1. Đi trửa cươi là gì?
Đi trửa cươi là phương ngữ Nghệ An - Hà Tĩnh có nghĩa là "đi giữa sân". Cụ thể hơn, trong tiếng Nghệ "trửa" có nghĩa là "giữa", "cươi" có nghĩa là "sân trước nhà".
Trong bài viết cấy cươi là gì trước đó Nghệ ngữ đã giải thích chi tiết rằng: Cấy cươi là sân trước nhà, không phải sân sau nhà, cũng không phảicác khoảng sân khác như sân bóng các loại.
Người dân xứ Nghệ ở quê luôn luôn có "cái cươi" trước nhà, "cươi" là cầu nối giữa nhà và ngõ. Sau này, cuộc sống phát triển, nhiều miền quê trở thành thành phố hoặc thị trấn thì đất hẹp, người đông nên dần dà mất cả "cươi" lẫn "ngọ" (cửa ngõ).
Một số từ thường dùng có từ "trửa", "cươi" như sau:
Bổ trửa cươi: Té ngã giữa sân
Phơi ló trửa cươi: Phơi lúa giữa sân
Lấy chủi ra quét cươi: Lấy chổi ra quét sân
2. Đập chắc là gì?
Đập chắc trong tiếng Nghệ có nghĩa là đánh nhau. Ví dụ người Nghệ nói "bọn nớ say riệu rồi đập chắc" (bọn kia say rượu rồi đánh nhau). Hoặc "bay cò gan thì đập chắc tau coi mồ" (Tụi mày có gan thì đánh nhau tao xem nào).
Tuy nhiên, từ "chắc" còn có nhiều nghĩa khác. Bạn đọc có thể tham khảo ở bài viết Về từ chắc trong ngôn ngữ xứ Nghệ nhé.
3. Mậm là gì?
Một từ khác mà bạn đọc cũng thắc mắc là từ "mậm". Xin thưa với bạn đọc, "mậm" trong tiếng Nghệ có nghĩa là "mầm", "mần cây non", "chồi".
Ví dụ người Nghệ nói "cơn chanh lên mậm rồi" (cây chanh nảy mầm rồi). Hoặc người Nghệ còn hay nói "ló mọoc mậm rồi" (lúa nảy mầm rồi).
Tuy nhiên, một số vùng ở Nghệ Tĩnh còn dùng từ mậm để diễn tả sự mập mạp, béo tốt. Từ này tuy không phổ biến nhưng vẫn có vùng dùng nhé!
4. Con tru là gì?
Con tru chính là con trấu trong tiếng Việt. Người Nghệ Tĩnh gọi con tru, đi tru, rèo tru... để chỉ về con trâu.
Tuy nhiên, có một số tiếng lóng về "tru" mà bạn đọc cần biết nha. Ví dụ như sau:
Trốc tru (trốôc tru): Dốt, chậm hiểu
Mần như tru: Làm nhiều, làm khỏe, làm cơ cực quá
Béo như tru: Rất béo
Hy vọng qua bài viết này bạn đọc đã hiểu thêm một số từ tiếng Nghệ phổ biến. Nếu còn gì thắc mắc bạn đọc vui lòng nhắn tin qua Fanpage Tiếng Nghệ nha.