Gia nhập hàng ngũ trí thức yêu nước

Vào những năm 1910s-1920s, ở Paris (Pháp) có một nhóm các nhà trí thức yêu nước Việt Nam, bao gồm: Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc) được người đương thời gọi là “Ngũ Long An Nam”.

Cả năm người đều lần lượt đến Pháp, sớm nhất là Phan Văn Trường (1908), muộn nhất là Nguyễn An Ninh (1918), trừ trường hợp Nguyễn Tất Thành đến từ cuối năm 1911 nhưng phải đến cuối năm 1917 mới thực sự sinh sống và hoạt động ở đây. Các thành viên “Ngũ long An Nam” đều là trí thức. Trong số năm người có 3 người là du học các bậc đại học, tiến sỹ. Cụ Phan Chu Trinh đến Pháp khi đã là tiến sỹ Hán học và đã đứng đầu phong trào Duy Tân chống Pháp của nước nhà. Nguyễn Tất Thành khi đến Pháp đã học bậc thành chung ở trường Quốc học Huế và trải qua quá trình tự học kiên trì trong thời kỳ bôn ba tìm đường cứu nước.

Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp, sau một thời gian tìm hiểu, làm quen với tình hình nước Pháp, dưới sự hỗ trợ của Phan Văn Trường và các đồng bào mình tại Paris, Nguyễn Tất Thành đã thành lập lập tổ chức Nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Nhóm này đã có những hoạt động sôi nổi, tiêu biểu nhất là soạn thảo và gửi cho Hội nghị Versailles “Bản Yêu sách của Nhân dân An Nam” vào ngày 18/6/1919. Bản Yêu sách soạn thảo bằng tiếng Pháp ký tên là Nguyễn Ái Quốc. Đây là sáng kiến chung của cả nhóm, trong đó có vai trò quan trọng của chí sỹ Phan Chu Trinh, đặc biệt là luật sư Phan Văn Trường. Theo Trần Dân Tiên thì: “Cũng nên nhắc lại ý kiến đưa yêu cầu do ông Nguyễn đề ra nhưng lại do luật sư Phan Văn Trường viết, vì lúc bấy giờ, ông Nguyễn chưa viết được tiếng Pháp”. Bản yêu sách gồm 8 điểm, mặc dù không được chấp nhận nhưng đã gây được tiếng vang rất lớn ở Pháp, thức tỉnh nhiều người, người Việt Nam và cả người Pháp; Góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh của người Việt Nam yêu nước vì nền độc lập dân tộc; Mở đầu cho cuộc đấu tranh lâu dài đòi hỏi cải cách dân chủ, để thức tỉnh, tập hợp nhân dân, điều mà trước đó chưa ai làm, cũng chưa có đoàn thể nào nghĩ tới: đòi cải cách mà không bị rơi vào chủ nghĩa cải lương, khẩu hiệu đòi lợi ích từng phần mở đường cho việc đưa ra những khẩu hiệu cơ bản.

Trong thời gian ở Paris, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh là những người rất gắn bó và giúp đỡ Phan Chu Trinh và Nguyễn Tất Thành. Nguyễn Thế Truyền và Phan Văn Trường là người đã giúp đỡ Nguyễn Tất Thành ổn định cuộc sống khi mới trở lại Pháp, giới thiệu ông với các nhà hoạt động chính trị xã hội Pháp để từ đó ông tham gia Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản Pháp.

Một thời gian sau, các thành viên đều lần lượt rời Paris và chọn cho mình một con đường yêu nước và cách mạng, có thể không cùng nhau, không giống nhau nhưng tất cả đều yêu nước và hết sức tôn trọng và gắn bó với nhau.

Vậy là, ngay từ khi khởi đầu sự nghiệp cứu nước, Hồ Chí Minh đã nỗ lực học tập và rèn luyện để tự “trí thức hóa”, gắn bó, đồng hành với các nhà trí thức và từng bước trở thành người trí thức tiên phong trong công cuộc cứu nước. Đó là một sự lựa chọn chính xác, là nền tảng để hình thành tư tưởng về trí thức của ông.

“Chính phủ Cụ Hồ” với trí thức

 Phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh. Thời cơ đến, trong hai ngày 16 và 17/8/1945, Mặt trận Việt Minh triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân, tán thành chủ trương của cuộc Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đại hội quyết định lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam gồm hầu hết là các vị trí thức nổi tiếng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu, Phó Chủ tịch. Cách mạng Tháng Tám thành công, Ủy ban Dân tộc Giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thành phần chính phủ vẫn chủ yếu là trí thức, gồm: Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Chu Văn Tấn, Dương Đức Hiền, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Văn Tố, Vũ Trọng Khánh, Đào Trọng Kim, Lê Văn Hiến, Phạm Ngọc Thạch, Phạm Văn Đồng, Vũ Đình Hòe, Cù Huy Cận.

