Ở huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn, phong trào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ thông qua việc phát động nhiều phong trào thi đua, xây dựng nhiều mô hình sản xuất, lao động sáng tạo.

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với trình độ tiếp cận của từng vùng đã nâng cao được ý thức trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể, của bản thân người nghèo, hộ nghèo.

Khơi dậy ý chí tự lực vượt qua khó khăn, chăm chỉ làm việc để vươn lên thoát nghèo bền vững và từng bước làm giàu trên chính quê hương mình.

yyy-1687914203.jpg
Nhờ phát triển chăn nuôi, nhiều hộ dân đã thoát nghèo.

Sau đợt lũ quét lịch sử tháng 10/2022, toàn bộ diện tích 5.430 m2 ruộng của gia đình ông Vi Văn Dũng người dân tộc Thái bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) bị vùi lấp sâu dưới lớp đất đá sạt lở từ trên núi xuống.

Giải quyết khó khăn trước mắt, huyện hỗ trợ hoàn toàn cho gia đình anh ngày công máy xúc, máy cày, giống, phân bón và đường ống dẫn nước tưới tiêu.

Vụ xuân năm nay, trên diện tích 2.000 m2 đất mới cải tạo, trồng rau quả các loại, kết hợp chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm đã cho gia đình anh thu nhập hơn 35 triệu đồng.

Anh Dũng tâm sự: “Khó khăn nhất ở đây là thời thiết quá khắc nghiệt. Lúc mưa nhiều, lúc nắng nóng quá to và thời gian kéo dài gây hạn hán dẫn đến tình trạng không có nước tưới tiêu”.

Do địa hình đồi núi cao, khe suối nhiều, hộ nghèo vẫn còn ở mức cao nên nhiều xã cũng khó khăn trong việc xóa nghèo. Hữu Kiệm là xã đầu tiên và duy nhất cho đến nay của huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng cũng còn hạn chế trong việc nâng cao đời sống cho người dân.

gg-1687914233.PNG
Trồng nhiều rau quả các loại, gia đình ông Vi Văn Dũng có thêm thu nhập.

Ông La Thanh Hà - Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm chia sẻ: “Vấn đề tăng thu nhập cho người dân hết sức khó khăn. Người dân ở các thôn, bản cuộc sống gắn với rừng, đất đai rừng nên thu nhập không cao”.

Là huyện niền núi biên giới khó khăn, có 19/21 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, dân cư phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo chiếm 54,36%, hộ cận nghèo 15,98%.

Nhiều chương trình, dự án gắn với mục tiêu giảm nghèo như chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bên vững, xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và các nguồn lực giảm nghèo được ưu tiên đầu tư cho các xã nghèo nhanh chóng được triển khai thực hiện, trở thành phong trào lớn và sâu rộng.

Nghiêm túc thực hiện việc khảo sát, rà soát đúng, phù hợp với thực trạng đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã để đánh giá, phân loại cụ thể theo nhóm nguyên nhân nghèo. Từ đó đề ra giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp cho từng nhóm hộ nghèo.

Thực hiện Quyết định số 1893/QĐ-UBND ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh Nghệ An về việc giao kế hoạch thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2022, huyện Kỳ Sơn hiện đang thực hiện 7 dự án như: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; Đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin và Dự án nâng cao năng lực và giám sát đánh giá chương trình.

43-1687914264.PNG
Ngôi nhà tình nghĩa được trao tặng giúp người dân ổn định chỗ ở,phấn đấu nỗ lực để thoát nghèo.

Nhờ có nhiều chủ trương kịp thời nên công tác xóa đói giảm nghèo của Kỳ Sơn đã trở thành một phong trào sâu rộng và tạo động lực thi đua giữa các xã. Tạo được sự chuyển biến tích cực về hạ tầng cơ sở, đời sống vật chất, tinh thần của mọi người dân từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, có nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo là tốt nhưng chưa có tác dụng khuyến khích, ý thức phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo.

Một bộ phận hộ nghèo, xã nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại không muốn thoát nghèo để được hưởng chế độ, chính sách của nhà nước.

Năm 2023 và những năm tiếp theo, ông Vi Hòe – Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: Huyện sẽ đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể và các xã. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân về việc thoát nghèo.

Lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế xã hội của huyện với chương trình giảm nghèo. Huy động các nguồn lực, tận dụng mọi lợi thế sẵn có của địa phương để có giải pháp giảm nghèo bên vững.

Thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo thực sự là cơ sở cho sự phát triển bền vững, toàn diện cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới.

Theo Hồng Sơn - phapluatplus.vn