jh-1703302312.jpg
Bánh bèo xứ Nghệ.

Bánh bèo Nghệ thực chất là làm từ bột lọc, nhưng không phải là bánh bột lọc như kiểu Bình - Trị - Thiên. Nếu có giống nhau thì cũng có thể nhìn thấy trên bề mặt, còn hương vị rõ ràng có sự khác nhau. Đi sâu hơn về mỗi loại bánh này, chắc phải làm một khảo sát kiểu “ẩm thực học”. Ở đây, người viết không có ý so sánh mỗi loại bánh mà muốn đề cập một loại bánh bèo của người Nghệ, đậm chất Nghệ.

Bánh bèo Nghệ đó là loại bánh ướt, mong mỏng, để trần không gói lá, ăn sẵn. Cảm nhận chung của nhiều người mê bánh bèo quê Nghệ là ăn vào sần sật, bùi bùi, deo dẻo dai dai, ngọt lẫn vị cay, hương thơm hấp dẫn. Đã ăn và thích rồi thì nhớ mãi, lâu không ăn lại thèm. Bánh ăn nóng mới ngon.

Bánh bèo được tạo thành từ bột lọc (phần thịt bánh) và lõi bánh (nhân bánh), đi kèm với đó là các gia vị đặc trưng. Không chỉ quan trọng ở bột lọc là thành phần chính mà còn là ở các phụ gia để tạo thành hương vị bánh. Cách chế biến cũng khá cầu kỳ. Bột phải nhồi với nước đủ nhuyễn, đảm bảo độ dẻo để nặn bánh. Gia vị thì tương ớt (hoặc ớt tươi), rau mùi, hành khô, nước mắm... Nhân bánh có thể làm bằng thịt, hay mộc nhỉ nhưng đặc trưng bánh bèo Nghệ vẫn là nhân tôm. Thường thì nhân bánh phải được ướp hay chao qua (xào qua) nêm gia vị đủ ngon rồi mới đưa vào làm nhân. Và có lẽ, bánh bèo với nhân tôm là ngon hơn cả. Tôm thường là tôm đồng, con nhỏ và bóc vỏ được gói vào trong những “tai bánh” làm sẵn, khi tôm được hấp chín trong thịt bánh, hình trong của bột lọc làm nổi lên nguyên vẹn con tôm, và chính vì hấp chín cùng bánh khiến tôm không còn nhạt như tôm luộc mà đậm và bùi hơn.

Người Nghệ có nhiều kiểu nấu bánh bèo, hoặc bánh nước múc ra bát, hoặc bánh khô trưng ra đĩa được cho thêm một ít hành khô và rau thơm khiến ai cũng phải thèm thuồng. Mỗi thứ có một cái hay riêng. Tuy nhiên, đĩa bánh bèo sẽ hấp dẫn hơn với chút nước dùng được ninh từ xương heo và luôn ở trạng thái nóng hổi. Vị cay của tương, vị bùi của tôm, vị thơm của rau mùi, hành... cùng bánh bèo làm từ bột lọc sẽ đem lại cho người thưởng thức một thứ hương vị bình dị nhà quê nhưng rất đậm đà, thích thú.

Người Nghệ yêu thích làm và ăn bánh bèo là vậy, nhưng cũng chưa ai biết bánh bèo có có lịch sử và nguyên do như thế nào. Có người cho rằng, bánh bèo vì nó giống như tai bèo nổi lên mặt nước khi đem bánh luộc với nước dùng.

Với tôi, nhắc lại chút kỷ niệm bánh bèo với quê hương thì cũng chủ yếu sâu đậm nhất là cái thời đi học. Hồi đó vào những năm 1994-1997, thị xã cũng có khá nhiều quán bánh bèo, nhưng bánh nổi tiếng gần trường cấp III Phan Đình Phùng, nằm phía sau rạp hát đó là bánh bèo bà Thanh. Bà thường bán bánh bèo trong chiếc bát con (người quê gọi là đọi), mỗi bát không rõ là mấy tiền nhưng thường với mỗi suất ăn bán kèm thêm một hộp sữa chua trong lộ nhựa, do chủ quán tự chế.

