1. Tru là gì? Con tru là con gì?
Con tru là con gì? Thưa bạn đọc, con tru có nghĩa là con trâu - đây là phương ngữ mà người dân Nghệ An Hà Tĩnh thường dùng để gọi.
Cụ thể, tùy theo vùng mà người dân xứ Nghệ không nói "chăn trâu" mà nói "rèo tru" hoặc "dự tru". Lúc này "rèo" hoặc "dự" có nghĩa là "chăn", còn "tru" có nghĩa là "trâu".
Bạn đọc cũng có thể thấy nhiều người Nghệ nói hội rèo tru, rèo bò chính là để gợi nhớ hội nhóm chăn trâu, chăn bò cắt cỏ thuở nhỏ. Hoặc người Nghệ nói "rọong su, tru nái khung bằng cân gái đầu lòng" (ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng).
Vì con tru gắn liền với cuộc sống của người dân xứ Nghệ nên trong cuộc sống có nhiều câu nói giao tiếp gắn với từ tru mà Nghệ ngữ sẽ giải thích sau.
2. Tru là gì? Vì sao người Nghệ hay nói tru
Tru là gì trong tiếng Nghệ? Như giải thích ở trên, tru có nghĩa là trâu. Tất nhiên, từ tru đứng một mình còn có nghĩa khác theo tiếng Việt phổ thông nhưng Nghệ ngữ không đề cập ở đây.
Sở dĩ người Nghệ hay nói từ tru trong giao tiếp vì đây là con vật gắn với cuộc đời làm nông của họ. Với người Nghệ xưa, con tru là cả gia tài, vật rất đáng quý. Tuy nhiên, tru cũng là động vật không quá thông minh, hơi lỳ lợm nên một số từ ngữ khác xuất hiện từ đây.
Trốôc tru (trốc tru): Đầu trâu (ý nói người lỳ lợm, bảo thủ, nói không chịu nghe).
Lỳ như tru: Tương tự ý trên, chỉ người lỳ lợm.
Nhớp như tru: Bẩn như trâu, ý chê người bẩn thỉu.
Nhác như tru: Lười biếng như trâu, ý chê người suốt này không chịu làm việc gì.
Bạo như tru: Khỏe như trâu, ý nói người có sức khỏe phi thường.
Mần như tru: Làm như trâu, ý nói người làm việc không quản nắng mưa, làm không ngơi nghỉ.
Dốt như tru: Chỉ người dốt, kém thông minh
Đồ tru đất: Nói người kém hiểu biết, không chịu tiếp thu
Hy vọng với giải thích trên bạn đọc đã biết tru là gì và con tru là con gì trong tiếng Nghệ rồi.