09-1723883966.PNG
Chính phủ Liên hiệp Lâm thời Việt Nam năm 1946. Ảnh: Tư liệu

Tháng 9/1945, Pháp gây hấn ở Nam Bộ. Ngày 1/1/1946 thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến với sự mở rộng sự tham gia của nhiều đảng phái do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Nguyễn Hải Thần – Phó Chủ tịch và các Ủy viên là những trí thức, nhân  sĩ như Nguyễn Tường Tam, Huỳnh Thúc Kháng, Chu Bá Phượng, Phan Anh, Đặng Thai Mai, Vũ Đình Hòe, Lê Văn Hiến, Trương Đình Tri, Trần Đăng Khoa, Bồ Xuân Luật.

Ngày 6/1/1946, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, bầu được 333 đại biểu (sau bổ sung 70 ghế đặc cách cho hai đảng đối lập Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội và Việt Nam Quốc dân Đảng). Trong số đại biểu Quốc hội khóa I có rất nhiều trí thức thuộc các đảng phái khác nhau (Dân chủ, Xã Hội, Việt Cách, Việt Quốc) hoặc không đảng pluật sư Vũ Đình Hòe, kĩ sư Hoàng Văn Đức, bác sĩ Trần Duy Hưng, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, nhà giáo Nguyễn Thị Thục Viên). Chủ tịch Hồ Chí Minh và bác sĩ Trần Duy Hưng thuộc Việt Minh, còn lại của Đảng Dân chủ hoặc không đảng phái. Không cùng đảng phái nhưng họ đều là trí thức có tinh thần yêu nước và tham gia Quốc hội vì một phần trân trọng và tin tưởng vào Hồ Chí Minh.

Không chỉ là nghệ thuật chính trị mà vì thực tâm trọng tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời ông Vĩnh Thụy/Bảo Đại làm Cố vấn Chính phủ sau khi thoái vị. Hay việc mời cụ Huỳnh Thúc Kháng – một vị trí thức nổi tiếng ra làm việc cho Chính phủ cũng là thực sự trọng tài. Trước khi lên đường thăm Pháp, năm 1946, Hồ Chí Minh đã tin tưởng và quyết định trao Quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh với một lời dặn, và là mong, rằng: Xin Cụ ở nhà hãy “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. “Chính phủ Cụ Hồ” còn trọng dụng rất nhiều nhân sĩ trí thức đã từng làm việc cho các chính quyền trước cách mạng như Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Phan Anh, Đặng Văn Hướng… Hoặc chấp nhận sự tham gia chính phủ đối với Nguyễn Hải Thần (Việt Cách), Nguyễn Tường Tam (Việt Quốc)… Phải thật sự tôn trọng, tin tưởng trí thức, Hồ Chí Minh mới có cách ứng xử cao đẹp như thế.

Trí tuệ, nhân cách và lý tưởng Hồ Chí Minh là sức hấp dẫn lớn đổi với trí thức. Không đơn giản mà trong chuyến sang Pháp, năm 1946, đã có rất nhiều trí thức, nhà khoa học nổi tiếng từ bỏ vinh hoa phú quý để trở về nước tham gia kháng chiến kiến quốc cùng Hồ Chí Minh.

Trí thức, trong quan niệm của Hồ Chí Minh, không chỉ có tri thức mà phải hành động thực tiễn vì lợi ích của dân, của nước; Sự phát triển của đất nước có vai trò dẫn đường trí tuệ vô cùng to lớn của trí thức. Ngay khi nước nhà mới giành được độc lập, Hồ Chí Minh đã viết bài “Nhân tài và kiến quốc” đăng trên báo Cứu quốc ngày 14/11/1945: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Ngày 22/6/1947, khi cuộc kháng chiến đang cam go, trong cuộc trả lời một nhà báo nước ngoài, Hồ Chí Minh khẳng định: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”. Đây là quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh. Trước đó, ngày 20/11/1946, tình thế “nước sôi lửa bỏng”, cuộc chiến tranh chỉ còn tính bằng ngày, Hồ Chí Minh vẫn đăng trên báo Cứu quốc số 411 Thông lệnh Tìm người tài đức với thông điệp rất rõ ràng: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận…”. Theo viễn kiến của Hồ Chí Minh, ngày 22/7/1946, Đảng Xã hội Việt Nam được thành lập nhằm mục đích “tập hợp, đoàn kết mọi trí thức yêu nước và dân chủ”. Đây là một thực hành chính trị lão luyện trên nền tảng tư tưởng về trí thức vô cùng sâu sắc và khoáng đạt của Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh là một trí thức lớn, có sức hấp dẫn mạnh mẽ để tập hợp đội ngũ trí thức và đoàn kết toàn dân tộc. Tư tưởng trọng tài, tin tưởng, trọng dụng và nhân ái với trí thức của Hồ Chí Minh là bài học lớn đối với bất cứ ai, bất cứ lúc nào, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.