đổi thay đáng kể. Bản này có mô hình trồng khoai sọ với diện tích 6 ha đang cho thấy hiệu quả kinh tế cao; bên cạnh đó, người dân còn tích cực trồng keo, quế, sở, xoan và 10 ha hoa màu các loại. Nhờ đó, những năm gần đây, đời sống người dân trong bản cũng ấm no hơn; ngành chăn nuôi cũng được đẩy mạnh, toàn bản hiện có tổng đàn trâu, bò gần 250 con, đàn lợn 150 con, đàn dê 30 con, gia cầm 2.000 con và gần 2 ha ao cá. Đã có một số hộ hình thành gia trại chăn nuôi quy mô lớn.

PV: Vậy xin ông cho biết những khó khăn mà xã chúng ta đang phải đối mặt trong công tác giảm nghèo là gì?

Ông Lô Minh Tường: Nhưng khó khăn của xã chúng tôi đang phải đối mặt đó là, mặc dù công tác giảm nghèo đạt được một số kết quả quan trọng nhưng do vị trí địa lý cùng các điều kiện tự nhiên của xã Nậm Giải còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể như về việc thiếu đất sản xuất, thiên tai sạt lở, giao thông đi lại còn khó khăn, điểm xuất phát của đồng bào dân tộc thấp, trình độ dân trí chưa đồng đều, hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao so với mặt bằng chung của nhiều xã trong huyện.

u-1689731048.jpg
Một góc bản Piêng Lâng – Bản tái định cư cho người dân sau trận lũ quét lịch sử khiến 13 người chết vào năm 2007.

Vì thế, công tác giảm nghèo bền vững trong thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách cần phải có sự hỗ trợ từ cấp trên cũng như sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và từng người dân.

PV: Vậy, các giải pháp chủ yếu trong thời gian tới cho chương trình mục tiêu giảm nghèo của xã Nậm Giải như thế nào, thưa ông  ?

Ông Lô Minh Tường: Qua thực tiễn địa phương, lãnh đạo xã Nậm Giải kiến nghị và có những giải pháp để đẩy nhanh công tác giảm nghèo tại địa phương như sau:

Thứ nhất, cần tăng cường hỗ trợ gián tiếp và hỗ trợ động lực là chính, cần đầu tư kết cấu hạ tầng như đường giao thông…. cho vùng sâu, vùng xa, tăng cường thông tin tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy nhận thức cho đồng bào dân tộc, chỉ hỗ trợ trực tiếp những trường hợp đặc biệt khó khăn, cần tăng chi phí dịch vụ, công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là cần có chính sách riêng cho các xã biên giới như xã Nậm Giải.

uu-1689731074.jpg
Một buổi tuyên truyền dưới bản ở xã Nậm Giải.

Bên cạnh đó cần quán triệt và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giảm nghèo bền vững.

Tăng cường công tác vận động quần chúng, thường xuyên kiểm tra, giám sát đôn đốc rút kinh nghiệm, tìm ra cách làm phù hợp với điều kiện đặc thù, phát hiện những gương điển hình tiên tiến gương mẫu, làm việc tốt, làm tốt công tác thi đua khen thưởng.

q-1689731101.jpg
Công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh, xây dựng nhà vệ sinh và di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi sàn nhà được người dân thực hiện rất tốt nhờ công tác tuyên truyền hiệu quả.

Tuyên truyền vận động nhân dân vay vốn ngân hàng giúp người dân lập nghiệp và xuất khẩu lao động và có thu nhập cao, đây là giải pháp giảm nghèo trọng điểm.

Tận dụng các chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ của các cơ quan để đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng để thay đổi diện mạo các bản làng...

Nếu có các chính sách như vậy chắc chắn sẽ giảm nghèo bền vững cho bà con nhân dân xã Nậm Giải trong tương lai gần.

Xin trân trọng cảm ơn ông !

Theo Đình Tiệp - baotainguyenmoitruong.vn