Những ngày này, về thị trấn Tân Lạc (huyện Quỳ Châu) khắp các ngả đường, con phố đều đã thoang thoảng mùi hương, gợi lên một không gian đầm ấm trong giá lạnh của mùa đông vùng cao.
Lạc giữa man mác mùi hương trầm. Mùi hương đầm ấm, thú vị rất quen thuộc này cùng với không khí náo nhiệt, khẩn trương của các làng nghề khiến chúng tôi có cảm giác như ngày Tết đã đến rất gần.
Đây là thời điểm làm hương cho vụ hương lớn nhất năm. Dọc trên các tuyến đường quốc lộ, nhà nhà, người người đang hối hả công việc để đưa những bó hương đi nhập cho các cửa hàng và chuẩn bị những đơn hàng cho các đại lý từ Hà Nội, Hải Phòng cho đến các tỉnh phía Nam. Các em nhỏ thì tranh thủ những buổi nghỉ học lấy hương ra bán dọc tuyến quốc lộ.
Vào sâu một chút, một khung cảnh nhộn nhịp khiến chúng tôi ngợp mắt khi từ ngõ vào sân, từ sân vào nhà là một dây chuyền sản xuất hương. Người cắt giấy quấn hương, người khác se hương, những em nhỏ, người lớn tuổi thì phụ dán mác đóng sản phẩm…không ai nói ai mà thay vào đó là những câu chuyện vui làm cho không khí lúc nào cũng vui vẻ và nhộn nhịp.
Ông Bùi Xuân Đường, Trưởng làng nghề làm hương khối 2 (thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu), cho biết đây là thời điểm gấp rút cho vụ hương lớn nhất năm nên tất cả các cơ sở sản xuất hương trên địa bàn đều đang làm việc hết công suất. Nhiều cơ sở phải thuê hàng chục công nhân làm việc cả đêm lẫn ngày để kịp cho các đơn hàng trên cả nước.
Để có được những búp hương đẹp, mùi thơm đặc biệt của vùng núi miền Tây xứ Nghệ, những người làm hương phải cầu kỳ từng công đoạn, từ chuẩn bị các nguyên liệu làm bột hương, chân hương rồi đến công đoạn quấn hương để tạo thành que hương hoàn thiện.
“Mùa hương trầm được bắt đầu từ giữa tháng 10 âm lịch, nhưng chúng tôi phải chuẩn bị các nguyên vật liệu từ rất sớm. Một que hương tưởng chừng rất đơn giản như vậy nhưng để tạo nên được thương hiệu, đặc trưng riêng khi đốt nó lên thì người làm cần phải tinh tế từ khâu nguyên liệu cho tới việc quấn hương”, chị Trần Thị Loan, chủ cơ sở sản xuất hương trầm Hà Loan (Khối 2A, thị trấn Tân Lạc) cho biết.
Theo chị Loan, với hương trầm Quỳ Châu, nguyên liệu chủ yếu là rễ cây hương bài. Nó có mùi thơm dịu, là một loại cây thảo mộc, rễ chùm, mọc thành từng bụi, có nhiều ở vùng núi xứ Nghệ.
Ngoài ra, nguyên liệu làm hương trầm còn có các loại hoa hồi thảo quả, quế chi, trầm xô, bã mía và một vài vị thảo mộc đặc biệt được giữ kín riêng của làng nghề.
Không biết từ bao giờ hương trầm Quỳ Châu đã trở thành “đặc sản” của miền tây xứ Nghệ. Hương được quấn chặt bằng giấy bản, có loại đặc biệt dài tới 1m, loại thông dụng dài 50cm... Tùy từng loại mà có giá bán khác nhau. Hương ở đây thắp cháy đượm, khói mỏng, có mùi thơm ngọt, tàn hương uốn cong tuyệt đẹp. Nhiều người khắp các tỉnh đã có thói quen về tận Quỳ Châu hoặc nhờ người quen mua giúp những nén hương trầm Quỳ Châu để làm quà biếu hoặc thắp bàn thờ gia tiên dịp tết.
Ông Đậu Công Hà (ngụ khối 2, thị trấn Tân Lạc), một trong những hộ có thâm niên làm hương lâu nhất trong vùng cho biết: “Nghề sản xuất hương trầm ở đây là nghề truyền thống cha ông để lại, có từ rất lâu rồi. Trung bình mỗi năm họ sản xuất 100 vạn cây hương trầm/hộ, gia đình sản xuất ít cũng được 50 vạn cây hương trầm, trừ các chi phí thì cũng lời 40 - 60 triệu đồng nên cuộc sống bà con cũng đỡ vất vả hơn”
Dù đã bắt đầu quấn hương từ gần 2 tháng nay, nhưng do lượng đặt hàng năm nay lớn nên đến nay ông Hà vẫn phải liên tục huy động thêm người làm để kịp giao hàng đúng hẹn. Hiện nay, cơ sở của ông có 25 nhân công làm việc suốt ngày đêm nhưng vẫn còn thiếu gần 40 vạn cây hương trầm mà khách đặt nên ông phải huy động thêm cả vợ con ra làm để kịp tiến độ.
Nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu đã có gần 40 năm về trước. Hiện toàn huyện Quỳ Châu có 7 làng nghề hương trầm thuộc 5 xã, thị trấn sản xuất hương. Trong đó, riêng thị trấn Tân Lạc có 2 làng nghề sản xuất hương trầm với gần 100 hộ, bình quân mỗi năm cung cấp hàng chục triệu cây hương ra thị trường.