Mở ra cơ hội sản xuất hàng hóa

Tại tỉnh Hà Tĩnh, thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất nông sản sạch nhằm nâng cao đời sống, sau khi thỏa thuận với các hộ dân, anh Trần Tiến Sỹ - Giám đốc HTX Nông nghiệp Sen Hào Thành thuê lại đất và đầu tư 1,3 tỷ đồng cải tạo, chỉnh trang ruộng để chuyển đổi sản xuất sang trồng sen.

Anh Trần Tiến Sỹ cho biết: “Bắt tay vào mô hình sản xuất sen, HTX có hai vùng sản xuất thuộc địa bàn thôn Đồng Trang (5 ha) và Thanh Tiến (7,2 ha) thuộc xã Đồng Môn, thành phố Hà Tĩnh. Ban đầu, vùng này chủ yếu là đất lúa kém hiệu quả của bà con nông dân. Sau khi UBND thành phố, xã Đồng Môn triển khai chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, chúng tôi đã mạnh dạn tiếp cận, cùng cấp ủy, chính quyền vận động bà con cho thuê”.

yy-1689219294.jpg
Mô hình sản xuất rau, củ, quả tập trung tại xã Đồng Môn, thành phố Hà Tĩnh


Hiện, 9,2 ha là đất HTX Nông nghiệp Sen Hào Thành thuê lại của bà con nông dân theo hình thức trả bằng tiền và 3 ha là đất do UBND xã quản lý. Đến nay, tất cả các diện tích đã được phủ kín với hơn 30 giống sen. Mục tiêu của HTX là khai thác giá trị hàng hóa, chế biến các sản phẩm về sen nhằm xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của TP Hà Tĩnh, kết nối với các chuỗi sản xuất trên thị trường.

Anh Nguyễn Xuân Lộc - Chủ mô hình sản xuất rau, củ, quả tập trung tại thôn Đức Phú, xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh, cho biết: “Trước đây làm nghề xây dựng nhưng khi nhận thấy được tiềm năng của địa phương cùng với những chính sách phát triển nông nghiệp mới, tôi quyết định chuyển đổi nghề. Hiện, diện tích sản xuất 3 ha, trong đó, 2 ha đất tôi thuê lại của các hộ dân và 1 ha đất do UBND xã quản lý. Trong vụ dưa lưới đầu tiên, với 700m2 sản xuất trong nhà màng, tôi thu về hơn 100 triệu đồng; khoảng 3 - 4 tháng nữa, các loại tôm, cá cũng sẽ cho thu hoạch. Việc địa phương thực hiện chuyển đổi, tập trung ruộng đất không chỉ tạo cơ hội làm giàu cho cá nhân mà còn góp phần chỉnh trang đồng ruộng, khai thác được tiềm năng quỹ đất”.

vd-1689219319.jpg
Mô hình trồng sen mang lại hiệu quả sản xuất tại Hà Tĩnh

Có thể thấy, từ vùng đất cằn cỗi, quanh năm khô hạn, người dân sống thuần nông với năng suất lúa và thu nhập rất thấp. Bằng huy động nông dân góp đất, lập kế hoạch và cùng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao để doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất thuê lại đang phát huy hiệu quả sản xuất, mở ra cơ hội mới trong sản xuất nông sản hàng hóa và nâng cao thu nhập, giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.

Thúc đẩy mục tiêu xóa đói, giảm nghèo

Theo mục tiêu của Nghị quyết 06-NQ/TU, đến năm 2025, Hà Tĩnh tập trung, tích tụ đạt 15.000 ha; từ 2025-2030 đạt 30.000 ha. Thống kê của Sở TN&MT, đến nay, có 10/13 đơn vị cấp huyện có số liệu báo cáo về kế hoạch thực hiện công tác tập trung, tích tụ đất đai với 122 đơn vị cấp xã, diện tích 16.059,39 ha. Trong đó, năm 2023 tập trung, tích tụ 5.106,86 ha; năm 2024 là 3.652,57 ha; năm 2025 là 3.227,58 ha; sau năm 2025 là 4.073,2 ha.

Ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho biết: “Công tác chuyển đổi ruộng đất đã thay đổi tư duy tổ chức sản xuất, ứng dụng các chủ trương của tỉnh về sản xuất cánh đồng lớn. Chính vì lẽ đó, huyện nhất quán quan điểm chuyển đổi gắn với nhu cầu thực tiễn, xây dựng đề án từ thôn, trình UBND huyện phê duyệt và thực hiện các bước đo đạc, cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân…”.

Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cũng cho hay, đến nay, tổng diện tích thực hiện cải tạo đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, cho thuê quyền sử dụng đất toàn tỉnh là gần 8.550 ha. Trong đó, diện tích phá bờ thửa nhỏ hình thành ô thửa lớn là hơn 5.830 ha, diện tích dồn điền đổi thửa là hơn 2.600 ha, cho thuê quyền sử dụng đất là hơn 117,7 ha. Riêng năm 2023, theo đăng ký của các địa phương, diện tích thực hiện (theo Nghị quyết 06-NQ/TU) là 5.135 ha trên 41 xã, thị trấn.

j-1689219350.jpg
Tích tụ ruộng đất hình thành nên những cánh đồng thửa lớn tại Hà Tĩnh

Ông Nguyễn Văn Việt- Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho hay: “Sau chuyển đổi, 100% cánh đồng được bố trí sản xuất các giống lúa mới, chất lượng cao, liên kết doanh nghiệp, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Quan trọng, cách thức sản xuất mới từng bước thay đổi thói quen trong sản xuất, chuyển từ nhỏ lẻ và gieo cấy truyền thống sang tập trung, đồng nhất về giống, quy trình và sản phẩm, từng bước tăng năng suất lao động và thu nhập cho người dân”.

Nhờ làm tốt công tác tích tụ ruộng đất mà những vùng sản xuất rộng lớn, quy hoạch tập trung được hình thành. Chính từ xuất phát đó, ngày càng nhiều người ở Hà Tĩnh quan tâm đầu tư vào nông nghiệp với nhiều chủ thể khác nhau: doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, dựa trên việc thuê lại những vùng đất đã quy hoạch tập trung từ 2 - 3 ha đến vài chục ha/mô hình, hình thành những cánh đồng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập, mở ra cơ hội thoát nghèo và vươn lên cho người nông dân.

Nghị quyết 06-NQ/TƯ ngày 18/11/2021 của BCH Đảng bộ Hà Tĩnh về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo là sự quan tâm, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị nhằm tạo bước ngoặt mới trong sản xuất nông nghiệp, làm tiền đề thay đổi đời sống đại bộ phận người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội toàn tỉnh.

Theo Đức Cảnh - baotainguyenmoitruong.vn