Cứ sau giờ tan học buổi trưa, mà đông nhất là buổi chiều tối, từng tốp từng tốp chủ yếu là học sinh cấp 2, cấp 3 của thị xã và dân lân cận, kéo nhau vào quán ngồi chật ních, có khi 9h tối chủ quán đã thông báo hết bánh.

Nhiều bạn thích bánh bèo, coi đó là quà iu, nghiền ăn. Cũng không ít top ra chơi rủ nhau đi ăn bánh để rồi vào lớp muộn giờ lét la lén lút kiểu học trò sợ thầy cô hỏi nguyên do.

Có một lần, có chuyện gì đó vui, đại loại là thuộc dạng thành tích, lần đầu tiên cả tổ đòi khao và cũng chẳng có gì hơn, dịp đó tôi đãi các bạn một chầu bánh bèo.

Nhớ nhiều nhất là kỷ niệm với cậu bạn cùng lớp tên Thắng, nhà cũng gần gần chỗ bánh bèo. Ngày xưa học xa nhà thường tá túc, nhất là mùa thi hay ở lại học ôn cùng bạn. Đêm sau khi học ôn, hai thằng lại lang thang kiếm cái gì đó để ăn. Cũng chẳng có cao lương mĩ vị gì, thường là cu đơ hoặc bánh bèo...nó chung là mấy món bình dân kẻ chợ ăn lúc đói lòng, nhưng đó lại cũng toàn là đặc sản của một vùng.

Chính vì những kỉ niệm tuổi thơ và sự yêu thích loại bánh này, mỗi năm có dịp về quê, hoặc mời bạn hoặc rủ rê bạn mời mình ăn bánh bèo, ngay cả ngày tết. Đôi khi còn đãi bạn khác xứ bánh bèo khi họ ghé công tác hoặc đến thăm quê, tự hào mời chào coi đó như một đặc sản ngụ ý rằng, nếu không ăn bạn sẽ tiếc!

Ra Hà Nội, ngày còn chưa có quán bánh bèo như bây giờ, muốn ăn bánh này phải tự làm. Bột phải nhờ mua ở quê, chứ Hà Nội không có bột sắn làm bánh này. Dăm ba anh em bè bạn tụ lại với nhau, người nhồi bột, người xào tôm, người nặn bánh, người làm nước dùng...rộn ràng cả một khu nhà, để rồi sau đó cả nhóm được bữa món ngon mát lòng, đậm vị quê hương.

Có một dạo, khi tôi còn đi dạy ở trường ven đô, các sinh viên hẹn tụ tập làm bánh bèo quê để mời thầy cùng thưởng thức. Các em đã biến buổi làm bánh thành buổi liên hoan thầy trò đồng hương và giới thiệu bánh bèo với bạn đến từ những vùng quê khác. Nhớ không khí liên hoan bữa đó ấm cúng và cảm động.

Giờ đây, kiếm bánh bèo ở Hà Nội không khó. Chỉ cần vào google gõ ít từ khóa là ra. Hoặc gặp nhau ôn chuyện cũ, hoặc giao đãi bạn bè, đều có thể đến với quán bánh bèo bình dân nhưng có một hương vị rất đặc trưng mà không vùng quê xứ Bắc nào có được.

Ăn bánh bèo Nghệ ở Hà Nội thú nhất là vào mùa se lạnh. Trong cái tiết trời thu – đông ấy, cùng nhau với đĩa bánh bèo ấm nóng, thơm cay, thật là tuyệt, đủ ngon để xuýt xoa, đủ cay ấm nóng để đuổi cái rét đi, dư vị thêm ngọt ngào và thêm phần tự hào, yêu mến quê hương.

Cho đến nay, bánh bèo Nghệ chưa phải là một thương hiệu nổi tiếng như kẹo cuđơ, nhưng bánh bèo đã có mặt trên nhiều vùng miền nơi có những người Nghệ đến làm ăn, cư trú. Bánh đã đi cùng năm tháng với quê hương xứ Nghệ, trở thành một món ngon ẩm thực của mảnh đất khắc nghiệt này. Ăn rồi sẽ nhớ, nhớ rồi lại lưu luyến. Món ngon khó quên! Tình nồng tình đượm! Hy vọng bánh bèo Nghệ ngày càng được nhiều người yêu thích, không chỉ là những người con mang gốc gác xứ Nghệ.